Vụ rơi thanh sắt xây dựng gây chết người: Mức xử lý nào cho người vi phạm?
- Liên quan đến vụ tai nạn xây dựng gây chết người tại công trình trên đường Lê Văn Lương (phường Trung Hoà – Nhân Chính, Hà Nội) tối 27-9, luật sư Trần Đức Phượng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, đối với tội Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người tại Khoản 1, Điều 295 Bộ Luật hình sự (BLHS) sửa đổi 2017, người vi phạm có thể bị phạt tiền đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù 1 - 5 năm,tùy theo mức độ.
Những vụ tai nạn xây dựng như sập giàn giáo, gãy cần cẩu, rơi vật liệu xây dựng… khiến công nhân lao động và người đi qua vị trí có công trình bị thương, thậm chí tử vong đã xảy ra ở nhiều nơi. Sự việc thanh sắt lớn dài hơn 50m từ công trường dự án trên đường Lê Văn Lương bất ngờ rơi xuống đường vào giờ cao điểm, khiến 1 người tử vong và 1 người bị thương chiều tối ngày 27-9 vừa qua thêm lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo tình trạng mất an toàn lao động tại các cao ốc đang mọc lên sát dọc các trục đường lớn hiện nay.
Vấn đề đặt ra là, ai sẽ là người chịu trách nhiệm khi để xảy ra những sự cố đáng tiếc này và sẽ bị xử lý đến đâu?
Trao đổi với CafeLand sáng 29-9, luật sư Trần Đức Phượng cho biết, qua hình ảnh báo chí ghi lại có thể thấy, một số thiết bị xây dựng tại công trình là thiết bị tự chế, không đảm bảo an toàn lao động trong thi công, xây dựng. Điều này đã vi phạm quy định về các biện pháp đảm bảo an toàn trong thi công.
Luật Xây dựng quy định, chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng có trách nhiệm bảo đảm an toàn cho công trình, người lao động, thiết bị, phương tiện thi công làm việc trên công trường xây dựng. Chủ đầu tư phải bố trí người có đủ năng lực theo dõi, kiểm tra việc thực hiện các quy định về an toàn của nhà thầu thi công xây dựng. Nhà thầu thi công xây dựng phải đề xuất, thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho người, máy, thiết bị, tài sản, công trình đang xây dựng, công trình ngầm và các công trình liền kề; máy, thiết bị, vật tư phục vụ thi công phải được kiểm định về an toàn trước khi đưa vào sử dụng.
Ngoài ra, chủ đầu tư phải mua bảo hiểm công trình trong thời gian xây dựng đối với công trình có ảnh hưởng đến an toàn cộng đồng, môi trường, công trình có yêu cầu kỹ thuật đặc thù, điều kiện thi công xây dựng phức tạp.
Chiều 28-9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Thanh Xuân (Hà Nội) đã khởi tố vụ án.
Ngoài chủ đầu tư và nhà thầu thi công xây dựng thì theo Điều 22 Luật Xây dựng, nhà thầu giám sát thi công xây dựng công trình cũng có trách nhiệm trong suốt quá trình thi công công trình, trong đó bao gồm an toàn trong xây dựng.
Đối với vụ tại nạn tại dự án trên đường Lê Văn Lương, luật sư Phượng cho rằng trách nhiệm đầu tiên là nhà thầu thi công xây dựng và người điều kiển sàn treo, người quản lý và phụ trách an toàn, vệ sinh lao động. Ngoài ra, chủ đầu tư, đơn vị giám sát cũng phải chịu trách nhiệm nếu có lỗi.
Hành vi này có dấu hiệu cấu thành tội Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng được quy định tại điều 295 BLHS 2015 (sửa đổi năm 2017).
Theo đó, cơ quan điều tra khởi tố vụ án và sẽ điều tra làm rõ trách nhiệm của những người có liên quan, tùy theo vị trí, vai trò của từng người trong công tác an toàn lao động để xử lý theo quy định pháp luật.
Đối với tội Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người tại Khoản 1, Điều 295 BLHS 2017 sửa đổi, người phạm tội có thể bị phạt tiền đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù 1 - 5 năm tùy theo mức độ, tính chất.
Ngoài chịu trách nhiệm hình sự, người này và những người liên quan còn phải chịu trách nhiệm dân sự (đền bù tổn thất tinh thần, ma chay, cấp dưỡng...) cho gia đình người bị hại.
Đối với trách nhiệm dân sự, người có lỗi gây ra tai nạn, nhà thầu thi công xây dựng và những người liên quan (bao gồm cả chủ đầu tư, nhà thầu giám sát) phải cùng liên đới bồi thường toàn bộ thiệt hại cho nạn nhân.
Đối với trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương nếu qua kiểm tra phát hiện việc buông lỏng hoặc không tiến hành các biện pháp (nếu đã phát hiện vi phạm) thì những cán bộ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật theo Luật cán bộ, công chức.
Được biết, chiều 28-9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Thanh Xuân (Hà Nội) đã khởi tố vụ án "Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người", theo điều 295 Bộ luật Hình sự, để điều tra làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn xây dựng làm chết người chiều tối 27-9.
Tâm An
Theo cafeland.vn