Xây sai phép, phá vỡ quy hoạch khu đô thị mới tại Hà Nội: Nhà lãnh đạo nên khó xử lý?
Tại Hà Nội, các khu đô thị mới đều có tiêu chuẩn xây dựng như chiều cao, diện tích xây dựng để tạo ra kiến trúc đồng bộ, phù hợp với cảnh quan. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn mạnh ai nhà đó xây.
Công trình vi phạm tại KĐT Tây Nam hồ Linh Đàm khi xây gộp 2 căn biệt thự làm thay đổi kiến trúc mặt ngoài và chiều cao công trình. Ảnh: Thông Chí
Điều đáng nói, trong số các công trình vi phạm, có những trường hợp là lãnh đạo doanh nghiệp, lãnh đạo các cơ quan nhà nước có chức quyền, như trường hợp của nguyên tướng công an Nguyễn Thanh Hoá. Bởi vậy, việc xử lý đụng vào các cá nhân có chức quyền nên chủ đầu tư đổ lỗi cho thanh tra xây dựng và ngược lại.
Tràn lan vi phạm
Theo ghi nhận của PV Báo Lao Động, KĐT Tây Nam hồ Linh Đàm (quận Hoàng Mai) có đến hàng chục nhà biệt thự đã bị thay đổi kiến trúc từ 3 tầng, mái vát thành nhà 4 tầng, mái bằng. Cụ thể, căn biệt thự ở lô số 4, khu TT6D bị hô biến thành ngôi nhà 4 tầng vuông vức, mái bằng. Cách đó không xa là ngôi nhà 4 tầng, 1 tum kiến trúc dạng tòa lâu dài ở lô số 3+4 khu TT5C được xây lại từ 2 căn biệt thự.
Còn tại KĐT Viglacera Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm) do Cty Đầu tư hạ tầng và đô thị Viglacera làm chủ đầu tư, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng trước ngôi biệt thự nguy nga màu trắng ven hồ ở đường XP4 được xây gộp lại từ 3 căn biệt thự có số thứ tự là BT7.05, BT7.06, BT7.07. Trong khi những căn biệt thự ở khu đô thị này đều chỉ có 3 tầng, mái vát thì ngôi biệt thự “khủng” cao 5 tầng, kiến trúc phong cách tân cổ, mái kiểu Pháp khác biệt hoàn toàn.
Nhiều người dân ở khu đô thị này bức xúc, cùng mua nhà biệt thự ở đây về sinh sống, nhưng các hộ muốn sửa chữa lại ngoại thất thì thủ tục xin phép rất kỹ càng, khi thi công cũng bị chủ đầu tư, cơ quan chức năng giám sát chặt chẽ. Nhưng không hiểu tại sao lại có thể mọc lên ngôi biệt thự sừng sững, màu sơn khác biệt hoàn toàn với những căn nhà còn lại của KĐT.
Tuy vi phạm trật tự xây dựng tràn lan tại các KĐT mới tại Hà Nội, nhưng những công trình xây vi phạm này thường ít được nhắc đến trong các báo cáo về quản lý xây dựng của các quận, Sở Xây dựng Hà Nội. Sự việc chỉ gây chú ý khi vào tháng 3, căn biệt thự của nguyên tướng công an Nguyễn Thanh Hoá được phát hiện xây vượt tầng tại khu liền kề C37 Bắc Hà do Cty CP XD và TM Bắc Hà làm chủ đầu tư.
Theo thiết kế được phê duyệt, căn biệt thự do vợ ông Hoá đứng tên chỉ được phép xây 3 tầng, 1 tum, nhưng thực tế khi đưa vào hoàn thiện đã xây tới 4 tầng, 1 tum. Tuy biệt thự của ông Hoá và gia đình đưa vào sử dụng đã lâu, nhưng mãi tới ngày 12.3, công trình sai phép trên mới bị chính quyền tổ chức tháo dỡ.
Nhà lãnh đạo nên khó xử lý?
Trả lời về vụ việc xây nhà vượt phép của ông Nguyễn Thanh Hoá, ông Phùng Mạnh Dũng - Chủ tịch UBND phường Trung Văn - cho rằng: Khi xây dựng nhà cho cán bộ trong ngành công an, có thể thời điểm đó, anh Hóa còn đương chức, yêu cầu xây tăng lên thì chủ đầu tư là Cty Bắc Hà xây theo ý nguyện người sử dụng, nên công trình vi phạm ngay từ đầu. Nếu công trình này mà phường quản lý thì không có chuyện vượt tầng so với quy hoạch như vậy.
Cũng tương tự, trả lời về các công trình sai phép tại KĐT Tây Nam hồ Linh Đàm, ông Nguyễn Thế Ước - Giám đốc Cty CP Đầu tư và phát triển nhà HUD2, đơn vị được TCty HUD giao quản lý - cho rằng, nhiều chủ nhà có địa vị xã hội, quan hệ tốt nên không dễ xử lý. Về giải pháp, ông Ước cho biết, phía Cty đã phối hợp với chính quyền địa phương đi thống kê, lập danh sách, gửi đến chính quyền giám sát, xử lý.
Đến đây, PV Lao Động đặt câu hỏi, hiện đã xử lý được bao nhiêu trường hợp, ông Ước trả lời: “Đến nay, xử lý thế nào, chúng tôi không rõ”. Trong khi đó, cán bộ phụ trách thanh tra xây dựng phường Hoàng Liệt cho rằng, khi các vi phạm đã xảy ra, khi các công trình vi phạm đã hoàn thiện thì HUD 2 mới gửi danh sách. “Sự đã rồi thì mới báo thì xử lý rất khó” - vị cán bộ này nói.
Ghi nhận về trường hợp xử lý sai phạm tại công trình 3 căn biệt thự có số thứ tự là BT7.05, BT7.06, BT7.07 tại khu đô thị Viglacera Xuân Phương, đại diện chủ đầu tư Viglacera cho biết, khi thi công, chủ nhà cho quây tôn cao đến tận tầng 3, cử người canh giữ không cho người lạ ra vào công trình. Khi phát hiện vi phạm trật tự xây dựng nhưng không có chức năng phạt, chỉ gửi văn bản nhắc nhở chủ nhà nên không hiệu quả.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Phương Nam - cán bộ thanh tra xây dựng phường Xuân Phương - cho biết, thời điểm các cán bộ này về làm việc tại phường thì đã có công trình vi phạm này. Hiện, thanh tra Sở Xây dựng đang chủ trì kiểm tra và thanh tra trật tự xây dựng phường chưa nhận được kết quả.
Nói về vi phạm trật tự xây dựng tại các KĐT mới, một nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng từng phụ trách lĩnh vực thanh tra xây dựng cho biết, các trường hợp vi phạm mà PV nêu ra đều là những người mua biệt thự, có người mua tới 2 hoặc 3 căn đập bỏ để xây gộp.
“Phải khẳng định, với những khách hàng này thuộc tầng lớp giàu có trong xã hội, họ là lãnh đạo doanh nghiệp, lãnh đạo các cơ quan nhà nước. Vậy nên, việc họ xây sai phép, phá vỡ quy hoạch, ai cũng biết nhưng cấp quận, phường hay chủ đầu tư dự án thường bỏ qua. Tôi biết, có nhiều trường hợp, khi thanh tra xây dựng tiếp cận hiện trường công trình sai phạm thì có cuộc điện thoại, sau đó tất cả về khi chưa kịp lập biên bản” - vị này nói.
Hơn nửa năm, TP.Hà Nội xử lý kỷ luật 34 cán bộ thanh tra xây dựng Từ tháng 10.2017 đến tháng 5.2018, Sở Xây dựng Hà Nội ban hành 34 quyết định kỷ luật đối với các cá nhân có khuyết điểm. Cụ thể, 29 thanh tra xây dựng bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách, 5 thanh tra bị cảnh cáo, yêu cầu 9 tập thể phải nghiêm túc tổ chức rút kinh nghiệm trong toàn đơn vị về các tồn tại, hạn chế của đơn vị. Trong số 34 trường hợp bị kỷ luật, có 10 cá nhân hiện giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý (gồm 1 phó Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội, 3 đội trưởng, 6 đội phó). |
Lao động
Theo cafeland.vn