Nghịch lý về việc đóng tiền sử dụng đất tại HCM
Trong khi nhiều doanh nghiệp BĐS tại TPHCM đội sổ về nợ tiền thuế hàng trăm tỷ đồng, buộc Cục Thuế TP phải bêu tên, không ít doanh nghiệp khác phải xếp hàng đóng tiền sử dụng đất vì thủ tục quá nhiêu khê.
Không dễ đóng tiền sử dụng đất
Còn nhớ cách đây không lâu, nhiều doanh nghiệp BĐS đã bị cơ quan ngành thuế TP bêu tên do chây ì nợ thuế lên đến hàng trăm tỷ đồng. Điển hình như CTCP Đầu tư và kinh doanh nhà Hoàng Hải (huyện Hóc Môn) nợ 101 tỷ đồng; CTCP Xây dựng và kinh doanh nhà Tân An Huy (quận 4) nợ hơn 90 tỷ đồng; Công ty địa ốc Hồng Quang (quận 4) nợ 88,9 tỷ đồng... Các doanh nghiệp này dù cơ quan thuế dùng nhiều biện pháp như đôn đốc, nhắc nhở, phạt chậm nộp, nhưng đến nay vẫn chưa nộp thuế, gây tác động không nhỏ đến việc thực thi các chính sách kinh tế vĩ mô và tiềm ẩn nguy cơ mất cân đối ngân sách nhà nước
Trong bối cảnh thị trường BĐS ấm lên, tiền sử dụng đất được xem là nguồn thu rất lớn cho ngân sách, nhưng dường như việc thu khoản tiền này đang bị lơ là, ách tắc. Lãnh đạo một doanh nghiệp tại TPHCM cho biết khâu xác định tiền sử dụng đất tại dự án công ty ông kéo dài hơn 2 năm qua vẫn chưa đóng được. Theo vị lãnh đạo này, Quyết định 35/2015 của UBND TPHCM về hệ số điều chỉnh tiền sử dụng đất quy định, nếu tổng giá trị khu đất căn cứ theo bảng giá đất nhỏ hơn 30 tỷ đồng được áp dụng hệ số K do TP ban hành. Do khu đất dự án của công ty tính theo bảng giá đất vượt qua con số trên, nên buộc phải chuyển qua thủ tục thẩm định giá để xác định tiền sử dụng đất. Thế nhưng, Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) vẫn loay hoay điều chỉnh biểu mẫu, khiến quy trình chọn đơn vị thẩm định giá bị chậm, nên rất khó xác định số tiền sử dụng đất.
Đầu năm 2015, sau nhiều lần xin nộp tiền sử dụng đất không thành, CTCP Đầu tư Times Square đã gửi văn bản đến UBND TPHCM, đề nghị sớm giải quyết cho nộp tiền sử dụng đất của dự án Times Square tại khu đất 57-59 Đồng Khởi và số 23-26 Nguyễn Huệ (quận 1). Công ty này phản ánh dù đã có rất nhiều chỉ đạo, hướng dẫn từ năm 2012, nhưng công ty vẫn chưa được xác định nghĩa vụ tài chính cho dự án trên. Việc chậm xác định tiền sử dụng đất làm công ty bị thiệt hại do thời gian khấu trừ tiền thuê đất đã nộp bị giảm, gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp.
Xử lý lãnh đạo nếu chậm tính tiền sử dụng đất
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA), nghịch lý hiện nay tiền sử dụng đất tuy không phải là một sắc thuế, cũng không phải là phí, nhưng lại là một khoản thu ngân sách rất lớn theo quy định của Luật Đất đai và Luật Ngân sách nhà nước. Theo cách thu hiện nay, tiền sử dụng đất là gánh nặng của doanh nghiệp và người tiêu dùng, là ẩn số, không minh bạch khiến nhà đầu tư không thể tiên lượng trước khi quyết định đầu tư, đã tạo ra cơ chế xin - cho. “Thời gian qua, nhiều chủ đầu tư phải xếp hàng chờ đợi được nộp tiền sử dụng đất, trong lúc ngân sách TP rất cần bổ sung nguồn vốn này. Vấn đề cấp bách hiện nay là cần cải tiến quy trình, thủ tục thu tiền sử dụng đất với mức thu hợp lý, rút ngắn thời gian (hiện nay phải trên dưới 1 năm) và loại trừ tệ nạn nhũng nhiễu bởi cơ chế xin - cho” - ông Châu đề xuất.
Tiền sử dụng đất là gánh nặng của doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Về quy trình xác định tiền sử dụng đất hiện nay, ông Châu cho rằng không hợp lý vì do 2 sở thực hiện. Cụ thể, Sở TN-MT đấu thầu qua mạng chọn công ty tư vấn xác định giá đất, đề xuất tính tiền sử dụng đất của dự án. Chi phí xác định giá đất do ngân sách chi trả, nên gần như các công ty tư vấn đều bỏ giá rất thấp (thậm chí chỉ vài trăm ngàn đồng) để được trúng thầu. Sau đó có thể xảy ra trường hợp công ty tư vấn sẽ "làm tình làm tội" chủ dự án, thậm chí không loại trừ việc thỏa thuận kết quả xác định tiền sử dụng đất. Nếu thấy "khó xơi" công ty tư vấn bỏ của chạy lấy người (như tại dự án 128 Hồng Hà, quận Phú Nhuận của CTCP Thương mại Phú Nhuận). Bên cạnh đó, Ban Vật giá, Sở Tài chính là thường trực Hội đồng xác định giá đất TP có nhiệm vụ thẩm định, đề xuất tính tiền sử dụng đất dự án do Sở TN-MT chuyển qua. Nếu thuận, ban này trình UBND quyết định số tiền sử dụng đất phải nộp, nếu không thuận trả hồ sơ làm lại từ đầu rất mất thời gian. Quy trình này không hợp lý, mất rất nhiều thời gian. Trước Luật Đất đai 2013, chỉ 1 đầu mối là Sở Tài chính chịu trách nhiệm việc thẩm định tiền sử dụng đất dự án nên kết quả nhanh hơn.
Trước nghịch lý trên, HoREA kiến nghị TP giao Sở TN-MT hoặc Sở Tài chính chịu trách nhiệm sẽ hợp lý hơn, rút ngắn thời gian, giải tỏa hồ sơ tồn đọng, tạo điều kiện cho chủ đầu tư sớm đưa dự án vào thực hiện, không bỏ lỡ cơ hội kinh doanh. Để thị trường BĐS vận hành thực sự theo cơ chế thị trường, về trung hạn, dài hạn phải thay đổi quan điểm về tiền sử dụng đất, cần coi đây là 1 sắc thuế nhằm đảm bảo tính minh bạch và loại trừ cơ chế xin - cho. Tại buổi làm việc với HoREA và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực BĐS mới đây, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng đã yêu cầu Sở TN-MT đóng vai trò chủ đạo và cam kết trong vòng 1 tháng phải tính được tiền sử dụng đất cho doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp kêu ca sẽ xử lý lãnh đạo.
Hoàng Dũng theo Cafeland.vn