Xóm “mồ côi” giữa lòng thành phố
Vượt qua những con đường đất mịt mù vào mùa nắng và ngập nặng vào mùa mưa là tới xóm “mồ côi”. Họ là những hộ gia đình nằm trong dự án dân cư của Công ty TNHH Xây dựng kinh doanh nhà Bách Giang (Công ty Bách Giang).
Từ năm 2004, UBND TP. Hồ Chí Minh có quyết định giao dự án cho công ty này. Tính đến nay dự án kéo dài đã 14 năm nhưng chủ đầu tư vẫn chưa làm xong cơ sở hạ tầng. Suốt thời gian này, người dân sinh sống tại đây vô cùng khổ sở khi nhà xuống cấp không được sửa, nhà đông người không được mở rộng, không được nhập hộ khẩu vì chủ nhà không được cấp sổ đỏ...
Bám trụ với những nhọc nhằn
Ông Phạm Viết Thịnh (75 tuổi, ngụ địa chỉ 37/15 đường 44) nói: “Cả chục năm, người dân xóm này phải câu nhờ điện, xài ké nước máy ở bên ngoài dự án với số tiền hằng tháng rất đắt đỏ. Mới đây, chúng tôi phải góp tiền để dẫn điện và nước về xóm thì mới có dùng. Cách đây mười năm, cả đời tôi làm lụng chắt bóp mới mua được miếng đất 200 mét vuông này để làm nơi an hưởng tuổi già. Những tưởng khi giá đất Q.9 tăng thì nơi này cũng “lên” luôn nhưng ngược lại vì không ai dám mua vì quy hoạch treo”.
“Kinh khủng” nhất là con kênh thoát nước chạy ngang qua đây luôn bốc mùi hôi thối nồng nặc vì ô nhiễm. Khi thủy triều xuống thì mùi hôi từ các ống cống “tấn công” thẳng vào nhà dân. Chị Nguyễn Thị Hương (42 tuổi, ngụ địa chỉ 37/9B đường 44) bức xúc: “Cứ chiều đến là con kênh hôi không ai chịu nổi. Gia đình nào cũng vội đóng kín cửa dù như vậy là thiếu không khí. Vấn đề này nhiều lần dân họp với chính quyền đều nói cả nhưng không chuyển biến được gì nhiều”.
Đường 44 độc đạo dẫn từ các con đường nhựa khác vào đây gập ghềnh sỏi đá. Ngày nắng thì bụi bặm còn ngày mưa thì nước chảy như suối lũ, tràn cả vào nhà dân. Thấy chúng tôi ghi nhận tình hình, một người cao tuổi nói như khóc: “Thử hỏi ai sống nổi. Sống giữa thành phố hiện đại mà cuộc sống còn tệ hơn ở nông thôn! Nhiều khi khách ở quê vào, các tỉnh lên tới đây thăm gia đình, chúng tôi rất ái ngại vì cái gì cũng lạc hậu từ đường đi lại (đường 44) cho đến căn nhà cũ kĩ vì đâu được sửa sang, xây mới dù gia chủ có tiền đi chăng nữa!”.
Cách đó không xa là trụ sở của trường cấp 2 Đặng Tấn Tài. Những bãi rác, xà bần “khổng lồ” đổ vô tội vạ trong lòng dự án gây mất mỹ quan, ô nhiễm trầm trọng. Nó đe dọa chất lượng học đường và người dân gần đó. Khi chúng tôi đến, rác được đốt và ngún lửa. Nếu gió to, “bà hỏa” có thể thiêu rụi xóm “mồ côi”.
Bởi vậy mà một số hộ dân sống xung quanh đường 44 phải bỏ đi vì không thể sống nổi. Người có kinh tế khá giả thì ra ngoài mua nhà mới, người nghèo hơn thì thuê trọ. Duy những hộ còn bám trụ tại đây thì quá nghèo. Cái nghèo níu bước chân họ lại sống chung với ô nhiễm, muỗi, hôi thối...
Mọi mua bán, chuyển dịch tại dự án phải thông qua ngân hàng vì chủ đầu tư đã thế chấp các nền đất.
Nỗi khổ chưa hồi kết
Ông Phạm Trọng Hiếu, Phó Chủ tịch phụ trách kinh tế của UBND phường Phước Long A (Q.9) cho biết, một số người dân tại xóm “mồ côi” đã nhận được nền tái định cư tại chỗ và một số hộ thì đang thương lượng đền bù với chủ đầu tư dự án. Do nằm trong dự án triển khai chậm chạp vì nhiều lí do nên điện, nước của các gia đình thật sự khó khăn. Cấp phường đã kiến nghị lên UBND Q. 9 nhiều lần nhằm đẩy mạnh tiến độ hạ tầng và mức bồi thường cho người dân trong lòng dự án.
Cách đây vài tháng, chính quyền Q. 9 đã thông qua việc điều chỉnh quy hoạch 1/500 của dự án. Do chưa được phê duyệt chính thức, người dân chưa được cấp phép xây dựng nên không được sửa chữa, mở rộng căn nhà đang ở, gây bức xúc cho họ.
Về kênh thoát nước ô nhiễm, ông Hiếu cho rằng theo quy hoạch nó sẽ trở thành... nền nhà của khu vực tái định cư nằm trong dự án. Trước mắt, phường sẽ liên hệ Công ty công ích Q. 9 và chủ đầu tư là Công ty Bách Giang để nhờ hỗ trợ nạo vét, khơi thông dòng chảy vì kinh phí rất lớn.
Với nạn xả rác bừa bãi, vô tội vạ như hiện nay, UBND phường đã làm việc với “ông chủ” dự án treo là Công ty Bách Giang để có kế hoạch phối hợp làm tổng vệ sinh trong khu vực dự án từ trước tết. Phường đã làm nhiều bảng cấm đổ rác với nội dung sẽ phạt từ 3-7 triệu đồng (theo Nghị định 155 về môi trường - PV) với người vi phạm, niêm yết số điện thoại nóng của UBND và công an phường, yêu cầu đơn vị đầu tư cắm biển trong dự án.
Tuy nhiên, việc cắm biển trong dự án chưa được Công ty Bách Giang triển khai nhanh chóng. Thông qua các cuộc họp với cử tri, chính quyền phường luôn chủ động liên hệ với Công ty Bách Giang để giải quyết nhu cầu chính đáng của người dân.
Ông Trần Văn Bằng, Chủ tịch Hội đồng thành viên của công ty Bách Giang cho biết, trong dự án này có hai khu thành phần được công nhận là của Công ty Trường Thịnh và Công ty Ô tô số 6. Hiện cơ sở hạ tầng tại dự án vẫn chưa xong... Riêng kênh thoát nước là mương nổi, chưa đấu nối được vào dự án. Về mức độ ô nhiễm hiện nay, ông Bằng nói rất khó khắc phục. Còn những đống rác gần văn phòng công ty, ông Bằng hứa sẽ cùng UBND phường dọn dẹp sạch sẽ.
Trong khi đó, đề cập tới thông tin nhiều nền đất trong dự án đang được rao bán ì xèo dù cơ sở hạ tầng tại đây chưa xong và gây khó khăn cho người mua, ông Bằng từ chối trả lời.
Không riêng gì Công ty Bách Giang mà hàng loạt dự án khác tại nhiều quận, huyện của TP. Hồ Chí Minh đang “lâm cảnh” chợ chiều là không được ngân hàng cho vay. Khi đó, nhà đầu tư sẽ không bán được đất nền. Và hẳn nhiên, người dân sống trong dự án treo kiểu này là người khổ nhất vì không biết đi đâu, ở lại thì tương lai quá mịt mù. Nhà có đó nhưng không sửa chữa được. Còn đất nền được bố trí tại chỗ khi dự án hoàn thành cũng khó mà xong trong vài năm nữa.
Họ chỉ còn biết “dài cổ” chờ đợi, có người sinh sống tại đường 44 còn nói: “Chắc đợi đến đời... cháu thì mới được cấp nền để xây nhà mới vì hàng loạt nguyên tắc, giấy phép, quy định, không biết là của cơ quan chức năng hay của chủ đầu tư đang “trói buộc” họ đây?”.
H.T. – V.H (CAND)
Theo cafeland.vn