Vợ chồng ông chủ Trung Nguyên đang nắm giữ những bất động sản nào?
– Trong phiên tòa xét xử vụ ly hôn nghìn tỷ của vợ chồng “vua” cà phê Trung Nguyên diễn ra hôm qua (20/2), khối tài sản chung bao gồm cổ phần, tiền mặt và bất động sản có tổng trị giá gần 8.400 tỷ đồng được hé lộ.
Phần tài sản chung giá trị nhất của ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo là cổ phần chung tại hệ thống 7 công ty thuộc Tập đoàn trung nguyên gồm: Công ty CP Đầu tư Trung Nguyên, Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên, Công ty CP cà phê Trung Nguyên, Công ty CP hòa tan Trung Nguyên, Công ty CP Trung Nguyên Franchise, Công ty TNHH du lịch Đặng Lê, Công ty TNHH Đắk Nông.
Dựa trên kết quả thẩm định của công ty thẩm định tài sản do tòa trưng cầu thì số cổ phần trên có trị giá 5.654 tỷ đồng.
Ngoài ra, luật sư của ông Vũ đã đề cập đến 13 bất động sản chung có tổng giá trị 725 tỷ đồng. Trong đó hiện ông Vũ đang nắm giữ 6 bất động sản trị giá khoảng 350 tỉ đồng và bà Thảo đang nắm giữ 7 bất động sản trị giá khoảng 375 tỉ đồng.
Theo thông tin từ Sở KH-ĐT tỉnh Đắk Lắk cho biết, Tập đoàn Trung Nguyên (gồm 3 công ty con là Công ty cổ phần cà phê Trung Nguyên, Công ty cổ phần đầu tư Trung Nguyên và Công ty TNHH đầu tư du lịch Đặng Lê) hiện là chủ đầu tư của 6 dự án đắc địa trên địa bàn tỉnh.
Trong đó, dự án được phê duyệt mới nhất vào năm 2014, sớm nhất là từ 2004. Với diện tích quy hoạch từ 5ha đến gần 600ha, các dự án có mức vốn đăng ký đầu tư từ 50 tỉ đồng lên đến hơn 2.000 tỉ đồng.
Đáng chú ý và có quy mô nhất là dự án Khu du lịch sinh thái M’Drăk được coi như “Dubai phiên bản Việt” có quy mô lên đến 595ha, vốn đầu tư đăng ký khoảng 68 tỷ đồng. Dự án này được cấp phép theo hình thức đầu tư trang trại và phát triển chăn nuôi gia súc, kết hợp du lịch sinh thái tại huyện M’Đrắk được tỉnh Đắk Lắk đồng ý chủ trương vào năm 2004.
Tuy nhiên, từ khi có chủ trương đến nay đã hơn 14 năm, dự án liên tục chậm tiến độ. Chính vì thế, ngày 15/1/2018 Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk đã đề nghị Công ty cổ phần cà phê Trung Nguyên tiến hành thủ tục điều chỉnh mục tiêu, quy mô dự án theo đúng quy định; có văn bản cam kết thời gian hoàn thành, đưa vào sử dụng khu du lịch sinh thái trước tháng 11/2019, chấp hành tốt các nghĩa vụ thuế khi triển khai các dự án trên địa bàn.
Dự án thứ hai là Khu đô thị sinh thái văn hóa cà phê Suối Xanh với tên gọi chính thức là Thành phố cà phê (The coffee city) do Công ty Cổ phần đầu tư Trung Nguyên làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư gần 2.800 tỉ đồng.
Dự án được UBND tỉnh Đắk Lắk chấp thuận đầu tư từ năm 2016, địa điểm xây dựng tại các phường Tân Lợi, Thành Công, Thắng Lợi và xã Cư Êbur thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Tổng diện tích dự án là 45,45ha. Thời gian và tiến độ thực hiện dự án dự kiến từ quý 4/2016 đến quý 4/2020.
Theo quy hoạch, dự án sẽ đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật; xây dựng khu công viên văn hóa, du lịch sinh thái gồm: bảo tàng cà phê, không gian thiên đường cà phê, nhà dài truyền thống Tây Nguyên, khu biểu diễn xiếc voi, tham quan du lịch bằng voi, khu nghỉ dưỡng và các khu nhà ở, biệt thự, nhà xã hội; đầu tư xây dựng công trình giáo dục, công trình thương mại dịch vụ khách sạn…
Cổng chào dự án được khánh thành vào tháng 3/2018
Tính đến cuối năm 2017, dự án đã có quy hoạch chi tiết 1/500, hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và đã trình phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Tháng 3/2018, cổng chào dự án được khánh thành. Dự án được chia thành hai giai đoạn triển khai. Giai đoạn 1 từ 2017 – 2019, hoàn thành hạ tầng kỹ thuật quy mô 19,4ha; xây dựng 250 căn nhà ở liền kề; xây bảo tàng thế giới cà phê, trường mầm non và tiểu học. Giai đoạn 2 từ 2019 – 2020 hoàn thành khu làng Lắk, khu biệt thự, công viên sinh thái văn hóa cà phê…
Ngoài hai dự án trên, dự án Khu danh lam thắng cảnh Đồi Cư H’Lâm, huyện Cư M"gar được UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư ngày 16/9/2014, với quy mô 62ha, vốn đầu tư hơn 82 tỉ đồng, dự kiến khởi công tháng 1/2016.
Theo báo cáo của chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Du lịch Đặng Lê, việc chậm tiến độ như trên là do vướng mắc trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng, thiết kế quy hoạch gặp khó khăn. Dự án nhiều năm bất động, UBND tỉnh Đắk Lắk đã đồng ý cho Trung Nguyên giãn tiến độ thực hiện dự đến tháng 10/2019.
Điểm du lịch cụm thác Dray Nur và Dray Sáp Thượng thuộc địa bàn xã Dray Sáp, huyện Krông Ana được UBND tỉnh Đắk Lắk đồng ý chủ trương cho Công ty TNHH đầu tư du lịch Đặng Lê khảo sát, lập dự án đầu tư xây dựng từ năm 2010 với diện tích khoảng 111,88ha (Khu du lịch thác Dray Sáp Thượng: 103,32 ha, điểm du lịch thác Dray Nur: 8,56 ha), vốn đầu tư 50 tỉ đồng.
Dự án đã được phê duyệt đồ án Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 vào tháng 2/2017. Tỉnh Đắk Lắk yêu cầu Trung Nguyên phải hoàn thành đưa vào hoạt động trước ngày 30/9/2017. Hiện tại, dự án đã đưa vào khai thác một phần với một số sản phẩm, dịch vụ du lịch như cưỡi ngựa, vui chơi, giải trí và cắm trại dã ngoại dưới chân thác…
Ngoài các dự án di lịch, một dự án khác của Trung Nguyên được UBND tỉnh Đắk Lắk chấp thuận đầu năm năm 2014 là dự án Nhà khách Trung Nguyên (phường Tân Lợi-TP. Buôn Ma Thuột) có quy mô gần 6ha, số vốn khoảng 130 tỉ đồng nhằm thực hiện các hạng mục nhà khách, hội trường, biệt thự…
Đến cuối năm 2016, chủ đầu tư chỉ mới thực hiện thủ tục trích lục bản đồ và đang thuê đơn vị tư vấn lập quy hoạch tỷ lệ 1/500. UBND tỉnh Đắk Lắk cũng ấn định thời gian thực hiện cụ thể, yêu cầu hoàn thành dự án, đưa vào khai thác trước ngày 30/9/2018.
Hoàng An (TH)
Theo cafeland.vn