Thủ tướng chỉ đạo làm rõ vụ "làm đẹp" thống kê ở Từ Liêm
Chính phủ yêu cầu Bộ Nội vụ và UBND thành phố Hà Nội cùng các cơ quan liên quan phải trả lời ông Nguyễn Hữu Kiên trước ngày 25/12...
Liên quan đến những sai sót trong đề án điều chỉnh địa giới hành chính của huyện Từ Liêm, đại biểu Nguyễn Hữu Kiên - người phát hiện ra những sai sót của đề án, cho biết, theo tìm hiểu của ông, sau khi có thông tin phản ánh về số liệu thiếu chính xác thì đề án cũ trên trang thông tin điện tử của huyện Từ Liêm đã bị gỡ bỏ và cập nhật một đề án với số liệu mới.
Theo ông Kiên, trong số 11 chỉ tiêu sai sót được nêu ra trước đó, có những chỉ tiêu đã tăng tới gần 300% trong đề án mới. Cụ thể, chỉ tiêu diện tích bình quân nhà ở cho khu vực nội thị, trong đề án cũ trình Hội đồng Nhân dân huyện ngày 3/12 là 40 -50 m2/người, nhưng trong đề án trình Chính phủ ngày 10/12 là 17,31 m2/người, hay số lượng trung tâm thể dục thể thao, nhà thi đấu, trong đề án cũ là 16 nhưng trong đề án ngày 10/12 đã tăng lên 46…
Ngoài ra, cũng đại biểu Kiên, trong đề án trình Chính phủ ngày 10/12 đã bị lược bỏ một số tiêu chí so với đề án trình Hội đồng Nhân dân huyện ngày 3/12 như các chỉ tiêu về công trình công cộng cấp đô thị, Cơ sở y tế, Cơ sở giáo dục đào tạo, hệ thống thoát nước, cây xanh, thu gom xử lý chất thải.
Theo đại biểu Nguyễn Hữu Kiên, nguyên nhân của tình trạng sai số trên có thể là do người chỉ đạo xây dựng và duyệt đề án không nắm rõ được phương pháp tính toán hoặc công tác thống kê yếu kém, sơ sài. Cụ thể, khi giải thích việc tăng số lượng công chức khi lập quận mới, Bí thư Huyện uỷ Từ Liêm ông Lê Văn Thư cho hay, quy định bình quân cả nước là 29 công chức/1.000 người dân, huyện Từ Liêm hiện nay là 40-50 công chức/1.000 dân, khi tách đôi sẽ thiếu.
Đại biểu Nguyễn Hữu Kiên đánh giá, thực tế này cho thấy, những người chỉ đạo và xây dựng đề án đã xem nhẹ vai trò của Hội đồng Nhân dân huyện. Và điều này càng rõ khi Bí thư Huyện uỷ Từ Liêm Lê Văn Thư trả lời trước các cử tri Từ Liêm ngày 19/12 rằng “đề án trình Chính phủ mới là bản chính thức và đã được Hội đồng Nhân dân thành phố thông qua”.
Trao đổi với cử tri về những sai sót trong đề án điều chỉnh địa giới hành chính, ông Thư cũng cho biết, quá trình xây dựng đề án này bắt đầu từ năm 2006 đã qua 5 lần chỉnh sửa, thay đổi. Do vậy, có thông tin sai lệch trong các tài liệu là "đương nhiên, bình thường", lãnh đạo huyện không có gì băn khoăn.
Trước đó, đại biểu HĐND huyện Từ Liêm Nguyễn Hữu Kiên là người duy nhất không “bấm nút” tách huyện Từ Liêm thành 2 quận. Theo ông Kiên, nếu tách làm 2 quận thì các số liệu, dân cư, công trình hạ tầng của từng đơn vị quận mới Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm không đáp ứng. Ngoài ra, quyết toán năm 2012 cho chi phí thường xuyên của huyện Từ Liêm là hơn 563 tỷ đồng. Nếu có thêm 1 quận thì hàng năm ngân sách sẽ phải bỏ ra chí ít là 563 tỷ nữa, chưa kể các chi phí xây mới trụ sở, mua sắm trang thiết bị, xe cộ và các chi phí đổi giấy tờ khác. |
Theo Trí Thức Trẻ