Thủ tục nhiêu khê, doanh nghiệp "lắc đầu" việc xây nhà ở cho công nhân
Nhiều doanh nghiệp ngán ngẩm khi phân khúc nhà ở cho công nhân đầu tư lợi nhuận rất thấp, thậm chí lỗ nếu tính toán không kỹ nhưng thủ tục lại nhiêu khê.
cmsMới đây, tại hội thảo "Nhà ở cho công nhân tại khu công nghiệp, khu chế xuất", lãnh đạo Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, thành phố hiện có tổng cộng 34 dự án xây dựng nhà lưu trú dành cho công nhân đã hoàn thành, đáp ứng gần 39.400 chỗ ở. Từ nay đến năm 2020, thành phố tiếp tục thực hiện 19 dự án nhà ở xã hội nữa để phục vụ công nhân.
Còn theo ông Trần Công Khanh - Trưởng phòng Quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp TP.HCM (KCX - KCN), TP.HCM đang có khoảng 260.000 công nhân làm việc trong các KCX - KCN, thế nhưng nhà lưu trú cho công nhân (NLTCN) chỉ đáp ứng 14.960 chỗ.
Ông Khanh cho biết, các KCX - KCN hình thành trước năm 2000 không tính đến việc lập quy hoạch chung xây dựng một tổ hợp KCN và khu dân cư phục vụ KCN mà phải nhờ vào quỹ nhà ở đô thị và các công trình hạ tầng xã hội khác của đô thị.
Nhiều doanh nghiệp ngán ngẩm khi phân khúc nhà ở cho công nhân đầu tư lợi nhuận rất thấp, thậm chí lỗ nếu tính toán không kỹ nhưng thủ tục lại nhiêu khê.
Về vấn đề này, ông Trần Quốc Đạt - Phó trưởng Phòng Phát triển nhà ở TP.HCM cho biết: "Theo thống kê của Sở Xây dựng, hiện TP.HCM có 17 KCN, 1 khu công nghệ cao và 16 cụm công nghệp. Do đó, nhu cầu chỗ ở của các công nhân hiện nay khoảng 65 -70%, tương đương 280.000 chỗ ở, trong khi đó nguồn cung quá thấp.
Thành phố hiện đang có quỹ đất khoảng 47 ha, có 15 dự án đã và đang được các doanh nghiệp giải tỏa bồi thường. Nếu 15 dự án này hoàn thành sẽ đáp ứng được 95.000 chỗ ở cho công nhân.
Tuy nhiên, nhà lưu trú công nhân là một phần trong nhà ở xã hội, nên thủ tục hành chính không khác gì nhà ở xã hội, thậm chí còn bị kiểm soát về giá cho thuê, giá bán, đối tượng người sử dụng… lợi nhuận thấp nên rất ít nhà đầu tư muốn tham gia.
Là một doanh nghiệp có kinh nghiệm trong việc xây nhà ở cho công nhân, ông Trần Đức Vinh - Tổng Giám đốc Trần Anh Group lo lắng: “Chúng tôi là một doanh nghiệp luôn mong muốn xây nhà cho người lao động có thu nhập thấp, 3 năm trước tôi đã đến tỉnh Bình Dương học hỏi mô hình nhà ở xã hội xây dựng ở đây nhưng không dễ làm ở TP.HCM.
Bởi công nhân có mức sống rất thấp, nhưng nếu TP.HCM áp dụng tiêu chuẩn sàn xây dựng tối thiểu 40m2 cho nhà ở thương mại, doanh nghiệp có hạ giá thành hết mức thì tính ra mỗi căn nhà vẫn không dưới 700 triệu đồng.
Như vậy, công nhân sẽ không mua nổi, trong khi đó tỉnh Bình Dương chỉ xây dựng nhà 30 m2. Vì thế, chúng tôi đành phải chuyển các dự án nhà giá thấp về tỉnh Long An đầu tư".
Theo ông Vinh, 800 căn nhà giá thấp đầu tiên của ông tại tỉnh Long An đã vướng rất nhiều khó khăn liên quan thủ tục hành chính. Vì vậy, ông đang rất băn khoăn có nên tiếp tục đầu tư loại hình này hay không, đây cũng là lý do nhiều doanh nghiệp "lắc đầu" với nhà ở cho công nhân.
"Công ty tôi dự tính sẽ tiếp tục đầu tư thêm 10.000 căn nhà giá thấp nữa cho công nhân, nhưng giờ thì tôi đang tính toán lại. Mong cơ quan chức năng có biện pháp hỗ trợ, giảm thủ tục, giảm điều kiện tham gia của đối tượng được mua… như vậy chúng tôi mới mạnh dạn đầu tư, chứ lợi nhuận thấp, đối tượng mua quá khắt khe thì tôi xây xong bán cho ai”, ông Vĩnh nói.
Ông Nguyễn Văn Đực - Ủy viên Ban chấp hành Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, TP.HCM phát triển như thế này cũng một phần nhờ công đóng góp của người lao động từ các tỉnh, thành khác nên cơ quan chức năng phải có trách nhiệm về chỗ ở cho họ.
Song, hiện nay tiêu chuẩn về nhà lưu trú cho công nhân chưa rõ ràng. Trong khi phân khúc này đầu tư lợi nhuận rất thấp, thậm chí lỗ nếu tính toán không kỹ. Quy trình thủ tục hành chính thì rườm rà còn hơn nhà ở thương mại. Doanh nghiệp chỉ có thể chủ động quyết định được khoảng 30% thủ tục đầu tư, còn lại phụ thuộc hết vào cơ quan chức năng, mà cơ quan chức năng thì quá chậm chạp, thủ tục lại nhiêu khê.
Thy Huệ (VTC News)
Theo cafeland.vn