Việt Nam đẩy mạnh thực hiện những dự án lớn
Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt dự án lớn nhất trong năm nay như một cách duy trì tốc độ đầu tư nhằm giúp nền kinh tế phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Trong tuần qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý việc xây dựng khu du lịch trị giá 9,3 tỷ USD do một công con của Vingroup là chủ đầu tư. Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng góp vốn cho dự án này. Đây được xem là dự án lớn nhất của Việt Nam trong năm 2020.
Dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ (Saigon Sunbay) tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, TP.HCM, cách trung tâm TP Hồ Chí Minh khoảng 50 km dự kiến được hoàn thành vào năm 2031.
Vingroup đã phải mất nhiều năm để thuyết phục chính phủ phê duyệt. Trước đó nhiều tổ chức địa phương cũng như các tổ chức bảo vệ môi trường cho rằng dự án sẽ gây tổn hại tới một trong những địa điểm được coi là “lá phổi” của thành phố Hồ Chí Minh. Tháng 8/2019, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhấn mạnh rằng cần phải cải thiện các đánh giá về tác động môi trường và quy trình phê duyệt cho các dự án phát triển kinh tế. Đó là lý do khiến dự án của Vingroup được “bật đèn xanh”.
Một yếu tố khác khiến chính phủ đẩy nhanh việc ký kết là do đại dịch Covid-19. Đại dịch bùng phát đã khiến cho ngành du lịch và xuất khẩu, hai động lực chính của nền kinh tế Việt Nam gặp khó trong nửa đầu năm 2020
Doanh thu của ngành xuất khẩu Việt Nam trong nửa đầu năm nay đạt mức 99,36 tỷ USD, giảm 1,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức giảm này của dịch vụ lưu trú và ăn uống là 25,8%, trong khi doanh thu liên quan đến du lịch giảm tới 54,1%. Chính phủ hiện đang gặp nhiều thách thức trong công cuộc phục hồi nền kinh tế.
Trong khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam xuống còn 2,7% trong năm nay, thủ đô Hà Nội vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng 5%.
Vào hồi cuối tháng 5 Bộ Chính trị đã kêu gọi chính phủ sử dụng tất cả các nguồn lực trong nước để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh đại dịch hoành hành. Điều này đã giúp những dự án có quy mô lớn gặp nhiều thuận lợi.
Dự án của Vingroup là một trong số những dự án lớn được ban lãnh đạo Chính phủ Việt Nam ủng hộ trong năm nay. Những dự án lớn khác có thể kể đến bao gồm xây dựng cao tốc trị giá 208 triệu USD ở đồng bằng sông Cửu Long, khu công nghiệp trị giá 52 triệu USD ở tỉnh Bình Phước và ba sân golf ở các tỉnh phía bắc có trị giá tổng cộng 130 triệu USD.
Dự án của Vingroup ban đầu được công bố vào năm 2000, với quy mô 600 ha, được quản lý bởi đơn vị du lịch Cần Giờ, công ty con của Sài Gòn Tourist. Sau khi mua lại 97% cổ phần của đơn vị trong năm 2016, Vingroup đã đề xuất mở rộng dự án lên 2.870 ha và giao cho Vinhomes chịu trách nhiệm quản lý.
Thứ 3 vừa qua, Vingroup cho biết họ đã nhận được khoản đầu tư lên tới 650 triệu USD từ một tập đoàn để mua lại 6% cổ phần của Vinhomes. Tập đoàn này được quản lý bởi công ty cổ phần tư nhân KKR của Mỹ và bao gồm tập đoàn Temasek Holdings của Singapore.
Các đơn vị bảo vệ môi trường cho biết đại dịch đã tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình phê duyệt. Họ cũng cảnh báo rằng việc xây dựng các dự án lớn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường tại đồng bằng sông Cửu Long. Công việc khai hoang sẽ cần khối lượng đất khổng lồ được hút từ các lòng sông ở đồng bằng sông Cửu Long, thậm chí các chuyên gia ước tính nó có thể lấp đầy 36,600 bể bơi Olympic.
Dự án này đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Các nhà chức trách địa phương sẽ tổ chức nhiều cuộc thảo luận hơn và thực hiện nhiều nghiên cứu trước khi đưa ra quyết định.
Anh Nguyễn (NIKKEI)
Theo cafeland.vn