Nóng trong tuần: Hết lo lắng về chuyện sốt đất nền lại hoang mang về chung cư cũ
- Nơm nớp sống trong chung cư xuống cấp; Treo băng rôn ‘tố’ chủ đầu tư, dân chung cư bị cắt nước; Căn hộ 85 tỷ đồng bỏ hoang bên đường vành đai 3; Bất động sản TP.HCM cảnh giác với sốt đất ở Cần Giờ... là những thông tin nhà đất đáng chú ý trong tuần qua.
Hình minh họa
Đã có hiện trạng gom đất tách thửa
Quyết định 60 của UBND TPHCM quy định diện tích tối thiểu được tách thửa được đánh giá thông thoáng cho người dân. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến nếu không giám sát chặt chẽ sẽ phát sinh nhiều tiêu cực như đã từng xảy ra trước đó trong quá trình tách thửa.
Đối với quy hoạch, chỉ xem xét tách thửa đất ở thuộc quy hoạch đất dân cư hiện hữu hoặc dân cư hiện hữu chỉnh trang. Không tách thửa thuộc quy hoạch đất ở xây dựng mới, đất sử dụng hỗn hợp và có trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm để thực hiện thu hồi đất; tuy nhiên sau 3 năm kể từ ngày rà soát phê duyệt các quy hoạch mà chưa thực hiện sẽ được tách thửa.
‘Giải cứu’ condotel, officetel: Vẽ đường hươu chạy?
Hết Bộ Xây dựng rồi đến Bộ Tài nguyên & Môi trường đề xuất “giải cứu” condotel (căn hộ khách sạn), officetel (căn hộ văn phòng). Trong khi đó, thực tế các căn hộ này đã bùng phát và có chiều hướng biến tướng nhiều năm nay nhưng cơ quan chức năng vẫn làm ngơ.
Vài năm trở lại đây, cơn sốt condotel bùng nổ khắp các tỉnh ven biển ở Việt Nam rồi lan sang các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM. Cơ quan chức năng chưa một lần chính thức khảo sát và công bố số lượng căn hộ này nhưng nhiều hiệp hội đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo sự bùng phát lên đến vài chục nghìn căn hộ dạng này trong khi cơ sở pháp lý chưa có. Với loại hình officetel đang len lỏi vào các ngóc ngách, các đô thị lớn đang trở nên quá tải.
Nơm nớp sống trong chung cư xuống cấp
Thang máy hỏng, nền nhà sụt lún, vỡ nát, hệ thống thoát nước hỏng... là thực trạng xuống cấp đáng báo động tại nhiều khu chung cư tái định cư ở TP Hà Nội.
Đã mấy tháng nay, thang máy chung cư G9 Xuân Đỉnh (P.Xuân Tảo, Q.Bắc Từ Liêm) hết lần này đến lần khác hỏng hóc. chung cư có 3 tòa nhà với 6 thang máy, mà 5 trong số đó đã hỏng. Hiện chỉ còn một thang máy sử dụng cho khoảng 120 hộ dân với trên 400 nhân khẩu. "Từ khi thang máy hỏng, người già, trẻ nhỏ phải đi lên đi xuống thang bộ rất mệt. Tôi bị bệnh tim, không đi nổi nên chọn cách đi thang máy của tòa nhà giữa rồi đi vòng qua mái chung cư để về nhà, dẫu biết đi như vậy là nguy hiểm" - ông Bùi Văn Nam, người dân ở tầng 8, tòa nhà số 3 chung cư G9, cho biết.
Treo băng rôn ‘tố’ chủ đầu tư, dân chung cư bị cắt nước
Hơn 10 căn hộ chung cư tại dự án Goldmark City (36 Hồ Tùng Mậu, Hà Nội) bị cắt nước vì treo băng rôn “tố” chủ đầu tư tại logia căn hộ.
Thông báo của BQL cũng nêu rõ: “thực hiện theo chỉ đạo của chủ đầu tư buộc phải tạm dừng cung cấp nước sinh hoạt cho căn hộ của cư dân cho đến khi băng rôn được tháo dỡ vì đã vi phạm Nội quy quản lý nhà chung cư đính kèm Hợp đồng Mua bán căn hộ đã được các bên ký kết hợp pháp, gây ảnh hưởng tới mỹ quan chung làm xấu đi diện mạo của cả khu”. Bà Nguyễn Hoài Thu – cư dân chung cư Goldmark City bức xúc, từ ngày 18/1gia đình bà bị cắt nước qua sáng ngày hôm sau (19/1) vẫn không được cấp nước trở lại. Theo cư dân tại đây, điện nước là nhu cầu tối thiểu nhất của người dân việc cắt nước rất ảnh hưởng đến sinh hoạt của gia đình. Gia đình vẫn đóng tiền nước đầy đủ, không có lý do gì để bị cắt nước.
Căn hộ 85 tỷ đồng bỏ hoang bên đường vành đai 3
Từng được rao bán với giá căn hộ thấp nhất từ 21 tỷ đồng và cao nhất là 85 tỷ đồng, Habico Tower chết chìm khi rơi vào cảnh chậm tiến độ và ngừng thi công trong thời gian dài. Đây là một trong số những dự án đình đám ăn theo tuyến đường huyến mạch vành đai 3.
Dự án được khởi công vào năm 2008 và dự kiến hoàn thành, đưa vào sử dụng năm 2011 do Công ty CP Hải Bình (HABICO) làm chủ đầu tư. Habico Tower là coi là một “siêu dự án” lúc bấy giờ, với tổng số vốn đầu tư khoảng 220 triệu USD, được xây dựng trên khu đất hơn 4.490 m2. Sau một thời gian thi công, dự án đã nhanh chóng dừng lại. Kể từ đó, công trình nằm “bất động”. Cho tới nay, Habico Tower vẫn bỏ hoang, công trường không có bất kỳ hoạt động thi công nào, cẩu thang, vận tháp cũng không còn.
Bất động sản TP.HCM: Cảnh giác với sốt đất ở Cần Giờ
Là huyện đảo duy nhất của TP.HCM, với bốn bên là biển và rừng ngập mặn. Trước đây, đặc sản của Cần Giờ là hải sản và du lịch rừng Sác, nhưng giờ đây, Cần Giờ có thêm “đặc sản” nữa là đất nền.
Ghi nhận thời điểm bắt đầu sốt đất ở mặt tiền đường Rừng Sác, xã Bình Khánh, đầu năm 2017 giá chỉ 3,2 triệu đồng/m2, tới cuối tháng 4 đã vọt lên 17 triệu đồng/m2 và giờ đây khi các quận, huyện toàn TP.HCM đã qua cơn sốt thì huyện Cần Giờ cơn sốt vẫn còn và giá đất nơi đây lên tới 25,4 triệu đồng/m2. Ở tuyến đường Duyên Hải, xã Cần Thạnh, trước đây hai bên đường là cánh đồng muối, với hàng phi lao xanh mát. Nhưng giờ đây, những cánh đồng muối đã bị san lấp, đất được phân lô, cắm mốc, thân những cây phi lao bên đường được treo đầy những tờ giấy bán đất nền.
Xây chung cư, nhà dân nứt toác
Hàng chục hộ dân ở đường Bến Vân Đồn, quận 4 (TP HCM) đang sống thấp thỏm trong những căn nhà bị nứt, không biết khi nào mới nhận được tiền bồi thường từ phía đơn vị thi công
"chung cư số 132 Bến Vân Đồn xây dựng 2 năm nay thì cũng từng đó thời gian chúng tôi sống trong phập phồng lo sợ. Tường nứt toác, nền nhà bung gạch. Phản ánh thì chủ đầu tư cho thợ dùng xi măng trét lại chứ chưa bồi thường gì. Mấy tháng trước trời mưa, nước lọt theo khe xi măng xuống ướt nền nhà ngay ổ điện. Em trai tôi bị mù nằm dưới sàn cứ sợ bị điện giật" - bà Nguyễn Thị Bé (ngụ 137/20 Bến Vân Đồn, phường 6, quận 4) phản ánh. Ngoài nhà bà Bé, 19 hộ dân khác trong hẻm này đều bị thiệt hại nhưng chưa được bồi thường vì phải chờ công trình thi công xong. Một số hộ phải tự bỏ tiền túi để sửa chữa lại nhà.
Nguyên Huy (TH)
Theo cafeland.vn