Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cao nhất khu vực và thế giới
– Năm 2018 Việt Nam đã đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó 3 chỉ tiêu đạt, 9 chỉ tiêu vượt và nhiều chỉ tiêu đạt cao hơn số đã báo cáo Quốc hội.
Đây là báo cáo của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình trước Quốc hội về kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 trong kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 14 khai mạc vào sáng nay (20/5).
Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 7,08% (đã báo cáo trên 6,7%), cao nhất kể từ năm 2008, thuộc nhóm các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới. GDP bình quân đầu người đạt 2.590 USD.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực; chất lượng tăng trưởng được cải thiện; đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đạt 45,2% (bình quân 3 năm 2016 - 2018 là 43,29%, vượt mục tiêu kế hoạch 5 năm đề ra là 30 - 35%); năng suất lao động tăng gần 6%; hiệu suất sử dụng vốn đầu tư tăng (chỉ số ICOR giảm từ 6,42 năm 2016 còn 5,97 năm 2018). Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện đạt 19,1 tỷ USD, tăng 9,1%.
Kim ngạch xuất khẩu tăng 13,2% (đã báo cáo 11,2%), tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 480 tỷ USD và xuất siêu 6,8 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay.
Thu ngân sách nhà nước (NSNN) vượt 8% so với dự toán (đã báo cáo vượt 3%); bội chi ngân sách 3,46% GDP (đã báo cáo 3,67%); nợ công ở mức 58,4% GDP (đã báo cáo 61,4%).
Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm còn 5,35% (đã báo cáo 5,2 - 5,7%); tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 87,7% (đã báo cáo 86,9%). Có 43% số xã và 61 huyện đạt chuẩn nông thôn mới (đã báo cáo 40% số xã và 55 huyện).
Tuy nhiên, báo cáo nhận định, trong thời gian tới, tình hình kinh tế thế giới, khu vực dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; rủi ro và bất ổn gia tăng, nhất là xung đột thương mại, điều chỉnh chính sách giữa các nước lớn và những biến động trên thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế; cạnh tranh ngày càng gay gắt trên nhiều mặt.
Trong khi đó, nền kinh tế nước ta còn những hạn chế, yếu kém; tính độc lập, tự chủ, khả năng chống chịu, tiềm lực và năng lực cạnh tranh chưa cao; thách thức an ninh phi truyền thống từ biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh… gia tăng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân.
Từ đó, Chính phủ đưa ra 7 giải pháp trọng tâm thực hiện trong thời gian tới gồm:
Kiên định mục tiêu củng cố nền tảng vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng; Thực hiện quyết liệt cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh;
Chú trọng phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; Cải cách hành chính, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng, lãng phí; Tăng cường quốc phòng, an ninh; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; Chủ động đẩy mạnh thông tin truyền thông, phối hợp giữa Chính phủ với các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể.
Châu An
Theo cafeland.vn