TP HCM: Tồn tại hàng loạt công trình xây dựng trái phép - “Lỗi tại ai”?
Đa số các trường hợp vi phạm xây dựng được diễn ra từ nhiều năm, song vì sao những công trình này vẫn tồn tại và ngày một bành chướng đang là vấn đề hết sức khó hiểu.
Câu chuyện về việc chính quyền quận Tân Bình, TP HCM, vừa phải thực hiện cưỡng chế 112 căn nhà xây dựng trái phép ở khu vườn rau (phường 6 - Khu đất vườn rau Lộc Hưng, quận Tân Bình, TP HCM), đang trở lên hết sức đau lòng, thiệt hại và ảnh hưởng tới tâm lý của người dân, về thời gian của cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có cả tiền bạc, ít thì cũng mất cả 100 triệu, thậm chí nhiều hơn cũng lên tới cả hàng 100 tỉ đồng theo thông tin mới nhất của UBND TP HCM vừa mới được phát đi.
Chính quyền quận Tân Bình, TP HCM, vừa phải thực hiện cưỡng chế 112 căn nhà xây dựng trái phép ở khu vườn rau (phường 6 - Khu đất vườn rau Lộc Hưng, quận Tân Bình, TP HCM).
Dư luận lại thêm một lần dậy sóng và đặt ra nhiều câu hỏi nghi hoặc về công tác quản lý của chính quyền sở tại, các cơ quan chức năng đang làm gì, ở đâu, và vì sao với một lực lượng được đánh giá là không hề mỏng như: “tổ dân phố, khu phố, xã phường, quản lí đô thị, thanh tra xây dựng, quận huyện…nhưng lại để những công trình xây dựng sai phạm này vẫn tồn tại trong suốt 20 năm qua và bây giờ mới thực hiện cưỡng chế là hết sức khó hiểu.
Và điều đáng nói là sau khi xây dựng những công trình sai phạm này, nhiều người dân đã trao đổi, mua bán, sang tên đổi chủ qua nhiều thế hệ chỉ bằng những tờ giấy viết tay được lập vi bằng thông qua cơ quan thừa phát lại ghi lại quá trình giao dịch (một cơ quan của nhà nước)? Song điều đau đớn và mất mát lớn hơn cả chính là “mất đi lòng tin của quần chúng nhân dân”.
Vì sao công trình tồn tại suốt 20 năm?
Trao đổi với báo chí về sự việc nêu trên, đại diện lãnh đạo UBND quậnTân Bình, cho biết: Các trường hợp vi phạm xây dựng này diễn ra từ nhiều năm, nhiều nhất là trong giai đoạn 2015-2018. Đặc biệt trong năm 2018 đã có 42 trường hợp xây dựng trái phép, nâng tổng số trường hợp xây trái phép trong khu vườn rau thành 112 trường hợp.
Về khu vực vườn rau hiện có 134 hộ đã đăng ký kê khai sử dụng đất nông nghiệp, và thông qua 3 đợt kê khai vào các năm (1991, 1995 và 2005). Sau khi các công trình xây dựng trái phép được sử dụng với mục đích chủ yếu là: nhà ở, nhà trọ, nơi kinh doanh mua bán, tiệm tạp hóa, rửa xe...
Và trước những thực trạng trên UBND quận Tân Bình đã nhiều lần báo cáo với cơ quan chức năng nhưng đến nay mới nhận được chỉ đạo cụ thể - đại diện quận Tân Bình nói.
Cũng theo đại diện quận Tân Bình, qua 2 đợt cưỡng chế ngày 4 và 8/1/2019 mà quận thực hiện cưỡng chế đã được báo cáo, xin chủ trương và được TP chấp thuận. Và mục đích của việc cưỡng chế này là cưỡng chế tháo dỡ những ngôi nhà xây dựng không phép chứ không phải thu hồi đất.
112 công trinh xây dựng trái phép suốt 20 năm mới bị cưỡng chế đang để lại những thông tin trái chiều và bức xúc trong dư luận
Đại diện quận Tân Bình cho biết thêm, trong thời gian gần đây, ngoài việc xây dựng trái phép xảy ra số lượng nhiều, còn xảy ra tình trạng mua bán nhà bằng giấy tay, mua đi bán lại, sang nhượng đất đai trái phép. Mặc dù UBND quận đã công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, nhưng người dân thấy giá đất rẻ, thiếu thông tin nên việc mua bán vẫn xảy ra. Và trước những sự việc đó, UBND quận đã báo cáo nhiều lần với UBND TP, Thành ủy để xin chủ trương giải quyết. Việc cưỡng chế lần này là quyết tâm lập lại kỷ cương về trật tự xây dựng và nhất là không làm phức tạp thêm tình hình khu vực trên.
Dấu hiệu… “nhờn pháp luật”?
Tương tự, các công trình xây dựng không phép xảy ra tại địa chỉ 26/16 Khu phố 4, phường Tăng Nhơn Phú A, quận 9, TP HCM, cũng đang gây bức xúc trong dư luận khi để các công trình sai phạm này tồn tại nhiều năm qua, và cử tri đã nhiều lần phản ánh nhưng chính quyền làm ngơ là vấn đề hết sức khó hiểu.
Theo thông tin phản ánh của người dân thuộc khu phố 4, phường Tăng Nhơn Phú A, quận 9, cho biết: Nguồn gốc đất tại địa chỉ nêu trên thuộc đất của ông Bùi Văn Khuya, (một gia đình có công với cách mạng dùng đất này làm nghĩa địa từ năm 1975 đến nay), tuy nhiên, khu đất này hiện nay đã bị các hộ dân ngang nhiên lấn chiếm và xây dựng công trình không phép để kinh doanh buôn bán từ nhiều năm. Bức xúc về sự việc nêu trên người dân tại địa phương đã phản ánh tới chính quyền các cấp nhưng không hiểu lý do gì những công trình này vẫn hiên ngang tồn tại.
Cũng theo người dân tại địa phương, trong vụ việc này, trách nhiệm lớn nhất thuộc về UBND phường Tăng Nhơn Phú A, thanh tra xây dựng, quản lí đô thị, vì, công trình này nằm ngay trụ sở khu phố 4 và cách UBND phường không xa nhưng chính quyền làm ngơ và không có hướng xử lý để cho những công trình này ngang nhiên tồn tại là điều khó chấp nhận – đại diện người búc xúc.
Theo tìm hiểu thông tin của PV, ngày 18/8/2017, UBND quận 9 ra Quyết định số 228/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính về hoạt động xây dựng đối với công trình nêu trên, xử phạt 6.250.000 đ và buộc phải tháo dỡ công trình sai phạm này (trên thực tế chủ đầu tư công trình này không đóng tiền xử phạt, không tháo dỡ công trình mà còn tiếp tục xây dựng thêm các công trình khác).
Ngày 8/11/2018, UBND quận 9 tiếp tục ra Quyết định số 227/QĐ-XPVPHC, về việc xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 25.000.000đ và buộc phải tháo dỡ công trình (công trình cũ chưa khắc phục và tiếp tục xây dựng công trình mới nhưng không thực hiện quyết định xử phạt và tháo dỡ công trình).
Ngày 11/12/2018, UBND quận 9 ra Quyết định số 137/QĐ-CCXP, về việc cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với công trình nêu trên, tuy nhiên sự việc không có tiến triển gì?
Ngày 02/1/2019, UBND quận 9 tiếp tục ra Quyết định số 03/QĐ-CCXP, về việc cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả, thời gian thực hiện trong vòng 15 ngày kể từ ngày 02/1/2019. Trong thời gian 15 ngày nếu chủ công trình không thực hiện biện pháp tự tháo dỡ công trình sẽ bị cưỡng chế. Tuy nhiên, tính đến nay là 14 ngày kể từ ngày quyết định có hiệu lực nhưng công trình này vẫn hiên ngang đững vững như không có chuyện gì xảy ra.
Công trình xây dựng trái phép trên đất nghĩa địa đã tồn tại nhiều năm, chính quyền địa phương nhiều lần ra quyết định cưỡng chế nhưng vẫn tồn tại
Với thực trạng về các sai phạm công trình xây dựng trái phép trên địa bàn TP HCM, đã tồn tại từ nhiều năm nhưng các cơ quan chức năng không xử lý kịp thời mà tiếp tục để tồn tại đang để lại những hậu quả rất lớn và gây bức xúc trong xã hội là điều khó chấp nhận. Và lỗi này thuộc về ai? Cách xử lý như thế nào để lấy lại được sự đồng thuận trong dư luận, đang rất cần câu trả lời chính xác nhất từ các cấp chính quyền TP HCM.
Theo thông tin mới nhất từ UBND TP HCM về việc hỗ trợ cho 112 dân tại bị cưỡng chế tại quận Tân Bình: Theo đó, về đơn giá đất nông nghiệp, sẽ áp dụng đơn giá 7.055.000 đồng/m2 để tính hỗ trợ đối với các trường hợp sử dụng đất tại khu đất công trình công cộng phường 6, theo ý kiến chấp thuận của UBND TP tại công văn ngày 10-1-2019. Ngoài ra, UBND quận Tân Bình cũng có chính sách hỗ trợ thêm. Cụ thể, đối với các trường hợp đang canh tác hoa màu bị ảnh hưởng bởi quá trình giải tỏa chiếm dụng đất và xây dựng trái phép, không thể tiếp tục trồng rau, UBND quận sẽ hỗ trợ chi phí tương đương doanh thu 3 tháng (có mức 4-6 triệu đồng/tháng). Điều kiện được hỗ trợ là người dân có canh tác thực tế tại khu đất trên đến hết ngày 3-1-2019. Quận cũng hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề, tổ chức đào tạo chuyển đổi ngành nghề theo nhu cầu, nguyện vọng của người dân, kinh phí đào tạo do quận chi trả. UBND quận cũng thống nhất hỗ trợ các trường hợp có hoàn cảnh neo đơn, diện hộ nghèo, đặc biệt khó khăn sẽ được tạo điều kiện vay vốn tại ngân hàng chính sách xã hội nếu có nhu cầu. UBND phường, quận cam kết tạo mọi điều kiện để người dân được chăm lo Tết đầy đủ, đảm bảo các vấn đề an sinh xã hội, thăm viếng khi ốm đau. Đối với các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn về chỗ ở và đủ điều kiện theo quy định, UBND phường, quận sẽ rà soát và đối chiếu các quy định về tiêu chuẩn mua nhà xã hội, từ đó sẽ báo cáo đề xuất UBND TP xem xét giải quyết từng trường hợp cụ thể. |
Hương Giang (Enternews)
Theo cafeland.vn