Vì sao Hà Tĩnh "hỏa tốc" bắt các khu đất sau thu hồi “đẻ tiền”?
Hàng chục khu đất và tài sản gắn liền trên đất sau khi thu hồi nằm im suốt nhiều năm khiến tỉnh Hà Tĩnh thiệt đơn, thiệt kép. Hiện tỉnh này đang nỗ lực để giải cứu những khu đất này.
Thu hồi rồi… bỏ đó
Ngày 30/7/2018, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có Quyết định số 2277/QĐ-UBND về việc thu hồi tài sản công trụ sở làm việc cũ của Sở NN&PTNT Hà Tĩnh (số 61 Phan Đình Phùng, phường Bắc Hà, TP. Hà Tĩnh) có diện tích 2.134,9 m2, gồm: nhà làm việc 3 tầng (diện tích 931 m2), nhà làm việc 2 tầng (diện tích 440m2), gara ô tô (diện tích 113m2), sân, hàng rào (diện tích 1.144 m2).
Trụ sở Sở NN&PTNT Hà Tĩnh cũ hiện nhếch nhác, xuống cấp.
Sau khi hoàn tất thủ tục thu hồi, khu tài sản công này đã được UBND tỉnh Hà giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất và Kỹ thuật địa chính tỉnh (Trung tâm Phát triển quỹ đất) để tổ chức đấu giá cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng.
Tới nay, sau 2 năm kể từ ngày thu hồi, khu tài sản này vẫn án binh bất động, vừa gây lãng phí rất lớn, vừa khiến UBND TP Hà Tĩnh đau đầu vì quá mất mĩ quan đô thị.
Tương tự, là khu đất 23,5 ha thu hồi của Công ty CP ĐTPT đô thị và KCN Sông Đà tại đường Hàm Nghi, TP Hà Tĩnh nằm trong dự án Khu đô thị Hàm Nghi. Hay như khu đất 67,6 ha nằm trong dự án Khu đô thị Thiên Cầm của Công ty CP Đầu tư và Phát triển Thiên Cầm tại thị trấn Thiên Cầm, huyện Cẩm Xuyên. Sau khi thu hồi, nhiều năm nay những khu đất này đều bỏ đó khiến chính quyền các địa phương, người dân không khỏi xót xa.
Khu đô thị sông đà chỉ là trên giấy, gây lãng phí lớn quỹ đất tại TP Hà Tĩnh.
Theo Sở TNMT tỉnh Hà Tĩnh, tính đến 30/6/2020, Trung tâm Phát triển quỹ đất đã được UBND tỉnh này giao quản lý 105 khu đất thu hồi của các tổ chức, cá nhân do không còn nhu cầu sử dụng hoặc vi phạm pháp luật đất đai trên địa bàn tỉnh với tổng diện tích 175,7 ha. Trong số này hiện có tới 42 khu đất với diện tích 123,3 ha sau thu hồi vẫn nằm im, chưa mang lợi ích kinh tế, thậm chí còn là gánh nặng cho ngân sách tỉnh, làm mất mĩ quan đô thị.
Điều đáng nói là trong số 42 khu đất nêu trên có tới có 31 khu với diện tích 114,9 ha đã xử lý xong tài sản trên đất nhưng vẫn chưa thể bàn giao cho các tổ chức, cá nhân.
Khẩn trương “bắt” đất thu hồi “đẻ tiền”
Tại cuộc họp HĐND tỉnh Hà Tĩnh được tổ chức vào trung tuần tháng 7 vừa qua, ông Hồ Huy Thành, Giám đốc Sở TNMT tỉnh Hà Tĩnh thừa nhận thực trạng các khu đất sau khi thu hồi chậm bàn giao cho các tổ chức, cá nhân sử dụng, khai thác.
Ông Hồ Huy Thành - Giám đốc Sở TNMT Hà Tĩnh thừa nhận các khu đất sau thu hồi chậm đưa vào bàn giao, sử dụng.
Ông Thành nêu các nguyên nhân cho việc chậm trễ này, bao gồm: việc xử lý tài sản còn lại trên đất mất rất nhiều thời gian, do trong quá trình thực hiện quyết định thu hồi, một số đơn vị bị thu hồi đất còn khiếu nại quyết định thu hồi đất, cố tình chây ì, không phối hợp thực hiện hoặc không chịu di dời tài sản để bàn giao đất cho nhà nước quản lý.
Tiếp đó, theo quy định của Luật Đất đai, về nguyên tắc quỹ đất sau khi thu hồi phải thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, đối với các khu đất thu hồi là nhà văn hóa, trường học, trạm y dư thừa sau sáp nhập thôn, xóm và xây dựng nông thôn mới tại vùng nông thôn- nơi điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn, diện tích nhỏ lẻ, manh mún, giá trị thấp, nhu cầu sử dụng đất không cao- giá trị thu được khi bán đấu giá thấp, không đủ bù chi phí tổ chức thực hiện (chi phí lập quy hoạch, đầu tư hạ tầng, thuê tổ chức đấu giá tài sản). Do vậy, việc đưa các khu đất này vào sử dụng còn khó khăn.
Khu đất, nhà của Tỉnh đoàn Hà Tĩnh sau khi tỉnh thu hồi, bàn giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất và Kỹ thuật địa chính tỉnh, hiện bỏ không, vừa lãng phí, vừa rất mất mĩ quan đô thị.
Một nguyên nhân khác là đất thu hồi là quỹ đất phát sinh trong quá trình kiểm tra, thanh tra, quản lý đất đai nên chưa được dự báo, tính toán trong quá trình lập Quy hoạch sử dụng đất. Do vậy, một số khu đất sau khi thu hồi chưa phù hợp với quy hoạch, phải thực hiện điều chỉnh quy hoạch.
Đặc biệt, một số khu có giá trị công trình, tài sản còn lại trên đất lớn, không phù hợp với mục đích đầu tư mới của các nhà đầu tư, nhưng khi muốn được sử dụng đất thì nhà đầu tư phải chi trả số tiền này mà không thể sử dụng được tài sản hiện có. Mặt khác, số tiền này cũng không được khấu trừ vào tiền thuê đất, do vậy, những khu đất này, cũng ít được nhà đầu tư quan tâm .
Một số khu đất trong khi chưa đưa vào sử dụng, do công tác quản lý thiếu chặt chẽ nên để người dân tự ý sử dụng, chiếm dụng, lấn chiếm, đổ rác thải trái phép, gây nhiều hệ lụy, mất mỹ quan đô thị và ô nhiễm môi trường .
Trước thực trạng nêu trên, UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa "hỏa tốc" giao Sở TNMT, Sở Tài chính tập trung xử lý dứt điểm đối với các khu đất chưa hoàn thành việc xử lý tài sản.
Theo đó, trường hợp đối tượng bị thu hồi đất không phối hợp thực hiện UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu Sở TNMT phối hợp với cơ quan chức năng, các địa phương dùng giải pháp cưỡng chế để tổ chức thực hiện.
Trung tâm Phát triển quỹ đất được tỉnh yêu cầu tối đa việc tập trung tháo gỡ các vướng mắc, lập phương án sử dụng đất, triển khai tổ chức bán đấu giá khi được UBND tỉnh phê duyệt phương án; trường hợp không có nhà đầu tư tham gia đấu giá thì xem xét thực hiện mời gọi đầu tư, cho thuê đất không qua đấu giá theo quy định tại khoản 3 Điều 118 Luật Đất đai.
UBND tỉnh Hà Tĩnh giao Sở TNMT cùng với Sở Tài chính làm việc với Bộ Tài chính và nhiều bộ ngành liên quan để bàn giao về cho địa phương các khu đất của các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn tỉnh không còn nhu cầu sử dụng.
UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng giao Sở Tài chính làm việc với Bộ Tài chính để xin hướng dẫn về việc xác định giá khởi điểm bán đấu giá tài sản trên đất và chuyển nhượng QSD đất đối với các khu đất là tài sản công.
UBND cấp huyện, UBND cấp xã tăng cường, phối hợp với Trung tâm Phát triển quỹ đất và Kỹ thuật địa chính trong công tác quản lý đất đai trên địa bàn, xử lý dứt điểm tình trạng người dân tự ý sử dụng, chiếm dụng, lấn chiếm đất đai, đổ rác thải gây ô nhiễm môi trường đối với quỹ đất chưa đưa vào sử dụng.
Văn Dũng (Dân trí)
Theo cafeland.vn