Trước hạn di dời, doanh nghiệp thuê đất vi phạm đòi bồi thường tiền tỷ
Sau khi cưỡng chế các vi phạm sử dụng đất sai mục đích tại mương Nghĩa Đô (Cầu Giấy), tới đây mương Phan Kế Bính cũng sẽ được giải tỏa. Doanh nghiệp (DN) thuê đất kinh doanh tại đây bất ngờ lên tiếng, yêu cầu được bồi thường hàng chục tỷ đồng thiệt hại.
Sau khi các sai phạm tại dự án cống hóa mương Nghĩa Đô trên đường Nguyễn Khánh Toàn (quận Cầu Giấy) được xử lý. UBND phường Cống Vị (quận Ba Đình) đã ra "tối hậu thư" cho các cơ sở kinh doanh vi phạm tại dự án cống hóa mương Phan Kế Bính. Cụ thể, UBND phường Cống Vị đã thông báo yêu cầu các đơn vị kinh doanh không đúng mục đích sử dụng đất chấm dứt hoạt động trông giữ xe và nhà hàng tại đây trước ngày 10/6.
Chỉ còn 1 ngày nữa tới hạn di dời, thì bất ngờ một số DN đang thuê lại mặt bằng tại đây lên tiếng cho rằng, UBND phường ra văn bản yêu cầu dừng kinh doanh trong vòng chưa đầy 10 ngày là không hợp lý, bởi đơn vị này không có điều kiện chuẩn bị cho việc di dời.
Theo chủ sở hữu của nhà hàng Hải sản phố (mương Phan Kế Bính) đến thời điểm này vẫn chưa được dự cuộc họp nào, thậm chí chưa có 1 văn bản nào liên quan đến sự việc đến khi nhận được thông báo của UBND phường Cống Vị. Đơn vị này cũng cho rằng, tại thời điểm năm 2015 khi ký hợp đồng với Cty Đa Quốc Gia (chủ đầu tư mương Phan Kế Bính) đều theo đúng quy định của pháp luật, không có văn bản nào ngăn chặn hoặc khuyến cáo về việc này. DN được Sở Kế hoạch – Đầu tư TP Hà Nội cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh tại địa chỉ trên. Do đó, đơn vị đã đầu tư 40 tỷ đồng đầu tư ban đầu cho nhà hàng. Nếu phải di dời, số tiền trên mất trắng, hơn 200 nhân viên mất việc làm.
Tại dự án cống hóa mương Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy) nhiều DN cũng đang gặp vướng mắc tương tự. Một DN đang kinh doanh tại Lô 678, ô số 3 của dự án cho biết, khi ký hợp đồng 7 năm (từ 2015) DN có lên Sở Kế hoạch – Đầu tư xin cấp phép kinh doanh nhà hàng thì được chấp thuận. Do đó, DN đã đầu tư gần 8 tỷ đồng, cùng gần 100 triệu thuê nhà/năm vào đây.
Luật sư Nguyễn Hồng Hà, đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho rằng, hiện nay các doanh nghiệp thuê lại đất kênh mương đang gặp 2 vấn đề về pháp lý, giữa chủ đầu tư dự án và với cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên, với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và hợp đồng thuê đất đã bị vô hiệu thì đây chỉ là vấn đề dân sự.
Cụ thể, sổ đỏ được Sở TN&MT Hà Nội cấp cho Cty CP Đa quốc gia gia với diện tích 6.078 m2, thời hạn sử dụng 20 năm làm bãi để xe ô tô, dịch vụ, nhà rửa xe và công trình phụ trợ. Tuy nhiên, sau đó Cty CP Đa quốc gia đã ký hợp đồng cho thuê đất với hàng loạt đơn vị khác, trong đó có nhiều diện tích sử dụng sai mục đích so với quyết định phê duyệt. Nếu làm sai mục đích, thì cơ quan quan lý có quyền thu hồi sổ đỏ và hủy bỏ hợp đồng thuê đất đã ký theo Điều 38 Luật Đất đai.
Như vậy, có thể xác định hợp đồng thuê đất để kinh doanh giữa các nhà hàng, quán ăn với Chủ đầu tư cống hóa kênh mương là vô hiệu. Xử lý theo luật dân sự, nhà hàng thu hồi cơ sở vật chất đã đầu tư, Chủ đầu tư cống hóa trả lại toàn bộ tiền thuê cho các cơ sở kinh doanh.
Hiểu Minh (Tiền Phong)
Theo cafeland.vn