Xử lý dự án treo: Rất ít dự án thực sự trả lại quyền lợi cho người dân
Trong thời gian qua, để xử lý tình trạng dự án treo, hàng trăm dự án bất động sản (BĐS) không khả thi tại TPHCM đã bị cơ quan chức năng hủy bỏ chủ trương đầu tư và quyết định giao đất cho chủ đầu tư khác. Tuy nhiên, rất ít dự án thực sự trả lại quyền lợi cho người dân.
Người dân sinh sống trên bán đảo Thanh Đa cho tới nay vẫn sống lay lắt và mòn mỏi chờ đợi siêu dự án tỉ đô treo hơn 2 thập kỷ qua. Ảnh: Lê Quân
Treo hai thập kỷ
Nằm cách trung tâm TPHCM, nơi được xem là chốn phồn hoa đô thị bậc nhất cả nước - khoảng 5km - thế nhưng trong suốt hơn 20 năm qua, hơn 3.000 hộ dân sinh sống trên bán đảo Thanh Đa vẫn bị biệt lập, sống lay lắt, đối lập với những cao ốc chọc trời, khu biệt thự sang trọng chỉ cách họ một con sông bởi siêu dự án khu đô thị Thanh Đa - Bình Quới (quận Bình Thạnh) bị treo hơn 2 thập kỷ qua
Dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa được UBND TPHCM phê duyệt từ năm 1992. Đến năm 2004, dự án này được giao cho Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn nhưng đơn vị này không triển khai được. Đến năm 2010, chính quyền thành phố thu hồi quyết định.
Sau đó, một đơn vị trong nước khác được UBND TPHCM giao thực hiện điều chỉnh quy hoạch 1/2.000 của dự án với toàn bộ gần 427ha đất, tương đương diện tích toàn phường 28. Sau hơn 20 năm phê duyệt, bán đảo này vẫn là một vùng đầm lầy.
Đến cuối năm 2015, liên danh Tập đoàn Bitexco và Emaar Properties PJSC (công ty trong lĩnh vực bất động sản ở Dubai) được UBND TPHCM chỉ định là nhà đầu tư dự án khu đô thị Thanh Đa - Bình Quới, với tổng vốn hơn 30.000 tỉ đồng. Thời gian thực hiện dự án trong 50 năm kể từ ngày ký kết hợp đồng. Nhưng Emaar Properties PJSC đã rút lui vì không đủ kiên nhẫn chờ tới lúc được bàn giao đất sạch. Diện tích đất khổng lồ nhưng hiện chủ yếu bỏ hoang hoặc đào ao thả cá.
Vì dự án treo suốt thời gian dài nên mặc dù cách trung tâm thành phố chưa đầy 5km, nơi này hiện vẫn như một ốc đảo. Những con đường sâu hun hút rải đá dăm rộng khoảng hơn 1m chỉ xe máy mới lưu thông được. Phần nhà dân sâu phía trong khu vực, khung cảnh chẳng khác vùng quê. Nhiều ngôi nhà xập xệ, cũ kỹ. Đường sá nhỏ, ngập nước, trơ sỏi đá.
Bà Trần Kim Phúc (ngụ khu phố 3, phường 28) cho biết, gia đình chồng bà đã ở đây 7 đời, có hơn 17.000m2 đất nhưng lâu nay không biết làm gì vì dự án đã quy hoạch, chỉ tạm cho người ta thuê làm nơi câu cá giải trí với 8 triệu đồng/tháng. Cách đó không xa, dự án Ga Bình Triệu tại phường Hiệp Bình Chánh đã được phê duyệt vào tháng 3.2002 với diện tích khoảng 41ha.
Đến nay đã gần 16 năm, dự án vẫn còn nằm trên giấy, khiến cuộc sống của hơn 3.000 hộ dân, hơn 15.000 nhân khẩu đến giờ vẫn bị treo theo dự án.
Ông Nguyễn Văn Hoà cho biết, gia đình ông đã sống tại khu vực quy hoạch treo của ga Bình Triệu đến nay đã 15 năm nhưng vẫn chưa hề có một biến chuyển nào tại khu vực nhà ga Bình Triệu. Năm 2016, Nhà nước có tiến hành cắm mốc nhưng không công bố khi nào dự án triển khai...
Dự án không khả thi cần sớm trả lại đất cho dân
Theo báo cáo mới đây của của Sở Quy hoạch - Kiến trúc, tổng số dự án được chấp thuận địa điểm đầu tư, có quyết định thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất vào phát triển nhà ở, sản xuất kinh doanh, phúc lợi công cộng đang thực hiện trên địa bàn TPHCM là 1.269 dự án, với tổng diện tích đất 18.930ha.
Đến nay, UBND thành phố đã hủy bỏ, chấm dứt văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư và quyết định giao đất của 577 dự án với 5.915ha; điều chỉnh, cắt giảm quy mô diện tích của 10 dự án khoảng 33,8ha.
Thành phố cũng đã giao các cơ quan liên quan tiến hành công khai thông tin xử lý các dự án triển khai chậm tiến độ, rà soát nguồn gốc đất để tiến hành cấp giấy chủ quyền, giấy phép xây dựng, đảm bảo quyền lợi người dân.
UBND TPHCM cũng đã ban hành Chương trình Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2020, trong đó có nội dung sẽ quyết liệt xử lý và tăng cường chống thất thu ngân sách nhà nước bằng giải pháp thực hiện tiết kiệm từ khâu quy hoạch. Các dự án không nằm trong quy hoạch sẽ cắt giảm.
Dự án đã được cấp phép đầu tư nhưng quá thời hạn quy định không triển khai thực hiện theo cam kết hoặc theo giấy phép cũng sẽ bị thu hồi.
Theo quan điểm của TS kinh tế Trương Huy Mai, đánh giá về tình trạng quy hoạch treo có thể thấy, do chất lượng quy hoạch chưa cao, chưa thực tế và chưa phù hợp phát triển, đã dẫn đến thường xuyên phải điều chỉnh nhiều dự án. Đó là nhiều quy hoạch không triển khai được vì thiếu vốn, nhiều dự án khi giao đất nhưng nhà đầu tư chậm triển khai…
Theo Luật Đất đai, nếu sau 3 năm đưa vào kế hoạch sử dụng đất mà dự án chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất thì phải điều chỉnh, hủy bỏ. Chính vì vậy, chính quyền TP cần mạnh tay hơn nữa trong việc xử lý dự án treo. Dự án nào không khả thi, dứt khoát phải xóa để trả lại quyền lợi cho dân.
Bảo Chương - Vy An (Lao động)
Theo cafeland.vn