TP.HCM đề nghị công an xử lý tình trạng mua bán đất bất hợp pháp
Thời gian qua có nhiều đối tượng “tiếp tay” để tăng giá đất ảo bằng nhiều hình thức tác động; trong đó, có việc đưa ra những thông tin sai lệch.
Nhiều thông tin sai lệch được đưa ra gây nên tình trạng sốt đất ảo. Ảnh minh họa: TTXVN
Ngày 10/4, tại cuộc họp về tình hình thực hiện Quyết định 60/2017/QĐ-UBND (gọi tắt là Quyết định 60) ngày 5/12/2017 của UBND Tp. Hồ Chí Minh quy định diện tích tối thiểu được tách thửa, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh cho biết, thời gian qua có nhiều đối tượng “tiếp tay” để tăng giá đất ảo bằng nhiều hình thức tác động; trong đó, có việc đưa ra những thông tin sai lệch. Vì thế, các quận huyện phải đẩy mạnh tuyên truyền, nhắc nhở để người dân không bị kẻ xấu lợi dụng; đặc biệt, Chủ tịch UBND các quận, huyện phải là người quyết định việc tách thửa và chịu trách nhiệm trước UBND thành phố về quyết định của mình.
Phó Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến cũng cho rằng, khi người dân muốn mua bán đất hầu như phải liên hệ với chính quyền để xác minh thông tin quy hoạch, tình trạng tranh chấp. Nếu cán bộ chính quyền thông tin chính xác tình trạng đất thì không sao nhưng nếu có lợi ích cá nhân thì sẽ tạo ra thông tin sai lệch.
Đây là một trong nhiều nguyên nhân khiến người dân đổ xô đi mua, làm tăng giá đất ảo. Hậu quả cuối cùng vẫn là người dân phải gánh chịu, trong khi đối tượng đầu cơ, cò mồi không hề bị thua thiệt.
“Hiện, có một số khu vực đất đai đã được Nhà nước thu hồi, nhiều đối tượng vẫn cầm giấy photo để thực hiện mua bán, giao dịch nhưng chính quyền chưa kiểm soát được. Tình trạng mua bán đất bất hợp pháp này dễ dẫn đến khiếu nại, tập trung đông người. Vì vậy, Công an thành phố và các ngành chức năng phải tăng cường quản lý, xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng giấy tờ nhà đất photo của người dân nhưng không hoàn trả, sử dụng vào mục đích buôn bán bất hợp pháp”, ông Trần Vĩnh Tuyến nhấn mạnh.
Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Tp. Hồ Chí Minh cho biết, kể từ khi Quyết định 60 có hiệu lực, đến nay, chỉ có 6/24 quận, huyện có kế hoạch thực hiện cụ thể gồm các quận 1, 6, Thủ Đức, Bình Tân, Bình Chánh và huyện Cần Giờ. Có 2 quận ban hành tổ liên ngành để giải quyết gồm quận 2, Bình Tân; có 3 đơn vị có văn bản triển khai gồm quận Bình Tân, Tân Phú và huyện Hóc Môn.
Đáng lưu ý, trong khi Sở Quy hoạch và Kiến trúc, Sở Xây dựng có văn bản hướng dẫn Quyết định 60 thì Sở Tư pháp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương, Tổng Công ty Điện lực thành phố, Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn TNHH MTV, Công ty TNNN MTV thoát nước đô thị lại chưa ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện.
Qua tổng hợp báo cáo của các quận huyện thấy xuất hiện nhiều vướng mắc. Đơn cử, huyện Cần Giờ kiến nghị cần có hướng dẫn cụ thể để tách thửa đất nông nghiệp, quận 9 đề nghị có hướng dẫn tách thửa đối với trường hợp đã được phê duyệt hạ tầng kỹ thuật và nghiệm thu công trình, kiến nghị hướng dẫn đối với trường hợp tách thửa đối với đất hỗn hợp. Trong khi đó, một số huyện như: Hóc Môn, Nhà Bè, Củ Chi kiến nghị về quy chế, cơ chế phối hợp để tách thửa, xác định tiêu chí quy hoạch, mật độ dân số, hạ tầng kỹ thuật để xem xét việc tách thửa...
“Những nội dung kiến nghị này đã được Sở Tài nguyên và Môi trường tập hợp và có hướng dẫn thực hiện tuy nhiên diễn ra chậm. Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường xin nhận trách nhiệm và sẽ phấn đấu hoàn thành trong tuần này”, ông Nguyễn Toàn Thắng nói.
Để thực hiện sớm, đồng bộ và thực hiện đúng Quyết định 60, giải quyết nhu cầu chính đáng của người dân, tránh tình trạng đầu cơ, thổi giá đất ảo, Sở Tài nguyên và Môi trường kiến nghị UBND các quận huyện ban hành kế hoạch cụ thể thực hiện Quyết định 60, thành lập Tổ công tác liên ngành giải quyết tách thửa; phối hợp với Sở Quy hoạch và Kiến trúc xác định và công bố khu vực quy hoạch đất dân cư hiện hữu hoặc dân cư hiện hữu chỉnh trang để làm cơ sở giải quyết tách thửa đất.
Đối với Sở Quy hoạch và Kiến trúc, Sở Tài nguyên và Môi trường kiến nghị thực hiện việc kiểm tra định kỳ các trường hợp tách thửa có hình thành đường giao thông, đảm bảo kết nối đồng bộ và phù hợp quy hoạch. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần công bố công khai và quản lý ranh, vùng sản xuất nông nghiệp, hướng dẫn xác định loại hình sản xuất đất nông nghiệp để UBND quận huyện giải quyết nhu cầu tách thửa của người dân…
Trần Xuân Tình (TTXVN)
Theo cafeland.vn