Sau 10 năm triển khai thực hiện chủ trương cải tạo chung cư cũ, mặc dù các cấp chính quyền địa phương đã có nhiều cố gắng và quyết tâm thực hiện nhưng kết quả trên thực tế đã không đạt được yêu cầu đề ra.
Sau 10 năm triển khai cả nước chỉ mới thực hiện cải tạo, sửa chữa được khoảng 10 nhà chung cư
Luật Nhà ở năm 2014 đã đặt ra các yêu cầu cho các địa phương khi phê duyệt quy hoạch xây dựng nhà ở, phê duyệt các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, dự án đô thị, nhất là tại các đô thị loại đặc biệt, loại 1 và loại 2 thì phải tập trung đầu tư xây dựng nhà chung cư thay vì xây dựng các nhà biệt thự, các nhà liền kề.
Nhiều cơ chế “mở”
Để thực hiện chủ trương này, từ năm 2007 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 34/2007/NQ-CP về một số giải pháp để thực hiện cải tạo, xây dựng lại các nhà chung cư bị hư hỏng, xuống cấp. Tuy nhiên, sau 10 năm triển khai cả nước chỉ mới thực hiện cải tạo, sửa chữa được khoảng 10 nhà chung cư.
Để thúc đẩy nhanh việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ, Bộ Xây dựng đã báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội thông qua Luật Nhà ở năm 2014, trong đó sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung quan trọng về chính sách cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ; tiếp đó, Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 101/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư và Bộ Xây dựng cũng đã ban hành Thông tư số 21/2016/TT-BXD ngày 30/6/2016 về hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 101/2015/NĐ-CP.
Các cơ chế, quy định mới được quy định trong Luật Nhà ở 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã cơ bản khắc phục được các vướng mắc, tồn tại trên thực tế mà Nghị quyết 34/2007/NQ-CP của Chính phủ không thể giải quyết.
Đặc biệt, nếu như trước đây Nhà nước giữ vai trò quyết định, can thiệp mạnh vào việc lựa chọn chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, đặc biệt với nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu thì theo quy định mới hiện nay, việc lựa chọn chủ đầu tư có thể thực hiện thông qua 3 hình thức.
Thứ nhất, Nhà nước đầu tư vốn từ ngân sách để cải tạo, xây dựng lại các nhà chung cư, chủ yếu là các nhà chung cư cũ thuộc sở hữu nhà nước đang cho thuê.
Thứ hai, Nhà nước đầu tư thông qua cơ chế BT (đây là hình thức mới giải quyết được vướng mắc của nhiều địa phương do chính quyền nhiều địa phương không có đủ ngân sách để thực hiện việc cải tạo, xây dựng lại các nhà chung cư cũ).
Thứ ba, các chủ sở hữu nhà chung cư thống nhất lựa chọn chủ đầu tư thông qua việc góp vốn với các doanh nghiệp để đầu tư, xây dựng lại nhà chung cư (áp dụng cho các nhà chung cư đa sở hữu).
Vị trí cải tạo chung cư cũ tại Hà Nội
Mặc dù nhiều cơ chế, chính sách “mở” được áp dụng tuy nhiên, khi bắt tay vào thực hiện cải tạo chung cư cũ thì vẫn có một số vướng mắc nhất định.
Cụ thể, theo quy định thì chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và tiền chuyển mục đích sử dụng đất (nếu có) đối với toàn bộ phần diện tích đất được giao trong phạm vi dự án (kể cả phần diện tích đất được phép chuyển mục đích sử dụng).
Tuy nhiên, các quy định mới lại chưa nêu cụ thể việc xác định ranh giới, quy mô sử dụng đất đối với các dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư. Điều này dẫn tới một số địa phương gặp vướng mắc trong quá trình xác định ranh giới, quy mô sử dụng đất, đặc biệt là phần diện tích được áp dụng cơ chế miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.
Thêm chế tài xử phạt
Để Đề án cải tạo chung cư cũ sớm về đích, Bộ Xây dựng kiến nghị: Tiếp tục nghiên cứu trình Chính phủ sửa đổi các quy định của Nghị định 101/2015/NĐ-CP để giải quyết các khó khăn, vướng mắc như việc cho phép thực hiện xây dựng lại đơn lẻ đối chung cư nguy hiểm; hướng dẫn cụ thể về việc thực hiện điều chỉnh tăng chỉ tiêu quy hoạch và dân số của dự án tại khu vực trung tâm, ranh giới, quy mô sử dụng đất, đặc biệt là phần diện tích được áp dụng cơ chế miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.
Tiếp tục nghiên cứu để trình Quốc hội sửa đổi quy định của Luật Nhà ở 2014 về chính sách cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư theo hướng bổ sung quy định cho phép UBND cấp tỉnh được lựa chọn doanh nghiệp làm chủ đầu tư dự án bằng vốn do doanh nghiệp huy động (ngoài các hình thức đầu tư từ nguồn vốn ngân sách hoặc BT đã được quy định) trong trường hợp hết thời hạn 03 tháng mà chủ sở hữu không thực hiện lựa chọn, đề xuất chủ đầu tư dự án.
Về phía các địa phương có nhà chung cư cũ, đề nghị các cấp chính quyền cần chỉ đạo các cơ quan liên quan tham gia quyết liệt hơn nữa. Cần nghiên cứu thêm các chế tài để đưa ra các hình thức xử lý đối với chủ đầu tư đã được giao làm chủ đầu tư dự án mà vẫn thực hiện chậm tiến độ.
Với các trường hợp ôm chung cư cũ chờ tăng giá, đề nghị các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư để người dân nắm được các nội dung cơ bản của chính sách, yêu cầu cấp thiết của công tác cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ, từ đó có thể dễ dàng đồng thuận thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình.
Cần thiết bổ sung thêm quy định hạn chế sang nhượng chung cư cũ, chỉ được sang nhượng giữa người trong gia đình với nhau.
Nếu triển khai thực hiện đồng bộ được các giải pháp nêu trên thì tình hình cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ trên cả nước sẽ có nhiều chuyển biến tích cực trong thời gian tới.
Nguyễn Mạnh Khởi (DĐDN)
Theo cafeland.vn