Thuê đất công giá “bèo”, thu về giá “khủng”!
Hàng loạt công trình nhà kho, nhà hàng, ki ốt xây dựng kiên cố rồi thuê sử dụng lên tới 52,8ha tại dự án khu dịch vụ thể thao cây xanh Hà Đông, Hà Nội.
Hàng loạt nhà hàng mọc lên trên đất được quy hoạch công viên dịch vụ thể thao Hà Đông. Ảnh: C.V
Khảo sát của PV Lao Động ngày 21.5, đất thuê lại 1.000m2 giá đẩy lên hơn 300 - 400 triệu đồng/ 5 năm nhưng số tiền Trung tâm phát triển quỹ đất Hà Đông thu về chỉ vẻn vẹn 2 tỉ/năm.
Điều ngạc nhiên, trao đổi với Lao Động, ông Đinh Công Đạt - GĐ Trung tâm phát triển quỹ đất Hà Đông - cho rằng, việc phân lô cho thuê này được phép và việc cho thuê lại thì đơn vị này không kiểm soát.
Phân lô chia nền cho thuê tràn lan
Ghi nhận của PV Lao Động, từ đường Trần Phú - quốc lộ 6 (Hà Đông, Hà Nội) rẽ vào phố Tô Hiệu đi thẳng chừng khoảng 700m đập vào mắt ngay tại cổng chính là 2 trạm barie và hai gò cao đề tên “Khu dịch vụ - thể thao - cây xanh Hà Đông”.
Phía mặt tiền hướng về phía đường Tô Hiệu của khu vực này là một cổng chào gắn biển “Trung tâm giao thương 365”, ngay cạnh đó là một cửa hàng mang tên vườn bia Obama. Phía bên trong vẫn có nhiều nhân viên, xe cộ đi lại.
Tiếp tục đi sâu vào khuôn viên khu đất rộng hơn 50ha này đang có hàng trăm công trình như sân tập gôn, nhà hàng, chợ tạm, kho xưởng mọc lên san sát nhau… vẫn đang hoạt động. Ngay phía tay phải từ đường Tô Hiệu đi vào, hàng trăm khu nhà hàng, kiốt, đã được phân sẵn lô, nền.
Một số kiốt vẫn đang mở cửa cả ngày lẫn đêm, một số đang được dùng để chứa các loại hàng hóa, vật liệu. Tuy nhiên hoạt động vào ban ngày khá im ắng, nhiều cửa hàng đóng cửa, vắng khách, không có người.
Dọc lối công viên này phía bên tay trái là hàng chục nhà hàng chủ yếu là ẩm thực và bán bia giải khát. Khu đất công viên được “xẻ thịt” thành từng miếng. Có mặt tại đây ghi nhận thực tế cho thấy, bên cạnh Trung tâm Giao thương 365 là hàng loạt các nhà kiên cố, quán bia, lẩu, càphê, gà đã được xây dựng lên trên khu đất rộng hàng chục hécta vẫn đang hoạt động dù không còn rầm rộ như trước đó. Khu này thường chỉ có nhiều khách vào các buổi chiều cuối tuần.
Điển hình phải kể đến hàng loạt chuỗi nhà hàng O.B.M, Ẩm thực R.V - cá giò V.Đ, T.K.D, H.K, gà M.H, bia M.H, … có diện tích hàng trăm mét vuông đang hoạt động. Một số cửa hàng khác đã được phân lô, phân nền nhưng xây dựng còn dang dở, nham nhở, chưa đi vào hoạt động.
Với các kiốt trong chợ đêm, mức giá rơi vào khoảng từ 3-4 triệu đồng/kiốt/tháng có diện tích từ 18-25m2. Các mặt hàng kinh doanh chủ yếu là rau, củ, quả. Cũng theo tiết lộ của một “chủ cửa hàng bia” trong khuôn viên gần khu vực hồ điều hòa có diện tích lên tới 1.000m2 sẵn sàng sang nhượng lại trong thời gian 5 năm, với mức giá khoảng 300 - 400 triệu đồng.
Ngân sách thu về 2 tỉ đồng/năm, tiền chênh ai hưởng lợi?
Năm 2008 do điều chỉnh địa giới hành chính, TP.Hà Nội đã sáp nhập tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh cũng được sáp nhập về Hà Nội. Kể từ đó dự án Khu Công viên TTCX tuy đã được giải phóng mặt bằng nhưng vẫn nằm “đắp chiếu” nhiều năm và trở thành địa điểm lý tưởng cho các đối tượng nghiện hút thường xuyên tụ tập để thực hiện việc hút, chích…
Tháng 2.2015, UBND quận Hà Đông đã có văn bản số 320/UBND - gửi UBND TP.Hà Nội đề xuất phương án quản lý khai thác sử dụng tạm thời đối với diện tích đất đã GPMB (52,8ha - PV) thuộc khu đất quy hoạch xây dựng Khu công viên TTCX quận Hà Đông.
Ngày 8.5.2015, UBND quận Hà Đông đã có báo cáo số 101/BC-UBND gửi UBND TP.Hà Nội và Sở KHĐT Hà Nội, theo đó UBND quận Hà Đông đã điều chỉnh mô hình khai thác tạm Khu công viên trung tâm cây xanh, không có mục đích dịch vụ, thương mại, ẩm thực.
Tại báo cáo số 458/BC-KHĐT ngày 22.5.2015 của Sở KHĐT thể hiện rõ, liên ngành đã thống nhất nội dung như sau: Về cơ bản liên ngành chấp thuận đề xuất của UBND quận Hà Đông với nội dung chủ yếu là phục vụ thể dục thể thao và bãi xe, không khai thác dịch vụ kinh doanh…
Ngày 22.5.2015 UBND TP.Hà Nội có văn bản số 3461/UBND - KHĐT chấp thuận cho UBND quận Hà Đông tổ chức quản lý sử dụng tạm khai thác chống lấn chiếm đối với diện tích đã giải phóng mặt bằng thuộc khu đất quy hoạch xây dựng Khu công viên cây xanh quận Hà Đông.
Ngay sau đó, UBND quận Hà Đông đã giao cho Chi nhánh phát triển quỹ đất thực hiện quản lý và thu tiền từ việc cho thuê đất tại khu đất đã giải phóng mặt bằng thực hiện dự án Khu công viên trung tâm cây xanh quận Hà Đông. Trong văn bản đề xuất để xin phép thành phố cho phép tạm khai thác khu đất 52,8ha. Tuy nhiên, sau 2 năm khai thác tạm, các đơn vị đã cố tình xây dựng các công trình kiên cố như nói ở trên.
Trao đổi với PV Lao Động, ông Đinh Công Đạt - GĐ Trung tâm phát triển quỹ đất Hà Đông - cho rằng, việc khai thác tạm này theo văn bản 3461 của UBND TP chưa xác định cụ thể về mặt thời gian, khi nào TP có chủ trương đầu tư thì sẽ tháo dỡ.
Ông Đạt cho rằng, chính việc được phép khai thác, nên hiện nay khu vực này đang có một số đơn vị thuê lại để khai thác. Hầu hết khu vực này do các Cty, tổ chức thuê lại. Tổng giá trị cho thuê khu vực này khoảng 2 tỉ đồng/năm.
Trung tâm phát triển quỹ đất Hà Đông chỉ thu về 2 tỉ đồng/năm, trong khi theo ước tính của một chủ đất cho thuê thì giá trị 52,8ha mỗi năm thu về phải chục tỉ đồng/năm. Đặt ra điều này thì ông Đạt cho rằng, trung tâm chỉ kiểm soát các Cty trực tiếp thuê, còn việc các Cty này cho thuê lại giá bao nhiêu thì không thể kiểm soát được.
Vân Giang -Vương Trần (Lao Động)
Theo cafeland.vn