Vì sao T&T của bầu Hiển lại xin làm metro cho Hà Nội?
– Lại thêm một ông lớn trong lĩnh vực địa ốc đang đề xuất được tham gia đầu tư các tuyến đường sắt đô thị trên cao (metro) tại Hà Nội. Đâu là lý do khiến đại gia này hào hứng với những dự án hạ tầng này?
Tuyến metro 1,4 tỷ Euro
Mới đây, Tập đoàn T&T của bầu Hiển đã cùng với tập đoàn Bouygues (Pháp) ký kết thỏa thuận hợp tác đầu tư một đoạn tuyến metro tại Hà Nội với tổng giá trị đầu tư ước tính 1,4 tỷ Euro.
Cụ thể, T&T cùng Bouygues sẽ nghiên cứu đầu tư đoạn 3 thuộc tuyến metro số 3. Đoạn này có tổng chiều dài 31,1km điểm đầu từ Nhổn đến thị xã Sơn Tây. Toàn tuyến chạy theo Quốc lộ 32 từ Nhổn – Trôi – Phùng – Sơn Tây.
Giai đoạn 1 dự kiến sẽ được xây dựng từ Nhổn – Trôi – Phùng (vành đai 4), với tổng chiều dài 6,1 km. Dự kiến hoàn thành xây dựng trước năm 2024 và bắt đầu vận hành khai thác vào năm 2025.
Giai đoạn 2: Xây dựng tuyến đường Phùng (Vành đai 4) – Sơn Tây, với tổng chiều dài 24,95 km. Dự kiến hoàn thành xây dựng trước năm 2040 và bắt đầu vận hành khai thác kể từ năm 2040.
Dự án được đầu tư theo hình thức đối tác công ty PPP, hợp đồng xây dựng – chuyển giao (BT). Dự kiến dự án này sẽ trình Quốc hội ngay trong kỳ họp vào tháng 6 tới đây.
Nhắm vào quỹ đất?
Trong năm 2017, UBND TP Hà Nội đã có tờ trình Thủ tướng phương án đầu tư, giải pháp và cơ chế thực hiện các dự án đường sắt đô thị trên địa bàn.
Theo quy hoạch đến năm 2050, Hà Nội sẽ xây dựng 10 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài hơn 417 km, bao gồm cả đường sắt đi trên cầu cạn, mặt đất và đi ngầm.
Tổng mức đầu tư dự kiến của 10 dự án đường sắt đô thị là hơn 40 tỷ USD. Riêng giai đoạn 2017-2020, TP Hà Nội cần khoảng hơn 7,5 tỷ USD; từ năm 2021 - 2025 vốn đầu tư khoảng 7,6 tỷ USD; từ 2026 - 2030 vốn là 3,5 tỷ USD; sau năm 2031 vốn đầu tư 21,3 tỷ USD.
Trong đó, một số đoạn tuyến metro sẽ được đầu tư theo hình thức hợp tác công - tư (PPP). Các doanh nghiệp được chọn là nhà đầu tư sẽ tự bỏ vốn lập hồ sơ nghiên cứu tiền khả thi, khả thi, thuê tư vấn lập hồ sơ dự án, thực hiện giải phóng mặt bằng, đào và xây dựng đường hầm, nhà ga, xây dựng các tuyến đường trên cao, depot và đường ray.
Về phương án vốn đối ứng, UBND TP Hà Nội dự kiến sẽ huy động được 337.000 tỷ đồng thực hiện các dự án đường sắt trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 và từ 2021-2025.
Cụ thể, Hà Nội đề xuất được bổ sung 6.000 ha đất (giá trị sử dụng khoảng 300.000 tỷ đồng) vào quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2020 để làm quỹ đối ứng cho các nhà đầu tư; đấu giá quyền sử dụng đất để tạo vốn cho các dự án giao thông PPP nói chung.
Không chỉ có T&T, trước đó đã có hàng loạt ông lớn địa ốc lớn khác cũng rầm rộ xin được đề xuất xây dựng các tuyến metro. Trong đó có những tên tuổi nổi bật như Vingroup, Tập đoàn Xuân Thành, Công ty TNHH Tân Hoàng Minh, Liên danh Tổng công ty Licogi và Công ty TNHHH Tập đoàn MIK Group Việt Nam…
Theo nhiều chuyên gia bất động sản, việc các doanh nghiệp địa ốc tham gia đề xuất xây dựng các dự án metro theo hợp đồng BT là điều dễ hiểu. Bởi hiện quỹ đất tại Thủ Đô ngày càng khan hiếm, việc tham gia làm các dự án hạ tầng như vậy là một các săn quỹ đất được nhiều doanh nghiệp lựa chọn.
Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến quan ngại nếu không có sự kiểm soát chặt chẽ, minh bạch thì hình thức BT sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây thất thoát.
Phó Giám đốc một Công ty Địa ốc cho rằng, việc các doanh nghiệp bất động sản muốn tham gia đầu tư các dự án đường sắt đô thị là điều dễ hiểu bởi đó là món lợi cực lớn, có thể dùng từ là một vốn mười lời.
Theo ông, có hai cái lợi lớn nhất khiến các doanh nghiệp háo hứng khi tham gia hình thức này là không phải thông qua hình thức đấu thầu và quỹ đất mà họ nhận được sau khi thực hiện dự án có giá trị rất khó xác định.
Trần Phong
Theo cafeland.vn