Xem xét kỷ luật loạt lãnh đạo huyện Ba Vì do sai phạm trong quản lý đất đai
- Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, vi phạm của Ban Thường vụ Huyện ủy Ba Vì trong các nhiệm kỳ 2010 - 2015, 2015 - 2020 là nghiêm trọng, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.
Cụ thể, kết luận của UBKT Trung ương cho biết, Ban Thường vụ Huyện ủy Ba Vì đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và Quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm trong công tác cán bộ, trong quản lý, sử dụng đất đai, quản lý trật tự xây dựng, thực hiện các dự án, công trình trên địa bàn huyện; chấp hành không nghiêm kết luận thanh tra, kiểm tra và chỉ đạo của Thường trực Thành ủy Hà Nội.
Các cá nhân gồm ông Hà Xuân Hưng - Bí thư Huyện ủy, ông Hoàng Thanh Vân - nguyên Thành ủy viên, nguyên Bí thư Huyện ủy, ông Bạch Công Tiến - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện chịu trách nhiệm người đứng đầu về các vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Huyện ủy, UBND huyện.
Ngoài ra, các cá nhân là chủ tịch HĐND huyện, phó chủ tịch UBND huyện; nguyên phó chủ tịch UBND huyện cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Huyện ủy, UBND huyện và chịu trách nhiệm cá nhân về những vi phạm, khuyết điểm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Trước đó, theo ghi nhận của Đoàn giám sát số 1 Thường trực HĐND TP. Hà Nội tại buổi làm việc về tình hình quản lý các dự án sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn huyện Ba Vì ngày 10-5, huyện này đang sở hữu 11.000 ha trên tổng số hơn 22.000 ha đất nông, lâm nghiệp của toàn thành phố, nhưng công tác quản lý còn nhiều bất cập, hạn chế, phát sinh nhiều sai phạm.
Công trình được gọi là "Cung điện công chúa" xây dựng trái phép tại Ba Vì.
Đặc biệt, liên quan đến các công trình xây dựng tại xã Yên Bài, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP.Hà Nội cho biết, thời điểm hiện tại, xã Yên Bài “mọc” lên một công trình rộng 9.000m2 như một cung điện.
Theo tìm hiểu, “cung điện công chúa” rộng 9.000m2 tại thôn Phú Yên, xã Yên Bài (Ba Vì) được xây dựng trái phép, với nguyên vật liệu là đá ong và những vật liệu đồ sộ khác. Mảnh đất xây dựng công trình đã được sang tên nhiều lần. Sau đó thuộc sở hữu của ông Lê Viết Long, là một bác sĩ ở Hà Nội.
Sự việc xảy ra từ năm 2010. Ban đầu công trình chỉ được xây như một căn nhà cấp 4. Đất này là đất nông trường theo Nghị định 01 thì được xây dựng 300m2 đất ở.
Tuy nhiên, Nghị định 01 không quy định rõ người dân được phép xây dựng nhà kiên cố, nhà tạm hay nhà cấp 4 nên nhiều người đã lợi dụng điều này để xây dựng các công trình sai phép.
Từ cuối năm 2017, chủ đầu tư công trình kể trên đã có hành vi tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, làm thay đổi hiện trạng sử dụng đất. Cụ thể, xây dựng nhà 2 tầng, với diện tích mỗi tầng là 163 m2; xây hàng rào xung quanh cao 1,2 mét, chiều dài là 151,5 mét; làm cổng gồm 4 trụ, trong đó 2 trụ chính có kích thước 1,6 x 1,6 mét và 2 trụ nhỏ có kích thước 1,1 mét x 1,1 mét; làm sân vườn với tổng diện tích là 1.645 m2.
Sau khi báo chí phản ánh việc công trình vi phạm, xã UBND Yên Bài và UBND huyện Ba Vì đã nhiều lần lập biên bản, xử lý vi phạm hành chính, yêu cầu chủ đầu tư dừng xây dựng các công trình, thực hiện tháo dỡ những hạng mục vi phạm. Song chủ đầu tư không tự giác chấp hành các quyết định của chính quyền về yêu cầu tháo dỡ công trình buộc cơ quan chức năng phải thực hiện cưỡng chế tháo dỡ công trình vào ngày 20/7/2018.
Ngoài ra, theo báo cáo của UBND huyện Ba Vì, huyện cũng có 8 dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách và cả 8 dự án này đều chậm triển khai. Nguyên nhân chủ yếu do chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính, chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng.
Bên cạnh đó, huyện này cũng để xảy ra tình trạng nhà xưởng, biệt thự không phép xây dựng tràn lan nhưng không bị xử lý.
Tâm An
Theo cafeland.vn