Vicem muốn bán ‘đất vàng’ trước cổ phần hoá: Đừng khôn lỏi
Khi Kiểm toán đã chỉ ra những sai phạm thì các cơ quan thanh tra, kiểm tra phải vào cuộc làm rõ ràng.
Báo cáo Kiểm toán Nhà nước (KTNN) gửi Quốc hội mới đây đã chỉ ra nhiều sai phạm tại các đơn vị thuộc Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem), đề nghị Vicem kiểm điểm trách nhiệm nhiều tập thể, cá nhân.
Vicem muốn bán nhiều lô đất trước khi cổ phần hóa. Ảnh: TPO
Đáng chú ý, KTNN chỉ ra rằng đề xuất thay đổi phương án sắp xếp, xử lý nhà đất đã được Bộ Xây dựng phê duyệt đối với 3 lô đất, song chưa hoàn thành thủ tục hoặc/và chưa được phê duyệt lại.
Trước thông tin này, GS.TS Đặng Đình Đào - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, ĐH KTQD Hà Nội nói thẳng "Vicem đừng khôn lỏi".
Vị GS cho hay, Vicem hay bất kỳ tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước nào khi thực hiện cổ phần hóa đều phải tuân thủ đúng các quy định, quy trình của pháp luật.
Nhất là trong vấn đề thẩm định, định giá đất đai, đây là một trong những nội dung gây nguy cơ thất thoát, lãng phí lớn nhất trong quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước.
"Hầu hết các doanh nghiệp nhà nước đều sở hữu những lô đất vàng với diện tích rất lớn, ở những vị trí đắc địa và rải rác ở hầu hết khắp các tỉnh thành trên cả nước.
Thực tế cho thấy, doanh nghiệp nào sử dụng nhiều đất đai, nắm giữ nhiều mảnh đất đắc địa thì cổ phần hóa, thoái vốn rất dễ, bất kể hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh ra sao, tình hình tài chính thế nào.
Nếu tính toán không cẩn thận, thẩm định giá đất không chặt chẽ, không đúng quy định thì nguy cơ thất thoát là khó tránh khỏi.
Cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam là một trong những ví dụ điển hình về việc nhà đầu tư chỉ nhìn vào đất đai của doanh nghiệp nhà nước đang được quản lý, sử dụng", vị GS cảnh báo.
Từ những vụ việc đã xảy ra, GS Đặng Đình Đào cho rằng, việc cổ phần hóa tại Vicem phải xác định tách bạch rất rõ ràng giữa giá trị tài sản là đất và giá trị tài sản trên đất.
"Một điểm rất cần phải làm rõ đó là quyền sở hữu đất vàng là thuộc về toàn dân, doanh nghiệp nhà nước được “quyền thuê”, đây vốn là đặc quyền của doanh nghiệp nhà nước nhằm phục vụ mục đích kinh doanh của doanh nghiệp. Tức là khi thực hiện cổ phần hóa, tài sản đất đai vốn phải được tách ra để định giá riêng, các doanh nghiệp nhà nước không phải muốn bán thì bán, muốn cho thuê thì cho thuê.
Vicem hiện đang sở hữu rất nhiều lô đất lớn nhưng lại có ý định xin chuyển nhượng hoàn toàn các diện tích đất này trước khi thực hiện cổ phần hóa là điều bất thường.
Ví dụ, với lô đất 8.476 m2 tại 10E6 Khu đô thị mới Cầu Giấy (phường Mễ Trì, quận Nam Từ liêm, Hà Nội), Vicem đề xuất thay đổi từ “tiếp tục xây dựng Dự án Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem” thành “chuyển nhượng toàn bộ dự án”.
Còn tại lô đất 52.083 m2 tại ngõ 122 Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) thay đổi từ “Xây dựng Dự án Khu tổng hợp 122 Vĩnh Tuy” thành “tiếp tục quản lý, sử dụng như hiện trạng, sau khi cổ phần hóa sẽ báo cáo việc sử dụng đất theo yêu cầu sản xuất kinh doanh, chiến lược phát triển, tái cấu trúc Vicem theo quy hoạch của TP Hà Nội”.
Với lô đất 166.527m2 tại Khu công nghiệp Đông Hồi, xã Quỳnh Lập, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An, thay đổi từ “tiếp tục xây dựng dự án Nhà máy kết cấu bê tông vật liệu xây dựng không nung Đông Hồi” thành “chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn liền với chuyển nhượng dự án”.
Ở đây, Vicem định tách riêng đất vàng, chuyển nhượng hoàn toàn trước khi thực hiện cổ phần hóa thì tài sản còn lại của Vicem ngoài những khoản nợ khổng lồ, cùng tình trạng làm ăn bết bát.
Nếu làm như vậy sẽ xảy ra hai nguy cơ. Thứ nhất, việc định giá đất dễ bị nhập nhèm, nguồn lực của nhà nước có thể không chảy về ngân sách mà lại chảy vào các nhóm lợi ích. Thứ hai, việc tiến hành cổ phần hóa sẽ bị cản trở, khó thực hiện theo kế hoạch hoặc nếu cổ phần được cũng bị định giá thấp, gây thiệt hại cho nhà nước.
Vicem phải giải trình rất rõ ý tưởng, đề xuất trên cũng như mục đích, ý đồ về đề xuất này", GS Đặng Đình Đào phân tích.Về việc Bộ Xây dựng đã đồng ý về mặt chủ trương với đề xuất của Vicem, vị chuyên gia tỏ ra không ngạc nhiên. Theo GS Đào, tình trạng bộ, ngành chỉ đi vun vén cho lợi ích cục bộ, lợi ích doanh nghiệp mình hiện không còn hiếm, và Bộ Xây dựng cũng không ngoại lệ nhưng không phải đề xuất là được.
Khi Kiểm toán đã chỉ ra những sai phạm thì các cơ quan thanh tra, kiểm tra phải vào cuộc làm rõ ràng.
Nhất là khi tình hình tài chính các công ty con của Vicem đang thua lỗ nghìn tỷ, gặp nhiều khó khăn và mất an toàn về tài chính, Vicem cũng từng đề xuất xin bán đất vàng để thu hồi vốn thì đề xuất xin chuyển nhượng hoàn toàn đất trước khi cổ phần có thể là cách để Vicem trả nợ.
"Tình trạng doanh nghiệp nhà nước vốn nhận được rất nhiều cơ chế ưu ái nhưng quản lý yếu kém, làm ăn không hiệu quả, đầu tư ngoài ngành gây thua lỗ, thất thoát rồi lại xin bán đất để trả nợ là không thể chấp nhận được. Chiêu bài chung của các doanh nghiệp nhà nước khi thực hiện cổ phần hóa cần phải được ngăn chặn và xử lý thật nghiêm", vị GS thẳng thắn.
Lam Lam (Đất Việt)
Theo cafeland.vn