- Chung cư Đại Thành trễ hẹn giao nhà 6 năm, người mua kêu cứu; Cuối năm, hoạt động phân lô bán nền tại TP.HCM lại “nở rộ”; Phú Quốc đất lại “nóng”; Loạn thị trường bán nhà trên giấy... là những thông tin nhà đất đáng chú ý trong tuần qua.
Hình minh họa
Nhiều khách hàng mua nhà tại dự án chung cư Đại Thành (quận Tân Phú, TP.HCM) tố chủ đầu tư dự án này chậm bàn giao căn hộ 6 năm. Nghiêm trọng hơn, khách hàng cho biết chủ dự án có dấu hiệu lừa khách hàng đóng tiền vượt quy định.
Cụ thể, khách hàng ký hợp đồng mua bán căn hộ với chủ đầu tư Đại Thành và được hứa hẹn bàn giao nhà vào năm 2012. Tuy nhiên dự án “cù nhầy” đến nay vẫn chưa thể đưa dân vào ở. Tròn 6 năm, hàng trăm người mua nhà tại đây khốn đốn vì đã đóng tiền đẩy đủ nhưng không được nhận căn hộ. Ngoài ra, khách hàng cũng tố chủ đầu tư, không minh bạch trong hoạt động kinh doanh khi thanh lý lại căn hộ với khách hàng cũ ở mức giá thấp bằng hình thức thanh toán trả chậm. Chủ đầu tư sau đó tiếp tục chào bán căn hộ này với mức giá mới rất cao nhưng lại không hoàn tất việc trả nợ cho khách hàng cũ.
Trong thời gian qua, loại hình bất động sản condotel rất được quan tâm với số lượng giao dịch thành công lớn. Tuy nhiên việc chưa có quy định pháp lý cụ thể, vấn đề đăng ký tạm trú, hộ khẩu khó khăn, cam kết lợi nhuận chưa rõ ràng khiến cho nhà đầu tư rất bối rối. Vậy, condotel có còn hấp dẫn trong năm 2018?
Về lợi nhuận cam kết hiện nay của loại hình này (thường từ 8 – 10%) như con dao hai lưỡi. Người mua an tâm trong vòng 5 – 10 năm sẽ có một khoản lợi nhuận cố định nhưng thị trường bất động sản phát triển theo quy luật, chu kỳ và rất khó để để dự đoán được mức tăng trưởng trong vòng 10 năm, các loại hình khác nếu có thì cũng chỉ cam kết lợi nhuận tối đa 2 năm.
Khu tái định cư Bình Khánh (phường Bình Khánh, quận 2, TP.HCM) với chục khối nhà cao tầng đã được xây dựng hoàn thiện nhưng hiện lác đác người về ở.
Dự án được đầu tư để tái định cư tại chỗ cho các hộ dân thuộc 5 phường trung tâm của khu đô thị Thủ Thiêm, gồm 3 khu: khu 30,2 ha Bình Khánh có 4.216 căn hộ, khu 38,4 ha Bình Khánh có 6.220 căn hộ, khu 17,3 ha An Phú - Bình Khánh có 1.844 căn. Hiện nay, các khu nhà cao tầng nằm san sát nhau đã được hoàn thiện. Tuy nhiên, chỉ một số tòa nhà là có cư dân về sinh sống, phần lớn đang bị bỏ trống.
Những tháng cuối năm 2017, khu vực quận Tân Phú, quận Bình Tân (TP.HCM) lại nở rộ việc phân lô bán nền. Nhiều “dự án” mới mở bán 2-3 tuần đã được chủ đầu tư thông báo cháy hàng.
Gọi là dự án, nhưng các “dự án” này thật ra là các khu đất rộng 3.000 - 10.000 m2 của người dân ủy quyền cho các đơn vị môi giới phân lô rồi bán ra thị trường. Các “dự án” phân lô bán đất nền bắt đầu “nở rộ” trở lại trong thời gian gần đây khi các tờ rơi quảng với những hình ảnh sinh động, các lời mời chào ấn tượng, nhưng trên thực tế, những dự án dạng này tồn tại khá nhiều điều “đáng ngại”. Các quận Tân Phú, Bình Tân dù ở nội thành nhưng quỹ đất còn tương đối nhiều, giá thành mềm hơn so với những quận khác nên được nhiều chủ đầu tư nhắm đến. Riêng trong năm 2017, giá đất ở đây đã tăng đến 50% so với năm 2016, nhiều nơi giá đất từ 35 - 50 triệu đồng/m2 lên đến 60 - 80 triệu đồng/m2, thậm chí có nơi lên đến 100 triệu đồng/m2.
Chỉ sau 1 cú điện thoại, giá 1 thửa đất tăng thêm nửa tỉ đồng, thậm chí giá 1 công đất (1.000m2) ở vị trí thuận lợi cho việc kinh doanh tăng lên đến 50 - 60 tỉ đồng. Thế nhưng, các giao dịch vẫn diễn ra trong tình trạng “ngựa xe như nước, áo quần như nêm”. Tất cả như cho thấy, giá đất ở Phú Quốc (Kiên Giang) thậm chí sốt hơn thời điểm cuối năm 2014, đầu năm 2015. Nhưng đáng lo hơn, đằng sau sự leo thang tiền bạc này là sự tuột dốc của tình người, tình đời...
“Em mua đất gì cũng có” - vừa thấy tôi phát tín hiệu có nhu cầu mua đất, Nhàn - tay xe ôm đón tôi khi vừa đặt chân lên cầu cảng Bãi Vòng (xã Hàm Ninh) - vồn vã. Vừa vào quán cà phê Nón Lá nằm trên đường Trần Hưng Đạo - thị trấn Dương Đông (TTDĐ), Nhàn đã huyên thuyên hết đất đồi, đất rừng, cho đến đất mặt biển... Chỉ một loáng, mang cả “chợ đất” ra mời chào. Câu chuyện thỉnh thoảng đứt quãng vì Nhàn trả lời các phi vụ khác và vì những cuộc trao đổi mua bán giá đất với cường độ “âm thanh vang dội” từ các bàn lân cận.
Đầu năm 2017, có thời điểm giá đất nền tăng gấp 2, gấp 3 lần chỉ trong vòng nửa tháng. Tình trạng sốt đất được cho là toàn diện tại các quận huyện ngoại thành TP.HCM. Kéo theo đó là đội quân cò đất rải khắp nơi, sẵn sàng giới thiệu, tư vấn và dắt khách hàng.
Cơn sốt đất nền tại TP.HCM xuất phát từ khu Đông sau thông tin UBND TP.HCM sẽ xây dựng cầu Cát Lái nối quận 2 với huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai). Cơn sốt đất nền lan rộng ra cả thành phố, nhất là khi có tin lãnh đạo TP cân nhắc việc quy hoạch 3 huyện là Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè lên quận. Trên nhiều tuyến đường liên phường, chạy qua nhiều khu đất trống tại địa bàn ngoại thành, cảnh các biển rao bán nhà đất “đua nhau” mọc lên như nấm sau mưa.
Sở Xây dựng Hà Nội thường xuyên cập nhật những dự án đủ điều kiện bán hàng trên website, tuy nhiên nhiều chủ đầu tư không có tên trong danh sách vẫn bán hàng. Thậm chí, nhiều người còn bán cả căn hộ trong dự án không có trong giấy phép xây dựng khiến khách hàng đối mặt nhiều rủi ro.
Tuy nhiên, thực tế, dù dự án chưa có giấy phép xây dựng nhưng nhiều “cò” quanh dự án luôn sẵn sàng tư vấn, nhận đặt chỗ và rao bán căn hộ với giá từ 15 đến 17,5 triệu đồng/m2. Theo lý giải của nhân viên môi giới, khách có nhu cầu mua thì ký hợp đồng đặt chỗ và đặt cọc từ 20 triệu - 30 triệu đồng. Khi dự án chính thức mở bán sẽ ký hợp đồng mua bán.
Nguyên Huy (TH)
Theo cafeland.vn