Tranh chấp chung cư lan rộng: Hàng loạt quận lờ trách nhiệm
“Tôi gọi điện cho 6 quận, không ông chủ tịch, bí thư quận nào gửi cho tôi một tờ kiến nghị. Tôi chỉ mong nhận được kiến nghị để xây dựng dự thảo chuyển thành phố quyết định cưỡng chế thẳng vào tài khoản của nhà đầu tư thì họ mới sợ. Nhưng cho đến hôm nay không có cái nào cả”, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục phát biểu tại cuộc họp với Đoàn giám sát của HĐND thành phố Hà Nội chiều ngày 12/4.
Cư dân phản đối chủ đầu tư Vietradico về tranh chấp chung cư. Ảnh: Anh Tuấn.
Báo cáo có 47, thực tế 105 công trình xảy ra tranh chấp
Chiều 12/4, Đoàn giám sát Ban Đô thị HĐND thành phố Hà Nội làm việc với Sở Xây dựng Hà Nội quanh việc quản lý chung cư trên địa bàn. Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Nguyên Quân đặt vấn đề, đoàn giám sát phát hiện nhiều tồn tại, hạn chế, bất cập từ cơ chế chính sách, việc thực hiện các quy định pháp luật về quản lý chung cư. Ông Quân nhấn mạnh số liệu báo cáo giữa quận huyện và sở ngành không thống nhất, có độ vênh lớn và thường xuyên thay đổi. Đơn cử, trước đây Sở Xây dựng báo cáo có 47 công trình, nhưng sau khi rà soát có tới 105 công trình xảy ra tranh chấp khiếu nại giữa ban quản trị với chủ đầu tư. “Trách nhiệm giải quyết tranh chấp như thế nào? Theo quy định, nếu không thống nhất được thì các cơ quan thành phố vào cuộc ra sao?”, ông Quân nêu.
Ông Quân cũng cho biết, trên địa bàn thành phố còn 270 tòa chung cư thương mại hoàn thành đưa vào sử dụng nhiều năm nay, đã lấp đầy dân cư nhưng chưa thành lập được ban quản trị, chưa bàn giao được quỹ bảo trì, chưa phân định được diện tích chung riêng, chưa bàn giao được hồ sơ. “Vấn đề này nảy sinh từ nhiều năm nay. Tại sao làm chưa được, chưa hiệu quả như chỉ đạo của thành phố?”, ông Quân nêu. Ông Quân cũng chỉ rõ, còn 109 tòa chưa bàn giao diện tích sinh hoạt cộng đồng và 158 tòa chưa bàn giao kinh phí bảo trì. Vấn đề này có trách nhiệm của chủ đầu tư, của các cơ quan quản lý nhà nước, từ cấp phường, quận, đến Sở Xây dựng. Ông Quân cũng nêu vấn đề PCCC. Cụ thể, theo báo cáo của cảnh sát PCCC, có 233 tòa chung cư thương mại đến nay vẫn chưa đảm bảo các điều kiện về PCCC trong đó 70 chung cư chưa được nghiệm thu PCCC mà người dân vẫn đến ở. “Chỗ này ngoài trách nhiệm của chủ đầu tư thì trách nhiệm của phường, quận và các cơ quan thành phố thế nào?”, ông Quân tiếp tục đặt câu hỏi.
Vì sao chậm cưỡng chế chủ đầu tư?
Ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng Ban Pháp chế HĐND thành phố cho biết, vấn đề quản lý, vận hành chung cư đang rất nóng. “Hàng ngày tôi nhận hàng tập thư từ các tòa nhà chung cư để khiếu kiện, kiến nghị. Gần đây nhất, tôi nhận đơn của chung cư CT5AB Văn Khê”, ông Nam nói. Theo ông Nam, hiện nay có 3 vấn đề cần giải quyết. Thứ nhất là mâu thuẫn giữa người dân với ban quản trị. Thứ hai là giữa người dân với chủ đầu tư. Chủ đầu tư bán nhà xong là sổ toẹt trách nhiệm. “Hợp đồng khi rao bán rất hay, ký kết rất rõ, nhưng bán xong là xong. Còn lại toàn bộ bảo trì, vận hành hệ thống, hướng dẫn vận hành là “em không biết”. Trách nhiệm bảo trì không có. Mà đây là vấn đề rất bức xúc. Nhà nước phải vào cuộc, cần nữa thì tòa án phải vào cuộc để giải quyết tranh chấp”, ông Nam nói. Một mâu thuẫn nữa, theo ông Nam là giữa người dân với ban quản lý vận hành do chủ đầu tư “đẻ ra”. “Các mâu thuẫn, các bất cập đó tôi không thấy vai trò, trách nhiệm nhà nước ở đâu. Trách nhiệm của quận huyện thế nào, thành phố ở đâu, sở ngành ở đâu?”, ông Nam nêu câu hỏi.
Theo ông Nam, quy định trong Nghị định 99 nói rất rõ, nếu không bàn giao quỹ bảo trì thì trách nhiệm thuộc về UBND cấp tỉnh, thành phố phải cưỡng chế. “Đừng nói là do chưa quyết toán. Nghị định đã lường trước vấn đề này rồi. Cưỡng chế 70% quỹ bảo trì nằm trong hợp đồng mua bán để trả về cho ban quản trị. Còn lại sau quyết toán tính sau”, ông Nam nói. Ông Nam nhắc, các quận huyện đề xuất lên rồi, ngay như cư dân chung cư CT5AB gửi cả Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Quốc hội, quận cũng đã kiến nghị từ 2017 đến giờ mà vẫn không được trả lời. “Trách nhiệm cưỡng chế, quy trình cưỡng chế. Sở phải nghiên cứu đối với các chủ đầu tư không chịu nộp quỹ bảo trì thì phải cưỡng chế thế nào”, ông Nam nói.
Ông Nam cũng kiến nghị Sở Xây dựng nên chăng có hướng dẫn, tư vấn cho dân các tòa chung cư lựa chọn những đơn vị đủ năng lực để đấu thầu vận hành, khai thác tòa nhà. “Thành phố phải cấp phép cho các đơn vị này như cấp phép xây dựng. Như thế họ mới đủ năng lực để ký hợp đồng. Chứ không cầm một đống tiền nhưng cháy nhà không biết đường nào chữa, thang máy hỏng không biết làm sao”, ông Nam nói. Ông Nam cũng đề nghị làm rõ trách nhiệm của quận, huyện trong việc không thành lập được các ban quản trị tòa nhà, khi có mâu thuẫn giữa ban quản trị tòa nhà với cư dân thì phải đứng ra làm “trọng tài”. “Cái gì vượt quá thẩm quyền thì báo cáo cấp thành phố, cái gì vượt quá thành phố thì kiến nghị Bộ Xây dựng. Xảy ra sập nhà, cháy nhà, chết người, thang máy tụt, rơi thì trách nhiệm trước mắt là thành phố. Trách nhiệm rất nặng nề”, ông Nam nói thêm.
Sở sốt sắng, quận lặng thinh
Giải trình một số vấn đề, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Chí Dũng cho biết, đã có cưỡng chế một số công trình để lấy quỹ bảo trì. Riêng công trình CT5AB sẽ có văn bản riêng gửi ông Nguyễn Hoài Nam. Theo ông Dũng, trình tự cưỡng chế cũng có rồi. Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố Nguyễn Nguyên Quân đề nghị làm rõ việc để quá nhiều chung cư phải cưỡng chế thế thuộc trách nhiệm của ai. Ông Dũng cho biết, theo quy định, quận huyện phải đề nghị lên Sở. “Trách nhiệm từ chính quyền địa phương đi kiểm tra, xử phạt xong đề xuất lên Sở để báo cáo thành phố”, ông Dũng nói. Còn khúc mắc về vấn đề này, ông Nguyễn Hoài Nam mang văn bản kiến nghị của chung cư CT5AB sang gửi Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục, cho rằng, quận Hà Đông đã có công văn lần 2 đề nghị lên thành phố...
Giải trình thêm, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục thừa nhận, các vấn đề các thành viên đoàn giám sát nêu đều rất đúng. Ông Dục cho biết sẽ tiếp thu các ý kiến và chỉnh sửa báo cáo. Về các mâu thuẫn trong quản lý vận hành chung cư, ông Dục cho biết, có rất nhiều vòng, rất nhiều đơn, ai đọc cũng bức xúc. Bản chất mâu thuẫn là “một ông giữ tiền không chịu bàn giao, sợ bàn giao xong thì ông kia chạy mất”. “Tình hình cứ giằng co nhau. Chúng tôi đã gọi điện cho lãnh đạo một số quận, bảo là anh kiến nghị hộ tôi cái, để Sở Xây dựng ra dự thảo cưỡng chế. Tôi gọi điện cho 6 quận, không chủ tịch, bí thư quận nào gửi cho tôi một tờ kiến nghị. Tôi chỉ mong nhận được để xây dựng dự thảo chuyển thành phố quyết định cưỡng chế thẳng vào tài khoản của nhà đầu tư thì họ mới sợ”, ông Dục nói. “Một ông gửi đi rất nhiều cơ quan, nhưng không ai giải quyết. Mà quy trình thì ông Chủ tịch UBND quận phải kêu trước để Sở Xây dựng tham mưu. Mỏi mắt hết rồi mà không thấy các anh ấy trình nhưng kêu rất to. Nhanh chóng đổ cho người khác. Họ lại bảo do ban quản trị không chuyên nghiệp nên không trình được”, ông Dục nói thêm.
Theo đến cùng vấn đề về quản lý chung cư Phó Chủ tịch thường trực HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, nội dung giám sát chung cư sẽ được báo cáo Thường trực Thành ủy, báo cáo Bí thư Thành ủy, và tiến tới có thể ra một chỉ thị về vấn đề này. “Tôi cũng đã thống nhất với Chủ tịch HĐND thành phố, sau cuộc giám sát này sẽ làm một buổi tiếp xúc cử tri chuyên đề của Thường trực HĐND về nội dung quản lý chung cư. Sang năm, nội dung liên quan đến phiên giải trình cũng liên quan đến quản lý chung cư. HĐND sẽ theo đến cùng vấn đề này, vì sự phát triển của thành phố và vì sự an toàn của nhân dân và cử tri. Chủ tịch HĐND thống nhất rất cao. Lãnh đạo thành phố rất quan tâm đến vấn đề này”, ông Tuấn khẳng định. |
Trường Phong (Tiền Phong)
Theo cafeland.vn