Tranh chấp chung cư: Nhiều dự án bị “bêu tên” nhiều lần trong báo cáo của Bộ Xây dựng
- Một số dự án được “gọi tên” nhiều lần liên quan đến tranh chấp, khiếu nại giữa cư dân và chủ đầu tư, điển hình như Goldmark City, Hateco Hoàng Mai, Star City 81 Lê Văn Lương, Hồ Gươm Plaza, CC The Morning Star…
Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, Bộ Xây dựng cho biết, qua tổng hợp báo cáo của 43 địa phương và số lượng đơn thư gửi về Bộ này cho thấy có 215 dự án có khiếu nại, tranh chấp, trong đó có 108 dự án xảy ra tranh chấp giữa chủ đầu tư với cư dân hoặc giữa các chủ thể liên quan trong phạm vi dự án, còn lại 107 dự án có khiếu nại, tranh chấp không thuộc phạm vi báo cáo.
Trong đó, theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tranh chấp về phần diện tích sở hữu chung, sở hữu riêng: nhà để xe, phòng sinh hoạt cộng đồng, các diện tích kinh doanh cho thuê…là một trong những tranh chấp gay gắt trong thời gian qua với 40/108 dự án (chiếm khoảng 37%) như tại Hà Nội có CC 229 Phố Vọng, Cụm CC N05 Trung Hòa, Hồ Gươm Plaza, Hemisco…; Tại TP. HCM có CC 12 Võ Văn Kiệt, CC Docklands 99 Nguyễn Thị Thập, Cao ốc căn hộ và VP Thanh Yến, CC Tân Tạo 1,…
7/108 dự án (chiếm khoảng 7%) có tranh chấp liên quan đến cách tính diện tích căn hộ như cách tính ban công, logia, diện tích tim tường, thông thủy… như CC Helios, DA Tháp Thủ đô Xanh, CC The Morning Star...
Đối với tranh chấp liên quan đến kinh phí bảo trì phần sở hữu chung, trong đó chủ đầu tư không bàn giao, chậm bàn giao hoặc chỉ bàn giao một phần kinh phí bảo trì cho Ban quản trị có 39/108 dự án (chiếm khoảng 36%) như CC Hateco Hoàng Mai, Star City 81 Lê Văn Lương, 310 Minh Khai, Hồ Gươm Plaza, DA Hoàng Anh River View, CC Khánh Hội 2, New Sài Gòn…
Chủ đầu tư không nộp kinh phí bảo trì đối với phần diện tích thuộc sở hữu riêng có 3 dự án (chiếm khoảng 3%); Chủ đầu tư chiếm dụng kinh phí bảo trì để sử dụng vào mục đích khác có 4 dự án (chiếm khoảng 4%); Chủ đầu tư không công khai, minh bạch trong việc sử dụng kinh phí bảo trì cho tòa nhà (1/108 dự án); Các bên không thống nhất được số liệu quyết toán để xác định kinh phí bảo trì mà Chủ đầu tư phải bàn giao cho Ban quản trị (6/108 dự án, khoảng 6%).
Dự án Goldmark City 136 Hồ Tùng Maauk (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) do TNR Holdings Việt Nam quản lý và phát triển bị nhắc tên nhiều lần trong các nội dung tranh chấp, khiếu nại giữa cư dân và chủ đầu tư. Ảnh: Tâm An
Các tranh chấp liên quan đến kinh phí quản lý, vận hành trong đó, chủ đầu tư không đóng phí quản lý vận hành nhà chung cư đối với phần diện tích thuộc sở hữu riêng của mình hoặc phần diện tích căn hộ chưa bán có 2/108 dự án (khoảng 2%); Áp dụng mức kinh phí quản lý vận hành không đúng quy định có 5/108 dự án (khoảng 5%); Sử dụng kinh phí quản lý vận hành không đúng mục đích có 1dự án; Không công khai thu chi tài chính trong giai đoạn chưa bàn giao quản lý, vận hành cho Ban quản trị có 4/108 dự án (khoảng 4%).
Đối với tranh chấp liên quan đến chất lượng công trình, trong đó chủ đầu tư chưa nghiệm thu hoàn thành công trình, chưa nghiệm thu hệ thống PCCC đã bàn giao cho khách hàng đưa vào sử dụng có 13/108 dự án (chiếm khoảng 12%) như Goldmark City, Hateco Hoàng Mai, Star City 81 Lê Văn Lương…
9/108 dự án chủ đầu tư vi phạm trong quá trình đầu tư xây dựng như: tự ý thay đổi công năng của công trình, xây dựng cơi nới thêm diện tích ở các tầng mái và kỹ thuật, xây dựng công trình không đúng với quy hoạch được phê duyệt, giấy phép xây dựng được cấp như Goldmark City, CC 283 Khương Trung, CC The Morning Star...
Đáng chú ý, có 11/108 dự án có tranh chấp về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở do chủ đầu tư chậm làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người mua căn hộ.
Qua báo cáo của Bộ Xây dựng, có thể thấy, một số dự án chung cư bị “bêu tên” nhiều lần trong các tranh chấp, đơn cử như Goldmark City, Hateco Hoàng Mai, Star City 81 Lê Văn Lương, CC The Morning Star...
Ngoài những tranh chấp nêu trên, báo cáo của Bộ Xây dựng còn chỉ ra các tranh chấp khác liên quan đến trách nhiệm, nghĩa vụ của các chủ thể liên quan trong giai đoạn quản lý, vận hành nhà chung cư, như chủ đầu tư không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo quy định (không bàn giao phần diện tích sở hữu chung, hồ sơ nhà chung cư cho Ban quản trị theo quy định; không mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc theo quy định của pháp luật phòng cháy, chữa cháy và pháp luật về kinh doanh bảo hiểm…);
Ban quản trị không đủ năng lực hoạt động, không thực hiện các nhiệm vụ được giao theo quy định, có dấu hiệu không minh bạch, vụ lợi trong việc thu chi tài chính.
Đơn vị quản lý vận hành không có chức năng, không đủ điều kiện để quản lý, vận hành chung cư theo quy định, không thực hiện đúng các cam kết theo Hợp đồng dịch vụ đã ký, không công khai tài chính theo quy định…
Tâm An
Theo cafeland.vn