3 lỗi nặng trong công tác quy hoạch
Phát biểu tại Hội thảo Tham vấn ý kiến về Dự thảo Luật Quy hoạch do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức tại TP.HCM cuối tuần qua, ông Vũ Quang Các, Vụ trưởng Vụ Quy hoạch (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, thực trạng công tác quy hoạch còn tồn tại nhiều vấn đề.
Thứ nhất, lập quá nhiều quy hoạch, nhưng không đồng bộ, thiếu thống nhất, thiếu sự liên kết, khớp nối và còn nhiều chồng lấn, mâu thuẫn.
Thứ hai, chất lượng và hiệu quả quy hoạch thấp, điều chỉnh bổ sung nhiều và không gắn với nhu cầu sử dụng cũng như nguồn lực thực hiện dẫn đến quy hoạch kém hiệu quả và không khả thi.
Thứ ba, việc tổ chức lập và thực hiện quy hoạch bị buông lỏng, chưa kịp thời, thiếu kiên quyết; quản lý quy hoạch do nhiều cơ quan quản lý; thiếu cơ quan đầu mối, không đảm bảo tính tập trung.
Dẫn chứng cho các quan điểm trên, ông Các trích dẫn số liệu thống kê sơ bộ: chỉ riêng giai đoạn 2011-2020, cả nước có 19.285 bản quy hoạch với kinh phí lập lên đến 7.947 tỷ đồng, trong đó cá biệt có địa phương lập đến 200 bản quy hoạch. “Riêng việc nhớ tên của các bản quy hoạch đã khó, làm sao nắm bắt hết nội dung quy hoạch?”, ông Các nhận định và cho biết, ông rất nghi ngờ về tính thiết thực của công tác lập quy hoạch.
Do vậy, quan điểm chủ đạo trong Dự thảo Luật Quy hoạch do Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng sẽ tập trung vào pháp điển hóa văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch, kế thừa, phát huy những ưu điểm, hạn chế nhược điểm, có điều chỉnh tương ứng với nhu cầu phát triển và đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước. Đồng thời, quy hoạch phải là công cụ quản lý điều hành phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, nội dung luật phải thực sự khoa học, đi từ tổng thể chung của cả nước đến các vùng đến địa phương.
Góp ý cho Dự thảo, TS. Phạm Sỹ Liêm, nguyên thứ trưởng Bộ Xây dựng đề xuất, hệ thống quy hoạch không gian cần theo thông lệ quốc tế, nên phân thành 3 cấp, quốc gia, vùng và địa phương. Về quy hoạch ngành, chỉ cần 3 quy hoạch (gồm quy hoạch các ngành kinh tế, quy hoạch các ngành xã hội và quy hoạch các ngành kết cấu hạ tầng). Theo ông, một điểm cần lưu ý là, quy hoạch sử dụng đất nên chuyển thành kế hoạch sử dụng đất.
PGS - TS Trần Trọng Hanh, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Kiến trúc Hà Nội cho biết, cần xác định, quy hoạch là tạo không gian phát triển. Đại diện Sở Kế hoạch Đầu tư An Giang đề xuất phải đổi mới tư duy về quản lý, lập quy hoạch, công tác quy hoạch cần theo quan điểm “động” là phải thường xuyên nghiên cứu, rà soát để cập nhật, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế và đưa quy hoạch phù hợp với cuộc sống.
Phát biểu kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông đã đánh giá cao các ý kiến tham luận tại Hội thảo. Ông nhấn mạnh, việc xây dựng quy hoạch phải có sự phối hợp, cách làm khoa học và có sự tham gia bài bản; quy hoạch không đơn thuần là bản vẽ thiết kế không gian của các kiến trúc sư, của các nhà quy hoạch đô thị, mà phải gắn liền với đòi hỏi của kinh tế - xã hội.