Việt Nam chưa khai thác hết tiềm năng thị trường khách sạn
- Phát biểu tại Diễn đàn bất động sản du lịch 2019 diễn ra ngày 6/4, ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), nhận định Việt Nam vẫn còn thiếu hàng chục nghìn khách sạn 4 – 5 sao. Thực tế cho thấy khách du lịch Việt Nam ở resort 5 sao nhiều hơn người nước ngoài.
Theo ông Nam, quy hoạch phát triển du lịch Việt Nam cho đến nay đã vượt kế hoạch. Các mục tiêu tăng trưởng ngành du lịch đến năm 2025 thì đã đạt được từ năm ngoái; mục tiêu năm 2030 dự kiến sẽ đạt được năm nay.
Tuy nhiên, ông Nam cho rằng, du lịch Việt Nam đôi khi quá xem trọng vai trò của khách du lịch nước ngoài, trong khi 80 triệu người Việt đóng vai trò khách du lịch nội địa cũng quan trọng không kém.
“Khi tham quan các resort 5 sao Việt Nam, tôi thấy khách du lịch Việt Nam là chính, còn khách du lịch nước ngoài lại thích khám phá, phiêu lưu, mạo hiểm, du lịch tiết kiệm. Vì vậy, chúng ta phải cân đối, cần tập trung cả quảng bá du lịch cho khách nội địa”, ông Nam chia sẻ.
Lãnh đạo VNREA đánh giá, 18 - 20 triệu khách quốc tế tới Việt Nam mỗi năm có thời gian nghỉ trung bình từ 5-7 ngày cho mỗi kỳ nghỉ. Do đó, Việt Nam vẫn còn đang thiếu hàng chục ngàn khách sạn 4-5 sao.
Thị trường khách sạn tại Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa.
Dù dư địa thị trường lớn, miếng bánh trên thị trường bất động sản du lịch “rất ngon” nhưng không phải ai cũng “ăn” được. Để phát triển bền vững, thị trường cần có những nhà đầu tư chất lượng.
Ông Nam cho rằng, phương pháp đấu giá bất động sản hiện nay không ổn. Đối với bất động sản du lịch, các doanh nghiệp cần tham gia đầu thầu dự án gồm doanh thu, phương pháp xây dựng,…
Bên cạnh đó, trình độ, kỹ năng của các nhân viên khá yếu tại nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng. Các doanh nghiệp cần tự nâng cao chất lượng đào tạo nhân sự, không nên phụ thuộc quá nhiều vào các khóa học bên ngoài.
Ngoài những tồn tại trên, Chủ tịch VNREA cũng cho rằng, Nghị định 20 của Chính phủ cũng là rào cản lớn dành cho các doanh nghiệp bất động sản. Bất động sản du lịch đòi hỏi nguồn vốn lớn, dài hạn, đòi hỏi chuyên môn, uy tín dẫn đến các tập đoàn phải tham gia. Trong khi Nghị định 20 quy định tỷ lệ lãi vay ngân hàng đang hạn chế các doanh nghiệp bất động sản sử dụng đòn bẩy tài chính, qua đó giảm quy mô đầu tư.
Mặc dù kết quả kinh tế - xã hội quý 1 tăng trưởng 6,7%, song bối cảnh kinh tế thế giới không thuận lợi, các tổ chức tài chính thế giới đều dự báo hạ tăng trưởng. Nếu chính phủ, doanh nghiệp không cùng hợp lực để bứt lên thì tăng trưởng năm nay sẽ gặp nhiều khó khăn.
Để tháo gỡ, theo ông Nam, các công ty phải chủ động xây dựng lực lượng thông qua hoạt động đào tạo nội bộ. Đối với lãnh đạo cấp cao trong các doanh nghiệp Việt, việc nâng cao các kỹ năng mềm và cập nhật các kiến thức về pháp luật, thị trường bất động sản là điều cần được chú trọng trong giai đoạn này.
Đối với các sản phẩm du lịch mới theo nhu cầu quốc tế như condotel, biệt thự nghỉ dưỡng, Chính phủ cần giải quyết chính sách nhanh để đáp ứng thị trường du lịch thế giới và đảm bảo xã hội hóa ngành du lịch.
Đồng thời, cần tập trung quảng bá, xúc tiến du lịch tạo thị trường cho các doanh nghiệp phát triển; miễn visa du lịch cho các thị trường khách hàng tiềm năng; tăng các cơ chế ưu đãi cho việc mở hãng hàng không, các nhà đầu tư xây dựng sân bay, bến cảng du lịch, đường cao tốc; mở rộng và nâng cao chất lượng đào tạo du lịch để bổ sung nguôn nhận lưc cho các khu du lịch, đi kèm là các biện pháp kiểm soát chất lượng đào tạo.
Việt Nam thu hút được 15 triệu lượt khách trong năm qua, trong khi con số này của Thái Lan là 38 triệu lượt. Thái Lan hiện nay chỉ có ba sân bay ở Bangkok, Phuket và Kohsamui. Trong đó, sân bay Kohsamui gặp rất nhiều hạn chế và khả năng hoạt động, phần lớn khách du lịch đến Thái Lan chỉ thông qua hai sân bay là Bangkok và Phuket. Đây cũng là những điểm đến chính của khách du lịch khi đến Thái Lan. Nếu so sánh với Việt Nam, có thể thấy chúng ta có nhiều điểm đến hơn nhiều. Việt Nam có hai thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM, cùng với đó là ba điểm đến du lịch là Nha Trang, Phú Quốc, Đà Nẵng, chưa kể còn nhiều điểm đến tuyệt vời khác. Vậy tại sao, Việt Nam lại đứng sau Thái Lan? Việt Nam vẫn còn nhiều giới hạn về thủ tục, logistics. Dễ thấy nhất là vấn đề visa. Du khách làm visa đến Thái Lan rất đơn giản, trong khi Việt Nam khó khăn hơn nhiều, đặc biệt là với người nước ngoài. Nhiều người nước ngoài đến Việt Nam khi quay lại vẫn gặp khó khăn về thủ tục. Về mặt này, sân bay Đà Nẵng là một hình mẫu tốt mà các thành phố khác nên học hỏi. Tại sân bay Đà Nẵng có hẳn một dãy bàn chuyên đóng visa cho du khách, qua đó giúp du khách đặt chân đến Việt Nam dễ dàng hơn. Việt Nam đã đầu tư nhiều sân bay, nhưng logistic sân bay vẫn còn nhiều việc phải làm. Nếu cứ mỗi lần vào Việt Nam lại mất cả tiếng đồng hồ thì không ai muốn quay lại. Tỷ trọng du khách đến Việt Nam cũng có sự thiếu cân bằng. Góp phần lớn cho tăng trưởng du khách năm qua đến từ hai quốc gia là Trung Quốc và Hàn Quốc. Việc phụ thuộc lớn vào một hoặc hai quốc gia chính khiến ngành du lịch dễ rơi vào rủi ro. Vì vậy, Việt Nam cần sớm đa dạng hóa danh mục. Bên cạnh đó, doanh thu trên phòng khách sạn Việt Nam (revpar) thực tế tăng chỉ tăng 11,5% trong năm qua, thấp hơn so với lượng khách du lịch đến Việt Nam. Điều này cho thấy thị trường chưa khai thác hết tiềm năng và tỷ suất lợi nhuận chưa tăng cao như nó có thể. Cả TP.HCM và Hà Nội vẫn còn nhiều dư địa để tăng trưởng. Ông Adam Bury, Phó chủ tịch cấp cao của Jones Lang LaSalle |
Tâm An
Theo cafeland.vn