Nhà đầu tư ngoại kinh doanh nghĩa trang không bị cấm
Dự án luật không cấm trường hợp nhà đầu tư có đất có quyền đầu tư xây dựng nghĩa trang, nghĩa địa để cho thuê hoặc cho người khác kinh doanh.
Phối cảnh một dự án công viên nghĩa trang tại Việt Nam
Đây là nội dung được Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu khẳng định tại báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, giải trình dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), tại phiên họp sáng 15/7 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Phạm vi kinh doanh bất động sản của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài là một trong những nội dung đã được chỉnh lý.
Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu cho biết, qua thảo luận tại Quốc hội, đa số ý kiến tán thành với quy định mở rộng phạm vi kinh doanh bất động sản cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng quy định cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê đất trong các dự án bất động sản của các chủ đầu tư để xây dựng nhà, công trình xây dựng để bán, cho thuê, cho thuê mua là không phù hợp với quy định của Luật Đất đai.
Dự thảo luật mới nhất đã tiếp thu theo hướng thay cụm từ “tổ chức, cá nhân nước ngoài” thành “doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài”, đồng thời quy định người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được nhận chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản thông qua việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi đất của chủ đầu tư cần chuyển nhượng dự án và giao đất, cho thuê đất đối với chủ đầu tư nhận chuyển nhượng dự án bất động sản cho phù hợp với Luật Đất đai.
Cần quy định trường hợp nhà đầu tư có đất thì họ có quyền đầu tư xây dựng nghĩa trang, nghĩa địa hoặc có quyền cho thuê để xây dựng nghĩa trang, nghĩa địa kinh doanh là đề nghị từng được nêu tại nghị trường.
Theo Ủy ban Kinh tế thì dự án luật không cấm trường hợp nhà đầu tư có đất có quyền đầu tư xây dựng nghĩa trang, nghĩa địa để cho thuê hoặc cho người khác kinh doanh nhưng phải phù hợp với quy hoạch xây dựng, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Phần thảo luận sáng nay, một số ý kiến tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng bên cạnh phù hợp với quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất còn cần quy định phải phù hợp với mục đích sử dụng khi chuyển quyền sử dụng đất khi xây dựng nghĩa trang, nghĩa địa.
Nhiều băn khoăn nhất là quy định liên quan đến doanh nghiệp kinh doanh bất động sản phải có vốn pháp định không được thấp hơn 50 tỷ đồng.
Ở Hà Nội thì có thể số tiền đó là quá nhỏ nhưng ở các tỉnh nghèo thì lại là quá lớn, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phân tích.
Đồng ý với lập luận này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý băn khoăn: căn cứ nào đưa ra con số 50 tỉ đồng? Tại sao các địa bàn khác nhau mà doanh nghiệp lại phải có cùng mức vốn pháp định? Ông Lý đề nghị cần phải lý giải rõ tại sao và căn cứ nào để chọn mức này.
Nếu ta làm chặt cái này sẽ có những anh rất tâm huyết muốn làm bất động sản tử tế chưa chắc đã đủ điều kiện làm, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cũng tâm tư.
Vốn pháp định tối thiểu phải căn cứ vào quy mô lớn hay nhỏ, không nên quy định số tuyệt đối, Phó chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân nói.
Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội thảo luận và thông qua tại kỳ họp thứ tám vào cuối năm nay.