Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đất đai - Bài 1: Từng bước hoàn thiện chính sách
Trong lĩnh vực quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đất đai đã đạt được một số thành tựu nhất định.
Tuy nhiên, những bất cập như: Yếu tố đầu tư về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, công nghệ phần mềm, nguồn nhân lực, dữ liệu hiện có và các chính sách… cần có định hướng chiến lược và giải pháp cụ thể, phù hợp để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực quản lý đất đai.
Nhiều bất cập
Năm 2004, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 179/2004/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin tài nguyên và môi trường đến năm 2015, định hướng đến năm 2020, đặt ra 4 mục tiêu chủ yếu và 7 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai là một trong các nhiệm vụ cơ bản nhất.
Sau 5 năm Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện Chiến lược, đến nay đã có những thay đổi căn bản trong lĩnh vực công nghệ thông tin, Luật Công nghệ thông tin năm 2007 được thông qua tại Kỳ họp thứ 7 và thứ 8 Quốc hội khóa XI là những văn bản quy phạm pháp luật quan trọng thể chế hóa Chỉ thị 58 của Bộ Chính trị. Ngày 10/4/2007 Chính phủ ban hành Nghị định 64/2007/NĐ-CP về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Nhà nước (Nghị định 64). Nghị định này đã quy định cụ thể các nội dung, nhiệm vụ và tổ chức thực hiện việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Nhà nước và xác định trách nhiệm của Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong phạm vi ngành, địa phương mình.
Theo ông Mai Văn Phấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện nhu cầu ứng dụng công nghệ phát triển cơ sở dữ liệu đất đai đang rất cấp bách, nhưng công cụ triển khai còn chưa đáp ứng được; nhận thức của đội ngũ cán bộ về Chính phủ điện tử còn hạn chế, chưa nắm rõ yêu cầu của cách mạng công nghệ 4.0 cho ngành đất đai. Chính sách quản lý Nhà nước về đất đai cũng đang trong quá trình hoàn thiện, quy trình thực hiện, mẫu báo cáo, mẫu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thay đổi nhiều trong thời gian ngắn dẫn tới công tác ứng dụng công nghệ thông tin gặp nhiều bất cập, việc phải chỉnh sửa các hệ thống vừa đưa vào sử dụng trong thời gian rất ngắn, thiếu kinh phí xây dựng rất phổ biến.
Tuy đã có một số văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách nhất định trong việc ứng dụng công nghệ thông tin ngành quản lý đất đai, nhưng hệ thống văn bản còn thiếu nhiều, từ bước lập các dự án, thực hiện, kiểm tra nghiệm thu, quy chuẩn kỹ thuật, giao nộp sản phẩm, định mức kinh tế kỹ thuật... Do đó, để thúc đẩy công tác ứng dụng Công nghệ thông tin trong ngành tài nguyên và môi trường, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Quyết định số 1888/QĐ-BTNMT ngày 29/9/2008 về việc thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Chiến lược ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin tài nguyên và môi trường đến năm 2015, định hướng đến năm 2020.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định 102/2008/NĐ-CP về việc thu thập, quản lý, khai thác và sử dụng dữ liệu về tài nguyên và môi trường, trong đó quy định chi tiết danh mục dữ liệu của lĩnh vực quản lý đất đai và xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường các cấp, các ngành. Đồng thời, Bộ đã ban hành Thông tư 7/2009/TT-BTNMT ngày 10/7/2009 quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 102/2008/NĐ-CP, trong đó quy định chi tiết hơn về chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị thu thập, quản lý và cung cấp dữ liệu.
Triển khai cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Trưởng ban Hành chính điện tử, Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ), nhiệm vụ chủ yếu của ngành quản lý đất đai giai đoạn 2018 - 2020 là tiếp tục triển khai cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia trên nền tảng xây dựng cơ sở dữ liệu cấp tỉnh và cấp Trung ương; kết nối, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu các bộ, ngành, kết nối cổng dịch vụ công quốc gia, hệ thống thực định danh điện tử. Theo đó, giai đoạn 2019 - 2020, tập trung hoàn thiện cơ sở dữ liệu về tài nguyên và môi trường, xây dựng cơ sở dữ liệu không gian địa lý quốc gia cung cấp hạ tầng dữ liệu thiết yếu cho vận hành, phát triển Chính phủ điện tử, các dịch vụ công trực tuyến, phát triển đô thị thông minh.
Theo ông Trần Kiêm Dũng, Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế, Cục Công nghệ thông tin, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cần xây dựng thể chế và chính sách chia thành các nhóm giải pháp về tiêu chuẩn, quy trình, quy định kỹ thuật, cơ cấu tổ chức; nhóm quy định về chính sách cập nhật, chia sẻ và sử dụng thông tin đất đai; nhóm quy định về tính pháp lý của cơ sở dữ liệu về đất đai và hiện đại hóa các thủ tục hành chính; nhóm các chính sách tăng cường năng lực cho các cơ quan xây dựng và cập nhật cơ sở dữ liệu đất đai.
Các giải pháp về tiêu chuẩn, quy trình, quy định kỹ thuật cần xây dựng mô hình quản lý dữ liệu đất đai các cấp, kiến trúc về hệ thống thông tin đất đai theo mô hình phân cấp quản lý phù hợp đặc thù tại Việt Nam, chuẩn dữ liệu địa chính quản lý tại cấp Trung ương và địa phương, chế độ thông tin báo cáo, đồng bộ và trao đổi dữ liệu giữa các cơ sở dữ liệu đất đai từ cấp huyện, tỉnh đến cấp Trung ương. Các chính sách cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Tổng cục Quản lý đất đai và Cục Công nghệ thông tin theo hướng chung của Bộ.
Ngoài ra, các quy định về cơ cấu tổ chức của các đơn vị có trách nhiệm xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai các cấp cần phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn của các đơn vị như Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, Trung tâm phát triển quỹ đất, Trung tâm kỹ thuật, Trung tâm Công nghệ thông tin trong việc xây dựng và bảo trì cơ sở dữ liệu về đất đai. Đồng thời, cần có các quy định về biên chế, yêu cầu về năng lực đối với lãnh đạo các đơn vị về ứng dụng công nghệ thông tin, chính sách thu hút nguồn nhân lực để vận hành và bảo trì hệ thống.
Bên cạnh đó, các quy định về tính pháp lý của cơ sở dữ liệu đất đai cần được xây dựng nhằm khắc phục tình trạng xây dựng mang tính tham khảo, không có giá trị pháp lý trong các giao dịch dân sự và quản lý Nhà nước dẫn tới các cơ sở dữ liệu đất đai hiện tại ở các địa phương chỉ để in báo cáo, sổ sách và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hơn nữa, cần gắn liền quá trình đo vẽ, đăng ký ban đầu và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với việc xây dựng và chỉnh lý biến động đất đai vào cơ sở dữ liệu.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý Đất đai Mai Văn Phấn cho biết: Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng và thực hiện dự án “Xây dựng và thử nghiệm Chuẩn dữ liệu địa chính ở Việt Nam” nhằm xây dựng, ban hành và áp dụng một chuẩn dữ liệu địa chính chung cho Việt Nam.
Chuẩn dữ liệu địa chính Việt Nam được áp dụng trực tiếp để xây dựng các cơ sở dữ liệu địa chính phục vụ nhu cầu quản lý đất đai; trao đổi dữ liệu địa chính giữa các cấp; cung cấp dữ liệu địa chính cho các ngành có nhu cầu và cộng đồng. Phương pháp tiếp cận dự án là xây dựng Chuẩn dữ liệu địa chính Việt Nam trên cơ sở hướng dẫn của Chuẩn thông tin địa lý cơ sở quốc gia do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành và bộ chuẩn thông tin địa lý quốc tế ISO 19100. Theo đó, Chuẩn dữ liệu địa chính bao gồm: Nội dung dữ liệu địa chính, mô hình cấu trúc dữ liệu địa chính, hệ quy chiếu tọa độ dữ liệu địa chính, siêu dữ liệu áp dụng cho dữ liệu địa chính, yêu cầu về chất lượng dữ liệu địa chính, trình bày dữ liệu địa chính và trao đổi, phân phối dữ liệu địa chính.
Bài 2: Cần công khai, minh bạch thông tin để thu hút đầu tư
Diệu Thúy (TTXVN)
Theo cafeland.vn