Việt Nam là điểm nóng của thị trường bất động sản hạng sang
- Theo Bloomberg, Việt Nam đang trở thành điểm nóng mới về thị trường bất động sản hạng sang.
Theo đó, trong suốt 20 năm, Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng trung bình hơn 6%/năm, bằng cách mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài và bắt đầu gỡ bỏ rào cản với khu vực kinh tế tư nhân.
Năm 2018, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt hơn 7%. Điều đó thúc đẩy các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào bất động sản Việt Nam, cùng với một nhóm người mua trong nước đang phát triển nhanh chóng, mong muốn tích lũy tiền thông qua bất động sản.
“Trong một thế giới mà giá nhà đang bấp bênh từ London đến Hồng Kông, Sydney và New York, Việt Nam trở thành một địa điểm hấp dẫn”, theo Bloomberg.
Dù giá nhà tại Việt Nam đã tăng đều đặn trong 18 tháng qua, nhưng về lâu dài, triển vọng vẫn là rất tốt. Trong đó, bất động sản hạng sang là một điểm nóng.
Theo CBRE, giá căn hộ cao cấp tại Thành phố Hồ Chí Minh đã tăng 17% trong năm 2018, đạt mức trung bình 5.518 USD/m2. CBRE dự báo giá cả sẽ tăng gần 10% vào đầu năm 2020 lên 6.000 USD/m2. (Các căn hộ giá hợp túi tiền hơn trong thành phố chỉ tăng 1% trong năm ngoái).
Bloomberg cho rằng, bên cạnh nhu cầu lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài, làn sóng người mua căn hộ hạng sang từ tầng lớp người giàu mới của Việt Nam cũng ngày càng mạnh mẽ.
Tại Việt Nam, trong vòng 10 năm từ 2006 đến 2016, số người có tài sản ròng từ 30 triệu USD trở lên tăng 320%, tốc độ nhanh nhất trên toàn cầu, vượt Ấn Độ và Trung Quốc.
Ông Chris Freund, CEO của Mekong Capital nhận định, nhiều người Việt Nam đã giàu lên từ bất động sản. "Tỷ lệ người dân sở hữu nhà tại Việt Nam đạt hơn 90%, và là một trong những tỷ lệ cao nhất trên thế giới. Giá nhà tăng giúp tạo ra tầng lớp trung lưu, gồm những cá nhân có tài sản trên 1 triệu USD".
Ông Andy Ho, giám đốc đầu tư của VinaCapital cho rằng, "Hầu hết các doanh nghiệp châu Á luôn chuyển sang bất động sản khi họ thành công trong bất kỳ hoạt động kinh doanh cốt lõi nào. Khi sự giàu có của đất nước tăng lên, mọi người sẽ mua bất động sản”.
Một yếu tố khác thúc đẩy nhu cầu đối với căn hộ đô thị là giới trẻ ngày càng không muốn đi theo truyền thống châu Á là nhiều thế hệ sống dưới một mái nhà.
Bà Dương Thùy Dung, giám đốc cấp cao tại CBRE cho biết: “Chúng tôi đang chứng kiến một sự thay đổi đáng kể, nơi các cặp vợ chồng trẻ muốn ra ở riêng sau khi kết hôn. Họ thích mua căn hộ hơn là sống trong một đại gia đình”.
Đình Vũ
Theo cafeland.vn