Nhóm nhà ở xã hội: “Sân chơi” thiếu đại gia
Theo chủ trương, TP.HCM sẽ có trên 48.000 căn nhà ở xã hội trong những năm sắp tới. Tuy vậy, đến nay, thành phố mới chỉ bàn giao được 2.000 căn. Thực tế hiện nay các dự án nhà ở xã hội chỉ lác đác, còn các “đại gia” trong giới đầu tư bất động sản đều chú trọng đến thị trường nhà ở thương mại mà không mấy mặn mà với nhà ở xã hội.
Nhu cầu lớn, doanh nghiệp không mặn mà
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty TNHH Địa ốc Đất Lành cho biết, thực tế đầu năm đến nay, Thành phố mới chỉ bàn giao 301 căn nhà ở xã hội. Cụ thể, theo ông Đực trong số nhà ở xã hội được bàn giao đó có 108 căn hộ tái định cư chuyển đổi thành nhà ở xã hội trong tổng số 233 căn tại dự án chung cư Tô Hiến Thành (Q.10) do Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn làm chủ đầu tư, 84 căn tại chung cư Đông Hưng II, phường Tân Hưng Thuận (Q.12) được Quỹ Phát triển nhà Thành phố mua lại từ nhà tái định cư, 109 căn thuộc khu chung cư The Useful Apartment (Q. Tân Bình).
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM trước đó năm 2013, thành phố bổ sung 1.200 căn nhà tái định cư khu Việt Lập vào nhà ở xã hội.
Ông Phan Trường Sơn, Trưởng phòng Phát triển Nhà và Thị trường Bất động sản, Sở Xây dựng TP.HCM, cho biết hiện toàn Thành phố có 80 dự án đầu tư phát triển nhà ở xã hội bằng vốn ngân sách nhà nước. Đến nay, Thành phố mới bàn giao được 2.000 căn hộ thuộc diện nhà ở xã hội.
Như vậy, những con số báo cáo mới nhất đều cho thấy nó còn quá nhỏ so với chủ trương của Thành phố là đầu tư dự án nhà ở xã hội quy mô 41.000 căn với 3,4 triệu mét vuông sàn xây dựng và cho phép chuyển đổi 8 dự án nhà ở thương mại làm nhà ở xã hội với quy mô 7.600 căn.
Theo các chuyên gia, mỗi năm, Thành phố cần khoảng 30.000 nhà ở xã hội. Nhu cầu lớn là vậy nhưng thực tế rất ít đại gia tham gia phân khúc này. Thị trường nhà ở xã hội mới chỉ có những cái tên: Đức Khải, Hoàng Quân, Thiên Phát… mà thiếu các tên tuổi lớn. “Các doanh nghiệp không mặn mà với nhà ở xã hội, các đại gia đều từ chối: Vinhomes, Đại Quang Minh, CT Land, Novaland, Hưng Thịnh, Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn…”, ông Nguyễn Văn Đực nhận xét.
Nhiều lý do khiến nhà đại gia “tháo chạy”
Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại – Xây dựng Lê Thành cho biết, hiện công ty đang có chủ trương xây dựng 1.900 căn nhà ở xã hội cho công nhân thuê. Tuy nhiên, khi làm dự án, công ty gặp nhiều khó khăn về chính sách. Ông Lê Hữu Nghĩa cho rằng, “Chúng ta không có thiết kế tiêu chuẩn nào” vì luật hiện chưa có tiêu chuẩn thiết kế cho người thu nhập thấp. Điều này dẫn đến việc, các doanh nghiệp khó làm nhà ở xã hội.
Mật độ dân số cũng là lý do nhà ở xã hội chưa phát triển. Nhiều địa phương quy định mật độ dân số trên dự án như nhà ở thương mại. Các nhà đầu tư cho rằng không khả thi. Với người thu nhập thấp, họ ở ghép nhiều người trong một căn hộ nhằm tiết kiệm chi phí.
Với quy định như thế, doanh nghiệp cho rằng không thể thực hiện. “Bình thường dự án đó chỉ 500 dân, chúng tôi làm nhà ở cho công nhân nó lên 2.000 (dân). Căn hộ cho công nhân thuê 1,2 – 1,5 triệu/tháng, 20m2, đầy đủ tiện ích toilet, ban công nhưng không làm được vì vướng”, ông Lê Hữu Nghĩa phân tích.
Đại diện Công ty Cổ phần Tư vấn Thương mại Dịch vụ Địa Ốc Hoàng Quân nêu khó khăn khi hỗ trỡ khách hàng mua nhà ở xã hội. Theo đó, việc thẩm định hồ sơ là nhiêu khê nhiều nhất. Đại diện Hoàng Quân nêu một số ví dụ như việc xác nhận phụ lục thực trạng nhà ở phường, xã, thủ trưởng đơn vị sợ trách nhiệm liên đới trong xác nhận hồ sơ, Chi Cục thuế không hợp tác với công ty trong việc chứng minh thuế thu nhập cá nhân để khách hàng vay tiền ngân hàng… là một số khó khăn khi công ty bán nhà ở xã hội cho người dân.
Một nguyên nhân không kém phần quan trọng khiến nhiều nhà đầu tư lớn không mặn mà nhà ở xã hội là biên độ lợi thấp. Theo Nghị định 188/2013/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, doanh nghiệp được miễn tiền sử dụng đất, giảm thuế VAT, thu nhập doanh nghiệp… nhưng lợi nhuận bằng giá kiểm toán cộng với không quá 10% biên độ lợi nhuận. “Đây là yếu tố không hấp dẫn nhà đầu tư”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM lý giải.
Đi tìm lời giải cho bài toán nhà ở xã hội ở TP.HCM, ông Lê Hoàng Châu nhấn mạnh: “Sắp tới đây, khi Luật Nhà ở 2014 có hiệu lực từ ngày 1/7, Nhà nước cần loại bỏ vấn đề nhà ở xã hội xây xong rồi bán đi. Chuyện xây xong bán đi, tôi đề nghị hỗ trợ cho các doanh nghiệp xây nhà ở căn hộ nhỏ, căn hộ giá thấp, tiền sử dụng đất, tín dụng…”
Ông Châu cũng đề nghị, Nhà nước cũng cần tạo quỹ đất lớn nhằm xây dựng các công trình nhà ở xã hội lớn với tiện ích và giao thông kết nối. Điều này phù hợp với Luật Nhà ở khi Nhà nước áp dụng việc cho nhà đầu tư đóng tiền bằng với 20% diện tích dự án cho nhà ở xã hội vào quỹ nhà đất. Trong khi đó, một số chuyên gia cho rằng, bên cạnh các vấn đề chính sách thủ tục vay vốn giải ngân từ phía ngân hàng cũng nên được xét duyệt nhanh chóng để có thể thu hút các đại gia nhảy vào phân khúc này.
Các dự án nhà ở xã hội đang xây dựng ở TP.HCM
TP.HCM hiện có các công ty làm dự án nhà ở xã hội: Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn với dự án nhà ở xã hội cho công nhân thuê ở Khu chế xuất Linh Xuân; Tanimex Tân Bình có khu dành cho công nhân; Công ty Hoàng Quân đang xây dự án HQC Plaza 1.700 căn hộ trên đường Nguyễn Văn Linh, huyện Bình Chánh và HQC Hóc Môn 579 căn tại xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn; Công ty cổ phần Thủ Thiêm làm dự án nhà tái định cư nhà ở xã hội đang thi công phần thô ở phường Thảo Điền, Q.2; Công ty Cổ phần Đầu tư Tấn Hưng cũng có chủ trương xây dựng 3.000 căn ở Q.8…