Hàng loạt dự án, khu đô thị (KĐT), chung cư cao tầng ở Hà Nội được quy hoạch bài bản. Thế nhưng khi xây dựng, dự án đã xong còn phần hạ tầng mãi không xong, phát sinh những bất cập về đô thị.
Hàng loạt dự án chung cư đang triển khai trên phố Nguyễn Tuân.
Đường Nguyễn Tuân (quận Thanh Xuân, Hà Nội) có chiều dài khoảng 1km, lòng đường rộng khoảng 6m nhưng có đến gần 20 tòa chung cư cao tầng án ngữ, luôn trong tình trạng tắc nghẽn. Tính trung bình mỗi căn hộ 4 người thì riêng phố Nguyễn Tuân đã có khoảng 3 vạn nhân khẩu, tương đương với nhân khẩu một phường ở Hà Nội. Lãnh đạo UBND phường Nhân Chính cho biết, cư dân đổ về quá đông khiến phát sinh nhiều bất cập về đô thị. Giao thông ùn tắc, hạ tầng giao thông xuống cấp, thiếu hạ tầng cho giao thông tĩnh, không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy
Cũng trên địa bàn quận Thanh Xuân, tới đây khu “Cao - Xà - Lá” (235 Nguyễn Trãi) vốn là vị trí nhà máy cao su Sao Vàng và Cty thuốc lá Thăng Long rộng 11 ha trên trục đường Nguyễn Trãi cũng sẽ được đầu tư xây dựng thành Tổ hợp văn phòng, trung tâm thương mại và dịch vụ nhà ở. Nhà máy chuyển thành KĐT quy mô dân số gần 10 vạn người đang gây lo ngại về áp lực giao thông cho cả quận Thanh Xuân.
Mới đây, UBND quận Hoàng Mai yêu cầu đóng cửa bãi xe không phép với sức chứa gần 500 ô tô tại lô CC6B KĐT Linh Đàm. Mất bãi đỗ xe, hàng trăm cư dân nháo nhác tìm bãi đỗ xe mới nhưng hầu như tất cả đều trong tình trạng quá tải. Ông Đỗ Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai thông tin: “Hai phường Đại Kim và Hoàng Liệt có hai khu đô thị lớn với dân cư khoảng 120.000 người nhưng chỉ có 7 điểm trông xe tạm, phục vụ khoảng 800 chỗ đỗ xe. Những bãi này chỉ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu”. Theo các chuyên gia, đây được cho là hệ quả tất yếu của việc buông lỏng quản lý xây dựng, “băm nát” quy hoạch. Một lãnh đạo quận Hoàng Mai cho biết, do những bất cập quản lý từ trước năm 2015, chủ đầu tư đã tự ý xây dựng 12 tòa nhà, mỗi tòa 45 tầng tại khu vực quy hoạch làm không gian vườn hoa, sân chơi. Từ quy hoạch không có dân cư nay khu vực này đã có tới 15.000 dân.
Làm dự án bỏ qua hạ tầng
TS Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam cho biết, Hà Nội đang có nhiều tuyến phố “cõng” nhà cao tầng như Nguyễn Tuân, Định Công, Lê Văn Lương… Mặc dù quy hoạch đã có chỉ tiêu dân số cụ thể dựa trên các tiêu chí về hạ tầng, tiện ích công cộng, diện tích sàn sử dụng..., nhưng khi có giấy phép xây dựng (GPXD) nhiều chủ đầu tư chỉ làm dự án mà bỏ qua việc phát triển hạ tầng đi kèm.
Trao đổi với PV, đại diện Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho biết, toàn bộ các quận huyện ở Hà Nội đều có quy hoạch cụ thể. Quy hoạch bao giờ cũng có 2 phần: Phần dự án và phần hạ tầng. Đối với đường Nguyễn Tuân, quy hoạch phân khu đã xác định mặt cắt, khoảng cách của từng công trình cụ thể, kể cả phần hạ tầng. Đến nay, phần dự án do các chủ đầu tư thực hiện đa số đã gần hoàn thiện nhưng phần hạ tầng do UBND quận Thanh Xuân thực hiện lại đang chậm nên gây nhiều bức xúc.
Tuy nhiên, vị này cũng nói, có nhiều dự án chủ đầu tư được giao làm cả phần dự án và hạ tầng nhưng lại chỉ “chăm chăm” làm phần dự án để bán, phần hạ tầng thì mãi vài năm sau không thấy triển khai. Đơn cử như KĐT Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy), người dân đã về ở kín nhưng hạ tầng xã hội xung quanh như công viên, trường học, sân chơi… gần như không có.
GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch ở Việt Nam hiện nay có nhiều vấn đề. Báo chí cũng đã đưa nhiều chung cư sai phạm rõ ràng, tự ý điều chỉnh GPXD nhưng đến nay vẫn chưa thấy chế tài xử lý gì.
Hiểu Minh (Tiền phong)
Theo cafeland.vn