Vụ sổ đỏ dinh thự “Vua Mèo”: viện dẫn luật sai?
- Mấy ngày qua, dư luận xôn xao quanh câu chuyện sổ đỏ dinh thự “Vua Mèo” Vương Chí Sình được Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tỉnh Hà Giang cấp cho Phòng Văn hoá Thông tin huyện Đồng Văn. Trong lúc người nhà của “Vua Mèo” lên tiếng phản ứng thì Sở TN-MT khẳng định việc cấp sổ đỏ là đúng luật.
Cụ thể, ngày 21-7-2018, ông Vương Duy Bảo - nguyên Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), cháu nội “Vua Mèo” Vương Chí Sình (Vương Chí Thành) - đã gửi đơn lên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị xem xét trả lại quyền sử dụng đất gắn với dinh thự họ Vương ở xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn (Hà Giang).
Trong đơn trình bày, ông Bảo cho biết, năm 1993, tòa dinh thự họ Vương được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ VHTT&DL) công nhận là “Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia”. Tuynhiên mãi đến năm 2002, gia đình họ Vương mới biết đến quyết định này khi được yêu cầu di dời ra ngoài để trùng tu dinh thự làm Bảo tàng theo Văn bản 937-QĐ/BT của Bộ Văn hóa Thông tin.
Cổng vào dinh thư. Ảnh: Cao Thuỳ
Thông báo số 1125/2002 của Bộ Văn hóa Thông tin lúc đó khẳng định:"việc xếp hạng di tích và đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích nhà Vương không quốc hữu hóa quyền sở hữu ngôi nhà của những người trong gia đình được thừa kế hợp pháp".
Tuy nhiên, từ năm 2012, SởTN-MTtỉnh Hà Giang đã cấp sổ đỏ cho Phòng Văn hóa Thông tin huyện Đồng Văn sử dụng lâu dài mảnh đất gắn liền với dinh thự họ Vương (gồm hơn 8.000m2 với mục đích sử dụng là đất có di tích, danh thắng) mà không thông tin gì với gia đình họ Vương. Việc này chỉ được những người thừa kế hợp pháp trong gia tộc họ Vương biết đến khi có nhu cầu làm sổ đỏ thời gian gần đây.
Vào tháng 6/2018, ông Bảo cũng đã có đơn gửi Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Đặng Thị Bích Liên, đề nghị làm rõ việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất đối với khu di tích dinh thự họ Vương.
Ảnh: Cao Thuỳ
Bộ Văn hóa ngay sau đó đã chuyển đơn này đến tỉnh Hà Giang và Sở TN-MT có văn bản trả lời. Theo đó, văn bản trả lời của Sở TN-MT tỉnh Hà Giang viện dẫn Quyết định 937/1993, khoản 1 Điều 98 Luật Đất đai 2003 và Khoản 1 Điều 54 Nghị định 181 để khẳng định, việc cấp sổ đỏ cho Phòng Văn hóa Thông tin đối với mảnh đất gắn liền với dinh thự họ Vương “là phù hợp quy định của pháp luật”.
Tuy nhiên, đại diện dòng họ Vương không chấp nhận cách giải thích này. Hiện yêu cầu của ông Bảo đang được BộVHTT&DL xử lý theo xác nhận của ông Nguyễn Thái Bình, Chánh Văn phòng Bộ chiều 19/-8. Đồng thời, Bộ VHTT&DL sẽ sớm lập đoàn đến Hà Giang kiểm tra sự việc.
Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, UBND tỉnh Hà Giang, Bộ VHTT&DL phải có báo cáo về quá trình xử lý kiến nghị của ông Bảo gửi Thủ tướng trước ngày 31-8.
Nhận thức pháp luật sai?
Trao đổi với CafeLand ngày 23-8, luật sư Nguyễn Phú Thắng (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, việc Sở TN-MT tỉnh Hà Giang căn cứ vàoQuyết định 937/QĐ-BT năm 1993 công nhận di tích kiến trúc nghệ thuật khu nhà họ Vương; Khoản 1 Điều 98 Luật Đất đai 2003 và Khoản 1 Điều 54 Nghị định 181/2004/NĐ - CP ngày 29/10/2004 để cấp sổ đỏ cho Phòng Văn hoá Thông tin huyện Đồng Văn là chưa phù hợp với quy định của pháp luật nói chung và hai Luật nêu trên nói riêng. Bởi lẽ Khoản 1 Điều 98 Luật Đất đai 2003 quy định:“Đất có di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng hoặc được UBND tỉnh, thành phố quyết định bảo vệ thì phải được quản lý nghiêm ngặt".
Ảnh: Cao Thuỳ
Khoản 1 Điều 54 Nghị định 181/2004 quy định: “Đất có di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh độc lập thì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp cho tổ chức trực tiếp quản lý di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh”.
Luật sư Nguyễn Phú Thắng cho rằng, nếu tư duy phiến diện như vậy, thì các công trình thuộc di tích phố cổ Hội An, phố cổ Đường Lâm đều có thể thuộc sở hữu Nhà nước? Hệ thống pháp luật Việt Nam qua nhiều thời kỳ đều xác lập và bảo hộ quyền sở hữu cá nhân đối với di tích, lịch sử, văn hóa. Ở đây phải khẳng định rằng không có chuyện quốc hữu hóa, không có việc thực hiện chính sách đất đai, không có việc Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia để làm căn cứ chuyển dịch quyền sở hữu khu đất và tài sản trên đất dinh thự “Vua Mèo” từ gia tộc họ Vương sang sở hữu nhà nước.
Bên cạnh đó, Sở TN-MT đã viện dẫn không đầy đủ quy định của pháp luật theo hướng bất lợi cho gia tộc họ Vương. Cụ thể sở này chỉ ra quy định tại Khoản 1 Điều 54 Nghị định 181, nhưng lại “quên” không viện dẫn quy định kế tiếp ngay sau đó tại Khoản 2 Điều này. Theo đó, Khoản 2 Điều 54 Nghị định 181 quy định: “Đất có di tích lịch sử, văn hóa mà di tích lịch sử, văn hóa đó thuộc sở hữu của tư nhân thì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp cho chủ sở hữu tư nhân”.
“Như vậy, trong trường hợp này thì dinh thự được cấp “sổ đỏ” có nguồn gốc hình thành từ tài sản riêng của Vua Mèo với giá trị tương đương 150.000 Franc Pháp lúc xây dựng (tương đương 150 tỉ đồng lúc bấy giờ), là tài sản thuộc sở hữu tư nhân, hợp pháp của dòng họ Vương. Do đó, đủ cơ sở khẳng định Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất phải được cấp cho gia tộc họ Vương chứ không thể cấp cho một chủ thể nào khác”, luật sư Thắng khẳng định.
Đồng thời, luật sư Thắng cho rằng, việc xếp hạng và công nhận di tích không đồng nghĩa với việc xác lập quyền sở hữu nhà nước đối với di tích đó, mà việc này phải thực hiện theo quy định của Bộ luật dân sự và Luật đất đai qua các thời kỳ.
Liên quan đến trách nhiệm của tỉnh Hà Giang trong việc để Sở TN-MT cấp sổ đỏ cho Phòng văn hoá huyện Đồng Văn, luật sư Thắng cho rằng việc chuyển dịch trái pháp luật tài sản công dân qua sở hữu nhà nước là vi hiến, vi luật. Với vai trò là cấp quản lý toàn diện mọi lĩnh vực trong đó có lĩnh vực đất đai, vấn đề trách nhiệm của UBND tỉnh Hà Giang phải được đặt ra và xem xét một cách khách quan, đúng luật.
Theo luật sư Thắng, để định đoạt thân phận pháp lý một di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia được xếp hạng này, đương nhiên có vai trò quan trọng của UBND tỉnh, qua việc ban hành Quyết định 3316/UBND năm 2006 về việc quản lý di tích lịch sử, văn hóa đã được Nhà nước xếp hạng và đây cũng là căn cứ để Sở TN-MT Hà Giang xác lập quyền sở hữu nhà nước đối với tài sản này.
Do vậy, cần phải khách quan, công tâm để xác định đúng trách nhiệm của cơ quan, cá nhân để xảy ra sự việc rất “phi văn hóa” đối với một di tích văn hóa quốc gia.
Ảnh: Cao Thuỳ
Bên cạnh đó UBND tỉnh Hà Giang và các cơ quan ở Trung ương cũng cần làm rõ xem động cơ trong việc cấp sổ đỏ này là gì, hay chỉ đơn thuần là nhận thức pháp luật sai từ công chức thực thi công vụ. Từ đó có câu trả lời thỏa đáng, thuyết phục cho gia tộc họ Vương, cũng như với công luận trong vụ việc hy hữu này, theo luật sư Thắng.
Đồng thời cũng phải làm rõ mục đích số tiền 500 triệu đồng UBND tỉnh Hà Giang hỗ trợ cho mấy chục nhân khẩu con cháu nhà họ Vương di dời chỗ ở để trùng tu, cải tạo công trình di tích vào năm 2002. Luật sư Thắng cho rằng, đây là số tiền hỗ trợ gia đình họ Vương tạm cư, trang trải sinh hoạt trong khi chờ hoàn thiện việc trùng tu, sửa chữa di tích.
“Có ý kiến cho rằng đây là số tiền bồi thường khi nhà và đất bị Nhà nước quốc hữu hóa là không chính xác. Bởi việc bồi thường hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất, tài sản trên đất phải theo một trình tự thủ tục chặt chẽ bao gồm: phương án bồi thường được phê duyệt, bồi thường về đất và tài sản, công trình trên đất, các khoản hỗ trợ cụ thể”, luật sư Thắng nhận định.
“Việc Hà Giang cấp sổ đỏ cho Phòng Văn hóa Thông tin huyện Đồng Văn sử dụng lâu dài mảnh đất gắn liền với tòa dinh thự họ Vương là không đúng với quy định pháp luật, không thể cấp sổ đỏ cho cơ quan nhà nước được mà phải là tư nhân. Tức là cấp chứng nhận quyền sử dụng đất cho người thừa kế hợp pháp của dinh thự này” GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT |
Cao Thuỳ
Theo cafeland.vn