TP.HCM “trảm” 180 dự án treo, người dân sẽ thoát khổ?
– Những dự án đưa vào quy hoạch sử dụng 3 năm nhưng không triển khai sẽ bị xem xét, thu hồi để bảo vệ quyền lợi cho người dân.
Dự án Khu tam giác Trần Hưng Đạo - Nguyễn Thái Học - Phạm Ngũ Lão có diện tích 1,22 ha tại phường Phạm Ngũ Lão, quận 1 sẽ bi xem xét thu hồi.
Điểm mặt 180 dự án
Trong cuộc họp báo ngày 18/12, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, cho biết sở này đã phối hợp với các quận, huyện rà soát 2.822 dự án và xác định có 180 dự án không thực hiện nên phải đưa vào danh sách bị thu hồi.
Cụ thể, đối với 100 dự án đã được UBND TP.HCM phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hàng năm từ 2015-2018 nhưng đến nay không thực hiện đúng, giao Sở Tài nguyên và Môi trường trình cụ thể, đề xuất hướng giải quyết.
Đối với 80 dự án thuộc diện thu hồi đất đã được HĐND Thành phố thông qua với tổng diện tích 281,79 ha, UBND Thành phố yêu cầu phải rà soát chặt chẽ tính pháp lý, trình HĐND Thành phố điều chỉnh hoặc hủy bỏ theo thẩm quyền.
Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu, trình UBND Thành phố trước kỳ họp gần nhất của HĐND Thành phố, dự kiến diễn ra vào tháng 1/2019.
Trước đó, ngày 3/12, Sở Tài Nguyên Môi trường đã có văn bản báo cáo tình hình thực hiện dự án, đề xuất xử lý các dự án triển khai trên địa bàn thành phố. Theo đó, có tổng cộng là 180 dự án không thực hiện trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm từ năm 2015 đến năm 2018 của các quận, huyện với tổng diện tích gần 813 ha.
Các địa phương có dự án “treo” nhiều nhất là quận 10 (22 dự án), huyện Bình Chánh (17 dự án), quận 9 (15 dự án), quận Thủ Đức (13 dự án), quận 6 (12 dự án).
Trong danh sách 180 dự án được liệt kê có nhiều dự án nằm ở các khu đất đắc địa trung tâm thành phố như dự án 235B Nguyễn Văn Cừ của Tổng Cục Hậu cần Kỹ thuật - Bộ Công an có diện tích 1,5 ha; dự án trung tâm thương mại - mua sắm và cao ốc văn phòng có diện tích 0,98 ha tại số 64 Đồng Khởi phường Bến Nghé, quận 1; văn phòng giao dịch - thương mại Công ty cổ phần đầu tư xây dựng kinh doanh nhà Bến Thành tại số 9 Công trường Lam Sơn, quận 1; dự án Khu tam giác Trần Hưng Đạo - Nguyễn Thái Học - Phạm Ngũ Lão có diện tích 1,22 ha tại phường Phạm Ngũ Lão, quận 1.
Tổng giám đốc một doanh nghiệp bất động sản nhìn nhận, việc hàng loạt dự án chậm tiến độ tại TP.HCM trong thời gian qua xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Có thể do năng lực tài chính của chủ đầu tư không đủ để thực hiện, hoặc chủ đầu tư gặp khó khăn về thủ tục, pháp lý, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng khó khăn. Nhưng cũng sẽ có trường hợp dự án chậm tiến độ do chủ đầu tư cố tình chây ì không triển khai, ôm đất để chờ sang nhượng, bán lại kiếm lời chứ không chủ tâm thực hiện dự án. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp có năng lực lại đang gặp khó khăn để săn tìm quỹ đất, đặc biệt tại vị trí trung tâm thành phố.
Do đó, vị lãnh đạo doanh nghiệp này kiến nghị, trong quá trình rà soát, xem xét thì cơ quan chức năng cần khách quan, tạo điều kiện cho những doanh nghiệp mong muốn làm dự án nhưng gặp khó khăn. Ngược lại với những doanh nghiệp không đủ năng lực, cố tình ôm đất thì kiên quyết thu hồi, tránh tình trạng lãng phí. Đồng thời trả lại quyền lợi chính đáng cho các hộ dân bị ảnh hưởng từ những dự án này suốt những năm qua.
Bao giờ đến lượt những dự án khủng?
Việc UBND TP.HCM quyết liệt thu hồi các dự án treo sẽ mang lại niềm vui cho hàng ngàn hộ dân trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, số lượng dự án bị cho vào danh sách “đen” mới đây chỉ là một phần nhỏ so với con số dự án treo thực tế đang có. Đặc biệt, danh sách này cũng không có tên của hàng loạt dự án “khủng” treo hàng chục năm trời ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng ngàn hộ dân.
Dư án đô thi Bình Quới - Thanh Đa đã treo 26 năm qua
Nổi bật hơn cả là dự án khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa (quận Bình Thạnh) đã “treo” 26 năm qua. Là bán đảo có vị trí đắc địa ngay trung tâm thành phố, từ năm 1992, khu vực Bình Quới – Thanh Đa đã được phê duyệt để làm dự án khu đô thị du lịch, sinh thái tầm cỡ. Tuy nhiên, dự án đến nay vẫn chỉ nằm trên giấy.
Cuối năm 2015, Liên danh Tập đoàn Bitexco và Emaar Properties PJSC (công ty trong lĩnh vực bất động sản ở Dubai) được UBND TPHCM chỉ định là nhà đầu tư dự án Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa.
Theo đó, liên danh sẽ xây dựng khu đô thị mới này theo các tiêu chí đô thị sinh thái hiện đại với hệ thống hạ tầng xã hội-kỹ thuật đô thị được đầu tư xây dựng đồng bộ, nằm trong tổng thể không gian công viên sinh thái, cảnh quan thiên nhiên. Tổng diện tích dự án khoảng 427 ha, gồm toàn bộ phường 28, quận Bình Thạnh, vốn đầu tư trên 30.000 tỉ đồng.
Tuy nhiên, sau đó nhà đầu tư đến từ Dubai bất ngờ tuyên bố rút lui khỏi dự án này. UBND TP.HCM đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chỉ định Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco tiếp tục là nhà đầu tư thực hiện dự án Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa.
Tuy nhiên,tháng 11/2018, UBND TP.HCM lại giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu việc tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án khu đô thị này.
Trong khi các chủ đầu tư lần lượt đến rồi đi, thì khổ nhất chính là hơn 4.000 hộ dân đang sinh sống bên trong dự án này. Hàng chục năm qua, người dân ở đây phải sống trong điều kiện khó khăn, nhà cửa không được xây mới, đất đai không chuyển nhượng, mua bán. Mang tiếng ở giữa trung tâm thành phố nhưng hạ tầng, đường sá khu vực không được đầu tư nên chẳng khác nào nông thôn, người dân cũng chỉ biết trồng rau, lúa, nuôi gà vịt…
Tại huyện Hóc Môn, siêu dự án khu đô thị đại học Quốc tế (VIUT) với tổng vốn đầu tư 3,5 tỉ USD (khoảng 80.500 tỉ đồng) do tập đoàn Berjaya (Malaysia) làm chủ đầu tư. Dự án được cấp phép từ năm 2008, nhưng đến nay vẫn chỉ là những cánh đồng lúa bát ngát. Thời điểm được phê duyệt, dự án này có diện tích lên đến 925 ha tại xã Tân Thới Nhì.
Theo thiết kế, chủ đầu tư sẽ dành trên 100 ha để phát triển thành một trung tâm đào tạo đại học hiện đại bậc nhất Đông Nam Á. Trong đó, ngoài các trường đại học, khu đô thị sẽ cung cấp thêm 20 trường ở các bậc học từ mẫu giáo, tiểu học đến trung học phổ thông.
Phần diện tích còn lại được quy hoạch thành khu phức hợp, bao gồm khu thương mại, khu dân cư, trung tâm hành chính văn hóa, trung tâm y tế quy mô 15 ha phục vụ chữa bệnh và hoạt động chuyên khoa của các trường đại học, câu lạc bộ thể dục thể thao và giải trí, khu công viên cây xanh…
Với những viễn cảnh được vẽ lên như vậy, dự án này được kỳ vọng sẽ trở thành trung tâm đào tạo đại học hiện đại bậc nhất của cả nước. Thế nhưng, sau gần 10 năm, dự án vẫn chỉ là bãi cỏ hoang và từng bị UBND TP.HCM yêu cầu thu hồi.
Một dự án khủng “treo” lâu năm khác là dự án công viên Sài Gòn Safari (Thảo Cầm viên mới) nằm trên địa bàn 2 xã An Nhơn Tây và Phú Mỹ Hưng thuộc huyện Củ Chi. Dự án có diện tích hơn 485 ha, được cấp phép từ năm 2004 do Công ty TNHH MTV Thảo Cầm Viên Sài Gòn làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, sau hơn 13 năm phê duyệt, công viên này vẫn chưa thể thành hình, đất đai hoang hóa, trong khi người dân không có đất để canh tác.
“Chúng tôi mong muốn nhà đâu tư nếu còn thực hiện dự án thì làm nhanh, đền bù xứng đáng để người dân ổn định cuộc sống mới. Còn nếu không đầu tư thì phải trả lại đất cho dân canh tác, tránh lãng phí”, một người dân trong vùng dự án treo kiến nghị.
Trần Phong
Theo cafeland.vn