Vỡ mộng nhà ở xã hội
– Từ niềm hy vọng của người thu nhập thấp tại các đô thị, nhà ở xã hội đang trở thành nỗi thất vọng khi nguồn cung ít ỏi, chính sách triển khai bế tắc trong khi số ít các dự án triển khai chậm tiến độ, sai phạm liên tiếp.
Không ít dự án nhà ở xã hội rơi vào tình trạng chậm tiến độ khiến khách hàng bức xúc
Tắc từ chính sách
Theo số liệu từ Bộ Xây dựng, nhu cầu nhà ở xã hội của cả nước trong giai đoạn từ năm 2011 - 2020 cần khoảng 440.000 căn hộ. Trong đó, TP.HCM cần khoảng 134.000 căn, Hà Nội cần khoảng 110.000 căn, Bình Dương cần 41.250 căn, Đồng Nai 36.700 căn và Đà Nẵng 11.500 căn.
Trong một cuộc hội thảo về nhà ở xã hội diễn ra mới đây tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, riêng chương trình phát triển nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị đã hoàn thành xây dựng 84 dự án với khoảng 33.400 căn hộ và đang tiếp tục triển khai 135 dự án với quy mô xây dựng khoảng 81.000 căn hộ.
Chương trình phát triển nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp đến nay đã đầu tư xây dựng 100 dự án, với quy mô khoảng 41.000 căn hộ. Hiện nay còn 72 dự án đang tiếp tục được triển khai với khoảng 88.000 căn hộ.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA), cho rằng nhu cầu về nhà ở xã hội tại các đô thị lớn như TP.HCM hay Hà Nội là rất lớn. Tuy nhiên, nguồn cung loại sản phẩm này chưa đáp ứng đủ, bên cạnh đó là những vướng mắc trong chính sách phát triển nhà ở xã hội cần được tháo dỡ.
Ông Châu lấy ví dụ, ở Hàn quốc có năm loại hình căn hộ công cho thuê với từng nhóm đối tượng có thu nhập khác nhau, tỷ lệ đặt tiền thế chân khác nhau, thời gian thuê khác nhau (50 năm, 30 năm, 20 năm, 5-10 năm).
Một khó khăn khác là chính sách tín dụng dành cho nhà ở xã hội. Kể từ khi gói vay 30.000 tỉ đồng kết thúc, cả doanh nghiệp phát triển dự án nhà ở xã hội và người mua đều gặp khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn vay mới.
Do đó, Chủ tịch HoREA kiến nghị Chính phủ sớm hành quyết định về lãi suất cho vay ưu đãi nhà ở xã hội thống nhất cùng một loại lãi suất và cùng thực hiện cơ chế gửi tiết kiệm nhà ở xã hội tại Ngân hàng Chính sách xã hội và tại các ngân hàng Vietcombank, Vietinbank, Agribank, BIDV.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đề nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về lãi suất cho vay ưu đãi nhà ở xã hội thống nhất như lãi suất trên đây đối với cả người mua nhà ở xã hội theo gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỉ đồng để đảm bảo tính thống nhất của pháp luật. Về lâu dài, khi nền kinh tế phát triển mạnh hơn, HoREA kiến nghị thực hiện mức lãi suất ưu đãi vay mua nhà ở xã hội từ 3-3,5%/năm để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người có thu nhập thấp đô thị.
Giám đốc một doanh nghiệp bất động sản cho biết, theo quy định các dự án thương mại có quy mô trên 10ha phải dành 20% đất để phát triển nhà ở xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế do quỹ đất khan hiếm, những dự án có vị trí đắc địa thì vì lợi ích kinh doanh các chủ đầu tư thường chọn phương án hoán đổi bằng tiền. Do đó, muốn phát triển dự án nhà ở xã hội thì chính quyền cần tạo quỹ đất sạch, vị trí phù hợp để thu hút doanh nghiệp.
Đến thực tế không như mơ
Trong khi nguồn cung nhỏ giọt thì số ít các dự án nhà ở xã hội đang được xây dựng lại trở thành nỗi ám ảnh với khách hàng.
Đình đám nhất phải kể đến loạt dự án của Công ty cổ phần thương mại dịch vụ địa ốc Hoàng Quân (địa ốc Hoàng Quân). Doanh nghiệp này được ví như “ông trùm” nhà ở xã hội hiện nay. Tuy nhiên, phần lớn các dự án của Hoàng Quân đều “có vấn đề”.
Tại dự án Nhà ở xã hội 35 Hồ Học Lãm (quận Bình Tân, TP.HCM) do Hoàng Quân liên kết với Quỹ Phát triển nhà ở TP.HCM liên tục chậm tiến độ. Hàng trăm khách hàng đã nhiều lần kéo đến dự án, Sở Xây dựng để kêu cứu nhưng đến nay vẫn chưa được giao nhà.
Được biết, dự án chính thức khởi công vào khoảng giữa năm 2016, quy mô gồm 464 căn hộ. Thời gian bàn giao nhà dự kiến là quý 4-2017, nhưng đến nay công trình vẫn còn ngổn ngang.
Một dự nhà ở xã hội khác của Hoàng Quân đang đầu tư tại tỉnh Khánh Hoà cũng bộc lộ nhiều sai phạm. Dự án này có tên HQC Nha Trang được khởi công vào tháng 4/2015 trên diện tích hơn 10.800 m2 với tổng vốn đầu tư khoảng 500 tỉ đồng. Dự án gồm hai khối nhà cao 16 tầng, hai khối cao 19 tầng với 1.002 căn hộ (trong đó 600 căn hộ để bán, 202 căn hộ cho thuê và 200 căn hộ thương mại).
Đây là một trong những dự án nhà ở xã hội có quy mô lớn nhất tại tỉnh Khánh Hòa. Theo hợp đồng thì chủ đầu tư sẽ bàn giao căn hộ cho khách hàng vào quý 4/2016. Tuy nhiên, dự án chậm tiến độ, khách hàng đã nhiều lần phải căng băng rôn đòi nhà.
Trong báo cáo mới đây nhất của UBND tỉnh Khánh Hoà cho biết, dự án dính hàng loạt sai phạm như chậm tiến độ, bán nhà cho người nước ngoài sai quy định về đối tượng được mua nhà ở xã hội, kinh doanh bất động sản mà bất động sản đó không đảm bảo đầy đủ các điều kiện theo quy định… Thậm chí UBND tỉnh Khánh Hoà đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét hu hồi dự án này.
Một dự án nhà ở xã hội dính nhiều tai tiếng khác tại TP.HCM là tổ hợp Tân Bình Apartment ở số 32 Hoàng Bật Đạt, phường 15, quận Tân Bình do Công ty TNHH đầu tư bất động sản Tân Bình (Công ty Tân Bình) làm chủ đầu tư.
Không chỉ chậm tiến độ nhiều năm, dự án này còn vi phạm nghiêm trọng trong quá trình xây dựng. Cụ thể, chủ đầu tư đã tự ý xây dựng vượt tầng so với thiết kế cho phép. Sau nhiều lần kiểm tra xử phạt của Sở Xây dựng, hiện chủ đầu tư dự án đang cho tháo dỡ các tầng xây sai quy định. Trong khi, người mua vẫn phải tiếp tục chờ với gánh nặng lãi suất vay ngân hàng mỗi tháng.
Bên cạnh đó, việc xét duyệt mua nhà ở xã hội hiện cũng đang nhiều lỗ hổng, dẫn đến nhiều đối tượng không nằm trong danh sách được xét mua nhưng vẫn có thể sở hữu nhà ở xã hội. Dư luận vẫn chưa quên vụ mua nhà ở xã hội ở chung cư Rice City tại Hà Nội khi nhiều người thân của vị tổng giám đốc công ty đầu tư dự án được mua căn hộ tại đây.
Bên cạnh đó, có thực trạng nhiều người lợi dụng việc được mua nhà ở xã hội sau đó tiến hành rao bán, sang nhượng lại sai quy định của Nhà nước.
Nguyễn Văn
Theo cafeland.vn