- Những mảng màu sáng tối thị trường bất động sản Long An; ‘Cò" bắt tay "thổi" giá đất ở phố dời cây xanh Hà Nội; Ngán ngẩm nhà tái định cư; Dân gốc Long Thành những ngày ở nốt... là những thông tin nhà đất đáng chú ý trong tuần qua.
Hình minh họa
Tỉnh Đồng Nai đã ra thông báo ngăn chặn tình trạng phân lô tách thửa quanh khu vực dự án sân bay Long Thành song tình trạng mua bán đất vẫn diễn ra như chưa có chuyện gì, giới cò đất vẫn hoạt động nhộn nhịp như xưa.
Hai năm sau phê duyệt, cơn sốt đất quanh sân bay Long Thành vẫn còn đó. Ở điểm nóng vang bóng một thời là Nhơn Trạch giờ đây lại cũng có tin rao mua bán Long Thành nhan nhản. Vừa bước xuống phà Cát Lái, dọc hai bên con đường Lý Thái Tổ đi vào trung tâm huyện Nhơn Trạch là vô số trung tâm môi giới, ký gửi nhà đất. Trên những cây xanh, cột điện các mẫu quảng cáo rao bán đất đu bám nhau, trong đó thông tin nổi bật hơn cả là “bán đất gần sân bay Long Thành”.
Sau Bình Dương và Đồng Nai, gần đây Long An đang nổi lên như thị trường giáp ranh TP.HCM đầy tiềm năng với doanh nghiệp bất động sản. Tuy nhiên, khu vực này không hẳn là miền đất hứa khi có không ít dự án đang điêu đứng sau nhiều năm triển khai.
Bến Lức, Cần Giuộc và Đức Hòa là ba huyện của tỉnh Long An nằm tiếp giáp với các quận, huyện của TP.HCM. Khi quỹ đất của TP.HCM ngày càng hạn hẹp và giá đất được đẩy lên cao ngất ngưởng thì những khu vực này trở thành điểm đến của nhiều doanh nghiệp bất động sản. Tuy nhiên, cũng giống như Đồng Nai và Bình Dương, không ít dự án đình đám ở Long An dù được triển khai nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa ra hình hài của một khu đô thị từng được quảng cáo.
Nằm trong vũng lõi của dự án sân bay quốc tế Long Thành, hàng ngàn hộ dân chịu nhiều thiệt thòi khi dự án được phê duyệt nhiều năm nhưng tiến độ giải phóng mặt bằng chậm chạp.
Kể từ khi dự án sây bay được quy hoạch, mọi hoạt động mua bán đất đai, xây dựng nhà cửa của người dân bị “đóng băng” để chờ giải tỏa, đền bù. Thế nhưng, tiến độ giải phóng mặt bằng ì ạch suốt nhiều năm qua kéo theo nhiều khốn khó cho người dân.
Khởi công từ năm 2008, hoàn thành vào năm 2013, nhưng thực tế những cư dân đầu tiên ở khu tái định cư Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh, TPHCM) đã dọn về ở từ năm 2011. Vậy mà, gần 7 năm trôi qua, khu tái định cư này vẫn… hoang vắng đến não lòng.
Với mục đích lo toan chỗ ở cho người dân tái định cư, TPHCM đã giao Ban quản lý Đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đô thị làm chủ đầu tư xây dựng khu tái định cư Vĩnh Lộc B trên mặt bằng rộng 30ha tại xã Vĩnh Lộc B, với quy mô đến 45 block chung cư, cung cấp nơi ở mới cho gần 2.000 hộ bị giải tỏa ở các quận 1, 6, 8, Bình Tân, Phú Nhuận… Nhưng rồi người dân khó có thể an cư lạc nghiệp được, do nơi đây quá đìu hiu nên người lao động nghèo thành thị khó có thể làm gì để kiếm sống.
Cùng với việc mở rộng đường, di dời các cây xanh ở tuyến đường Phạm Văn Đồng (Hà Nội), đang được “cò” bắt tay nhau thổi giá nhà đất khu vực này.
Nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án đầu tư mở rộng đường Vành đai 3 đoạn Mai Dịch - Cầu Thăng Long gần 1.300 cây xanh nằm hai bên đường Phạm Văn Đồng từ chân cầu Mai Dịch đến cầu Thăng Long, sẽ được chặt hạ, đánh chuyển bắt đầu từ hôm nay 18/10. Trong khi việc di dời đang được tiến hành thì giới nhà đất cũng đua nhau, hò nhau thổi giá nhà đất xung quanh khu vực này.
Chỉ chưa đầy 2 năm, nhiều khu vực trên địa bàn quận Bình Thạnh, giáp Quận 1 đã biến thành “thủ phủ” của chung cư mini cho thuê; một vài tuyến phố đang dần biến thành phố chung cư mini;... Trào lưu xây dựng lưu xây dựng chung cư mini cho thuê đang thực sự bùng nổ, vì sao?
Phường 19, quận Bình Thạnh chỉ cách phường Bến Nghé Quận 1 con kênh Thị Nghè. Do lợi thế gần trung tâm, có đường Nguyễn Hữu Cảnh sầm uất chạy qua nên chỉ trong thời gian ngắn cả phường 19 trở nên sầm uất.
Những tòa nhà tái định cư được xây dựng “sừng sững” giữa lòng Thủ đô nhưng không có người ở - đã trở thành nỗi ngán ngẩm, tiếc nuối của nhiều người. Mới đây, dư luận lại có dịp xôn xao khi thông tin 3 tòa nhà cao 6 tầng tại KĐTM Sài Đồng, quận Long Biên bị Chủ đầu tư đề xuất đập bỏ để xây dựng nhà thương mại. Điều đó cho thấy, sự lãng phí của nhà tái định cư đang rõ ràng hơn bao giờ hết.
Cụ thể, 3 tòa nhà trên được xây dựng từ năm 2001-2006 nhằm phục vụ nhu cầu tái định cư tại chỗ của người dân sau khi thực hiện dự án giải phóng mặt bằng mở rộng tuyến phố Sài Đồng - khu đô thị Sài Đồng. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau nên suốt một thời gian dài người dân không đến nhận nhà tái định cư nên toàn bộ 3 tòa nhà tòa nhà này bị bỏ hoang đến nay và hiện cả 3 tòa nhà đã xuống cấp.
Nguyên Huy (TH)
Theo cafeland.vn