Nhà dân thành "hang" khi làm đường
Do đầu tư thiếu đồng bộ, kết nối, những con hẻm, khu phố ngập nước, ô nhiễm, đặc biệt là những căn nhà dị dạng, méo mó, thiết kế như hầm ngầm, hang động… xuất hiện ngày càng nhiều dọc các tuyến đường vừa xây dựng, nâng cấp ở TPHCM.
Do đầu tư thiếu đồng bộ, kết nối, những con hẻm, khu phố ngập nước, ô nhiễm, đặc biệt là những căn nhà dị dạng, méo mó, thiết kế như hầm ngầm, hang động… xuất hiện ngày càng nhiều dọc các tuyến đường vừa xây dựng, nâng cấp ở TPHCM.
Căn nhà 346/112 Phan Văn Trị như một cái hang, phải xây bậc tam cấp để leo ra đường Phạm Văn Đồng. ảnh: LT
Đường Phạm Văn Đồng (PVĐ, tên gọi khác là Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài) là tuyến đường nội ô đẹp nhất TPHCM. Được thiết kế, xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế, cao độ nền đường tuân thủ cốt nền nên nhiều đoạn, tuyến đường cao hơn hẳn so với khu vực liền kề, kể cả nhiều nhà dân ở vị trí mặt tiền (khi xây dựng chưa có cốt nền).
Hẻm 346 Phan Văn Trị (phường 11, quận Bình Thạnh) thấp hơn đường PVĐ gần một mét. Anh Đạt (38 tuổi, trú tại nhà 346/112) cho biết mỗi khi mưa lớn, nước từ đường Phan Văn Trị đổ vào, cả con hẻm biến thành ao lớn, nhiều đoạn ngập sâu đến yên xe máy. Hàng trăm nhà dân trong khu phố bị ngập sâu.
“Trước kia, hẻm cũng ngập nhưng không sâu và thoát rất nhanh. Kể từ khi làm đường PVĐ, lối thoát nước tự nhiên bị chặn. Cống thoát nước của khu dân cư tuy sau này được đấu nối với cống trên đường PVĐ nhưng do chênh lệch về cao độ mặt đường, bùn rác nhiều nên khả năng thoát nước bị hạn chế. Mưa tạnh cả tiếng nước vẫn chưa rút hết” – anh Đạt nói.
Hàng chục nhà cuối hẻm 346 Phan Văn Trị ra vị trí mặt tiền khi TPHCM mở đường PVĐ. Nhiều căn nhà thấp hơn nền đường từ 0,7 đến 1,5 m nên người dân không thể nâng nền theo mặt đường. Trước cửa, chủ nhà cho xây các bậc tam cấp để trèo lên đường. Việc di chuyển của người dân khá khó khăn và bất tiện, nhất là dắt xe máy lên xuống.
Dân lãnh đủ
Theo TS Phạm Sinh, chuyên gia giao thông, sự thiếu đồng bộ trong đầu tư phát triển hạ tầng giao thông không chỉ ảnh hưởng đến mỹ quan và còn gây nhiều hệ quả xấu, ảnh hưởng đến sinh hoạt và chất lượng sống của người dân.
Đường Kha Vạn Cân (quận Thủ Đức) đang được nâng cấp, mở rộng. Để chống ngập, TPHCM chọn giải pháp nâng cao độ nền đường. Hiệu quả chưa thấy, chỉ thấy hậu quả. Đó là nhiều căn nhà ven đường, đoạn gần cầu Gò Dưa (phường Linh Đông) nằm dưới … hố sâu, cách nền đường gần 2m, người dân phải bắc thang trèo lên.
Nhiều tuyến đường nâng nền thì không còn ngập. Đổi lại, nhà dân hai bên đường và một số khu vực lân cận lãnh đủ vì thấp hơn đường. Đơn cử như Quốc lộ 50 (đoạn qua xã Phong Phú, huyện Bình Chánh) từ khi nâng đường, hàng chục ngôi nhà bị biến thành hang, hầm và bị ngập thay đường. Tình trạng tương tự cũng xảy ra trên nhiều con đường như Hòa Bình (quận Bình Tân), Nguyễn Thị Nhỏ, Lãnh Binh Thăng (quận 11)…
Theo UBND phường 13, vừa qua, phường đã kiến nghị UBND quận Bình Thạnh tạo điều kiện thuận lợi cho người dân xin phép xây dựng, sửa chữa nhà. Tuy nhiên, số trường hợp người dân xin cấp phép xây dựng chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Ông Trần Văn Quang, Phó chủ tịch UBND phường 11 (quận Bình Thạnh) giải thích: Nền đường PVĐ quá cao so với nhà dân nên không thể nâng nền. Người dân chỉ còn cách đập ra xây nhà mới. Tuyến đường PVĐ vừa được UBND TPHCM phê duyệt thiết kế đô thị và quy hoạch thiết kế cảnh quan, khi xin phép xây dựng, người dân phải tuân thủ quy định trên. Đối với những hộ không có điều kiện, năng lực tài chính thì đây là một trong những trở ngại lớn.
“Để giải quyết khó khăn cho người dân, địa phương đã vận động các trường hợp nhận thêm tiền bồi thường để bàn giao toàn bộ mặt bằng nếu phần đất sau giải tỏa diện tích không đủ chỉ tiêu xây dựng. Tuy nhiên, chấp nhận hay không là quyền của người dân” – ông Quang nói.