Quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và ĐBSCL
Lễ công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) phía Nam và vùng KTTĐ ĐBSCL đến năm 2020, định hướng năm 2030 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức đã diễn ra tại Tp.HCM vào ngày 5/6/2014.
Lễ công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) phía Nam và vùng KTTĐ ĐBSCL đến năm 2020, định hướng năm 2030 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức đã diễn ra tại Tp.HCM vào ngày 5/6/2014.
Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2020 và định hướng năm 2030, vùng KTTĐ phía Nam với 8 tỉnh, thành (Tp.HCM – Bình Phước – Bình Dương – Đồng Nai – Ba Rịa Vũng Tàu – Tây Ninh – Long An – Tiền Giang) sẽ trở thành vùng kinh tế động lực đầu tàu, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP từ 8 - 8,5% giai đoạn 2011 – 2015, từ 8,5 - 9% giai đoạn 2015 - 2020 tầm nhìn đến 2030, trong đó công nghiệp và dịch vụ chiếm 95 - 96% GDP.
Theo đó, vùng KTTĐ phía Nam sẽ đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp tạo sản phẩm có giá trị gia tăng cao và công nghiệp hỗ trợ. Ưu tiên phát triển nhanh các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch, tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng và tạo nhiều giá trị gia tăng... Trong đó, TP HCM sẽ là hạt nhân, phát triển thành trung tâm dịch vụ, công nghiệp, khoa học và công nghệ của cả vùng và khu vực Đông Nam Á. Các tỉnh phụ cận như Bà Rịa Vũng tàu, Đồng Nai, Bình Dương sẽ đẩy mạnh phát triển mạnh dịch vụ logistics, gia tăng hàm lượng công nghệ, lao động kỹ thuật cho các ngành kinh tế. Đối với các tiểu vùng còn lại sẽ tập trung phát triển theo hướng đón đầu quá trình chuyển dịch công nghiệp tử các địa phương khác đồng thời khai thác lợi thế từ các khu kinh tế cửa khẩu. Riêng hai tỉnh Long An và Tiền Giang sẽ là cửa ngõ, cầu nối giữa vùng ĐBSCL và vùng KTTĐ phía Nam.
Lễ công bố quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) phía Nam
và vùng KTTĐ ĐBSCL đến năm 2020, định hướng năm 2030.
Vùng KTTĐ vùng ĐBSCL gồm thành phố Cần Thơ, Cà Mau, An Giang, Kiên Giang. Theo quy hoạch được phê duyệt, đây sẽ là trung tâm dịch vụ, du lịch lớn của cả nước, trong đó có khu du lịch quốc gia Năm Căn và đặc biệt đảo Phú Quốc được xác định trở thành trung tâm giao thương quốc tế, khu du lịch quốc gia với sản phẩm du lịch sinh thái chất lượng cao của cả khu vực Nam bộ và hạ lưu sông Mekong, là cầu nối trong hội nhập kinh tế khu vực và trở thành địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng an ninh và đối ngoại của cả nước. Mục tiêu quy hoạch đề ra là tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 11%/năm giai đoạn 2011-2015 và 10,5%/năm giai đoạn 2016-2020.
Tại lễ công bố, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông đề nghị, các địa phương trong hai vùng KTTĐ phối hợp chặt chẽ hơn với bộ ngành, viện nghiên cứu trong lựa chọn các lĩnh vực đầu tư trọng điểm, vận dụng những cơ chế, chính sách đã ban hành để tập trung chỉ đạo, thực hiện thắng lợi mục tiêu quy hoạch. Nhằm thực hiện thành công mục tiêu quy hoạch, Thứ trưởng Đông đề nghị, các bộ ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp với các địa phương trong vùng KTTĐ rà soát, trình cấp có thẩm quyền ban hành điều chỉnh, bổ sung một số cơ chế, chính sách không còn phù hợp, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, cải cách thủ tục hành chính... Đặc biệt, đẩy nhanh tiến độ triển khai các chương trình, dự án trọng điểm trên địa bàn đã được phê duyệt, nhất là hệ thống giao thông kết nối giữa các địa phương trong vùng và vùng lân cận, hệ thống thủy lợi và các công trình ngăn ngừa, giảm thiểu những tác động của biến đổi khí hậu nhằm ổn định sản xuất...