Vì sao khó thu hồi “dự án chết” tại Hà Nội?
TP. Hà Nội vừa tiến hành thanh tra và yêu cầu thu hồi hàng loạt dự án tại quận Thanh Xuân, quận Nam Từ Liêm… Tuy nhiên, trước thực tế việc thu hồi dự án tại Hà Nội mới chỉ đếm trên đầu ngón tay, dư luận lo ngại tình trạng “giơ cao đánh khẽ” lại tái diễn.
Dự án ở 201 Trường Chinh do Công ty cổ phần Đầu tư TSG Việt Nam nắm giữ cổ phần chi phối “biến tướng” thành kinh doanh dịch vụ
Đã “điểm mặt chỉ tên”…
Thời gian qua, Báo Đầu tư Bất động sản có nhiều bài viết chỉ rõ tình trạng nhiều chủ đầu tư không đủ năng lực thi công nhưng vẫn “khư khư” ôm dự án. Thực tế này vừa làm nhếch nhác bộ mặt đô thị Thủ đô, vừa gây ra rủi ro chung cho thị trường bất động sản, khi không ít dự án bê trễ nhiều năm, nhưng chủ đầu tư vẫn thu tiền của khách hàng và không có khả năng thanh toán lại cho người mua.
Các cơ quan chức năng địa phương và TP. Hà Nội cũng đã nhanh chóng vào cuộc, làm rõ hơn tình trạng này. Cụ thể, UBND quận Thanh Xuân vừa kiến nghị với Hội đồng Nhân dân TP. Hà Nội thu hồi 11 “dự án chết” trên địa bàn quận.
Theo báo cáo của UBND quận Thanh Xuân, tính đến hết năm 2017, địa phương này có 19 dự án chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai. Trong đó, có 2 dự án chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng; 11 dự án đã bàn giao đất, nhưng chủ đầu tư không triển khai; 6 dự án có vướng mắc do nguyên nhân khác như chủ đầu tư đang đề nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư, dự án chưa được giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, đại diện Thanh tra Xây dựng, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: “Một trong những nguyên nhân phải thu hồi các dự án trên là do năng lực các nhà đầu tư, có thể họ đang gặp khó khăn về vốn nên không có tiền để triển khai dự án”.
Theo tư liệu của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, trong vài năm trở lại đây, Hà Nội thường xuyên có những đợt rà soát các dự án bất động sản trên địa bàn để đôn đốc những dự án chậm tiến độ, không chịu triển khai, hoặc kiến nghị thu hồi đối với những dự án đã “đắp chiếu” nhiều năm và sử dụng đất sai mục đích.
Trong đó, có những dự án đã chậm tiến độ 5-10 năm như trên địa bàn quận Thanh Xuân có các dự án: Dự án Tổ hợp văn phòng dịch vụ nhà ở, ngõ 109 Trường Chinh của chủ đầu tư Công ty Vật liệu xây dựng và Xuất nhập khẩu Hồng Hà; Dự án đầu tư xây dựng văn phòng làm việc của Công ty cổ phần Tập đoàn Austdoor tại phường Nhân Chính; Dự án xây dựng nhà ở của Công ty TNHH Nhà nước một thành viên cơ điện Trần Phú…
Trên địa bàn quận Cầu Giấy điển hình có 23 dự án trụ sở tổng công ty tại Khu đô thị mới Cầu Giấy với những “đại gia” chậm tiến độ như Tổng công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC); Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam; Tổng công ty cổ phần Thương mại và Xây dựng (Vitrancimex); Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam…
Ngoài ra, tại lô đất CC3 A,B,C thuộc Khu đô thị Mỹ Đình 2 của Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD), Dự án đã bị chính quyền TP. Hà Nội nhắc nhở, kiến nghị thu hồi vì sử dụng đất sai mục đích từ 2 - 3 năm nay. Trong năm 2014, UBND TP. Hà Nội từng ra “tối hậu thư” yêu cầu đơn vị thứ cấp sử dụng đất sai mục đích tại lô đất này phải tháo dỡ các phần công trình sai phép, hoàn trả mặt bằng. Tuy nhiên, việc tháo dỡ đến nay chưa được thực hiện, một phần lớn lô đất vẫn được sử dụng làm nhà hàng, quán ăn.
… vẫn “một thước không đi, một ly không rời”
Bức tranh các dự án bê trễ, chậm tiến độ đã tương đối rõ và kiến nghị xử lý, thu hồi cũng đã được công khai từ nhiều năm. Tuy nhiên, theo báo cáo mới nhất từ các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội về tình hình quản lý các dự án đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn thành phố thì hiện tượng này vẫn rất phổ biến.
Theo đó, từ năm 2012 đến hết năm 2017, UBND TP.Hà Nội đã chấp thuận triển khai 634 dự án có sử dụng đất, trong đó 194 dự án được điều chỉnh và 118 dự án triển khai chậm. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố hiện có hơn 300 dự án triển khai chậm tiến độ đã được rà soát từ trước năm 2012, chủ yếu do vướng mắc về giải phóng mặt bằng, cần điều chỉnh quy hoạch theo quy hoạch chung, quy hoạch phân khu.
Theo Sở Tài Nguyên và Môi trường Hà Nội, trước tình trạng trên, thời gian qua, cơ quan này đã tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành và các quận, huyện, tổ chức rà soát, hậu kiểm, tiến hành thanh tra, kiểm tra về công tác quản lý, sử dụng đất đai, xử lý vi phạm pháp luật đất đai đối với các dự án được nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Đồng thời, làm rõ nguyên nhân, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn và có phương án xử lý phù hợp, tạo điều kiện cho chủ đầu tư có phương án, thời gian khắc phục khả thi.
Tuy nhiên, cơ quan này cho biết, công tác trên gặp không ít khó khăn do nhiều đối tượng không hợp tác khi đoàn thanh tra thực hiện nhiệm vụ, như: Không có mặt tại buổi công bố quyết định thanh tra, chậm thực hiện các nội dung báo cáo hoặc báo cáo không theo các nội dung đề cương của đoàn thanh tra yêu cầu, chậm cung cấp tài liệu hồ sơ sử dụng đất và các tài liệu liên quan đến diện tích đất bị thanh tra.
Ngoài ra, đối tượng thanh tra không cử người đại diện theo quy định của pháp luật hoặc người đại diện không ủy quyền cho người làm việc với đoàn thanh tra, ký biên bản làm việc, biên bản thanh tra, biên bản kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính…, dẫn tới kết luận thanh tra, kiểm tra thiếu cơ sở pháp lý.
Công ty Vật liệu xây dựng và Xuất nhập khẩu Hồng Hà từng dính nhiều tai tiếng trong đầu tư
Đề cập đến vấn đề này, ông Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, các động thái của Hà Nội quyết tâm yêu cầu rà soát, xử lý hàng loạt dự án ôm đất suốt nhiều năm, nhưng chủ đầu tư vẫn không triển khai là rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, Hà Nội cần có sẵn đáp án cho bài toán sau thu hồi hoặc quyết định hủy bỏ các dự án “ôm đất” đó thì sẽ làm gì, tránh lặp lại “vết xe đổ”, gây lãng phí, mất mỹ quan đô thị.
Trên thực tế, nhiều dự án chậm tiến độ trên địa bàn TP. Hà Nội đã “biến tướng” thành các cơ sở kinh doanh, nhà hàng, bãi gửi xe… Chẳng hạn, 23 dự án trụ sở các tổng công ty tại Khu đô thị mới Cầu Giấy; Dự án Trung tâm thương mại dịch vụ Cửu Long ở 201 Trường Chinh, chủ đầu tư là Hợp tác xã thương mại dịch vụ Cửu Long, nhưng do Công ty cổ phần Đầu tư TSG Việt Nam nắm giữ cổ phần chi phối.
TS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội cho rằng, cần phân tích, làm rõ từng dự án chậm trễ, trên cơ sở đó làm căn cứ xác lập danh mục dự án phải thu hồi, để bảo đảm tính khả thi cao hơn.
“Cùng với đó, nên bám sát các định hướng phát triển của Thành phố, chẳng hạn quy hoạch vườn hoa, cây xanh, mặt nước từ năm 2014 đã xác định diện tích cần bổ sung trong khu vực nội đô là 687 ha, do đó, chúng ta đưa ngay một số dự án “treo” vào kế hoạch năm 2018 để đáp ứng phần còn thiếu này, bởi đây là nhu cầu thiết yếu của người dân”, TS. Đào Ngọc Nghiêm khuyến cáo.
Điều đáng nói, trong lúc TP. Hà Nội đang ráo riết thực hiện “điểm danh” các dự án chậm tiến độ đưa vào diện thanh kiểm tra và đề nghị thu hồi thì việc tiếp cận với các thông tin này gặp rất nhiều khó khăn. Chẳng hạn, sau nhiều tuần đặt lịch làm việc với đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Thanh Xuân, phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản chỉ được một chuyên viên cơ quan này thông báo rằng, các dự án bị đề nghị thanh tra thu hồi tại địa phương này đã giảm từ 11 xuống còn 9 dự án. Ngoài ra, người đại diện này không cung cấp bất cứ một thông tin gì thêm.
Một số cơ quan chức năng tại Hà Nội cũng cùng chung câu trả lời “chưa cung cấp được thông tin” khi được đề nghị trao đổi về các dự án bê trễ và các giải pháp khắc phục trên địa bàn.
Đồng thời, một nút thắt quan trọng nhất là dường như chưa có một chế tài đủ mạnh hoặc hành động đủ quyết liệt để có thể sớm loại bỏ các dự án bỏ hoang, trả lại mỹ quan cho đô thị và hạn chế thấp nhất sự lãng phí tiền của Nhà nước và nhân dân.
Nhất Nam (Báo đầu tư BĐS)
Theo cafeland.vn