Thành phố Đà Lạt: Bảo tồn bản sắc riêng trong quy hoạch chung
Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và Vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được coi là cơ hội tốt để Đà Lạt hoàn thiện và bảo tồn bản sắc riêng trong quy hoạch chung.
Nhà thờ Con Gà, một trong những kiến trúc tiêu biểu và cổ xưa nhất Đà Lạt. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)
Trải qua hơn 120 năm hình thành và phát triển, Đà Lạt không chỉ là đô thị loại I trực thuộc tỉnh mà còn là một thành phố du lịch nổi tiếng của Việt Nam.
Quá trình phát triển của thành phố Đà Lạt gắn với các đồ án quy hoạch từ những năm 20 của thế kỷ XX với sự tham gia của các kiến trúc sư người Pháp. Các đồ án quy hoạch tiếp theo được kế thừa các đồ án quy hoạch trước đó và đã có sự điều chỉnh, bổ sung, phát triển để phù hợp với yêu cầu phát triển của từng giai đoạn.
Ông Nguyễn Xuân Tiến - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng cho biết sau hơn 2 năm triển khai thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch, tỉnh đã chỉ đạo Sở Xây dựng thuê các đơn vị tư vấn có năng lực đảm nhiệm.
Nhóm chuyên gia tư vấn, kiến trúc của Pháp cũng đã có nhiều đóng góp về ý tưởng cho đồ án quy hoạch. Đây cũng là quá trình nỗ lực của nhiều cơ quan, tổ chức, các chuyên gia trong nước, quốc tế và sự tham gia của cộng đồng trong thời gian lập quy hoạch.
Đồ án Quy hoạch đã được Hội đồng thẩm định cấp quốc gia đánh giá cao và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 704/QĐ-TTg. Đây là dấu mốc quan trọng cho Đà Lạt và vùng phụ cận bước sang giai đoạn mới, mở ra cơ hội tốt nhất để phát triển.
Mặc dù vậy, trong xu thế phát triển, các đô thị Việt Nam đang trải qua quá trình đô thị hóa mạnh mẽ và thành phố Đà Lạt cũng không nằm ngoài xu hướng đó.
Bởi vậy, Đà Lạt đang dần mất đi những không gian xanh của thảm thực vật, của rừng thông, thay vào đó nhiều công trình kiến trúc được xây dựng chưa phù hợp đã làm ảnh hưởng nhiều đến cảnh quan đô thị, ảnh hưởng đến hình ảnh “thành phố trong rừng.”
Cùng đó, môi trường sinh thái bị suy giảm do sự thiếu kiểm soát trong việc phát triển kinh tế nông nghiệp với bảo tồn cảnh quan đô thị. Công tác đầu tư phát triển đô thị cũng còn nhiều hạn chế do nguồn lực kinh tế khó khăn và một số định hướng quy hoạch trước đây không còn phù hợp với thực tế phát triển.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh, trong bối cảnh phát triển mới, Đảng, Chính phủ đã chỉ đạo lập và phê duyệt các quy hoạch xây dựng vùng như: Tây Nguyên, duyên hải Nam Trung Bộ, Thành phố Hồ Chí Minh…; Các Quy hoạch này đã làm định hướng phát triển kinh tế-xã hội, phát triển không gian các vùng kinh tế, các đô thị trong vùng Tây Nguyên, trong đó có Đà Lạt.
Vì vậy, Quy hoạch chung Đà Lạt mới nhất sẽ hướng đến mục tiêu xây dựng phát triển thành phố này và vùng phụ cận đến năm 2030 trở thành một vùng đô thị hiện đại, đẳng cấp quốc tế, có đặc thù về khí hậu, cảnh quan tự nhiên, văn hóa lịch sử và di sản kiến trúc tầm quốc gia, khu vực và có ý nghĩa quốc tế.
“Đây là một đồ án quy hoạch đô thị đạt chất lượng chuyên môn cao, đã xác định được mô hình phát triển thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận phát triển theo chuỗi các đô thị liên kết theo tuyến vành đai và xuyên tâm. Các vùng du lịch sinh thái, vùng cảnh quan rừng và nông nghiệp sẽ được kết nối để phát triển bền vững; đồng thời vẫn bảo tồn và phát huy tính đặc thù về tự nhiên và văn hóa-lịch sử rất riêng của Đà Lạt,” Thứ trưởng nhấn mạnh.
Việc điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và Vùng phụ cận lần này hướng tới mục tiêu chủ yếu là phát triển thành phố Đà Lạt nhanh và bền vững, hướng đến một thành phố văn minh, thân thiện với yêu cầu đẩy mạnh đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng và chỉnh trang đô thị.
Đồng thời, việc quy hoạch mở rộng và xây dựng thành phố Đà Lạt đủ điều kiện để trở thành đô thị loại I trực thuộc Trung ương. Trong tương lai, Đà Lạt chính là một thành phố đặc thù theo chuỗi đô thị với mô hình: thành phố trong rừng, rừng trong thành phố.
Quy hoạch chung lần này được thực hiện với quy mô diện tích lớn bao gồm thành phố Đà Lạt hiện nay và các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng và một phần huyện Lâm Hà, Đà Lạt và vùng phụ cận có chức năng là Trung tâm du lịch chất lượng cao của quốc gia, khu vực và quốc tế.
Đây cũng chính là vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của quốc gia; đồng thời hướng đến một Trung tâm giáo dục-đào tạo và nghiên cứu khoa học đa ngành. Đặc biệt, Đà Lạt sẽ là vùng bảo tồn di sản kiến trúc và cảnh quan đô thị cấp vùng và quốc gia…
Theo Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh, thời gian quy hoạch dài hạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050 đòi hỏi tỉnh Lâm Đồng phải tiếp tục cụ thể hóa bằng các đồ án quy hoạch chi tiết, kế hoạch cụ thể cho từng giai đoạn với một bộ máy điều hành có năng lực, có trách nhiệm và chuyên nghiệp.
Công tác lập quy hoạch và các dự án đầu tư xây dựng trong thời gian tới phải đảm bảo các quan điểm, nguyên tắc, tuân thủ định hướng phát triển không gian, kiến trúc, cảnh quan, hệ thống hạ tầng kỹ thuật theo đồ án.
Một trong những trọng tâm đặt ra cho chính quyền địa phương là ban hành Quy định quản lý theo đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận; lập và ban hành Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc thành phố Đà Lạt.
Tiếp đó là triển khai lập Quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị để cụ thể hóa điều chỉnh quy hoạch chung này. Việc đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật và quản lý quỹ đất phát triển theo quy hoạch cũng phải được lên kế hoạch một cách cụ thể.
Đồng thời, các nguyên tắc phát triển, chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc tại khu đô thị,khu du lịch phải được quản lý, giám sát chặt chẽ và đảm bảo xây dựng đồng bộ cả hạ tầng xã hội lẫn hạ tầng kỹ thuật; kết nối được mạng lưới hạ tầng chung của thành phố và vùng phụ cận.
Cùng với các phương án, giải pháp bảo vệ môi trường tự nhiên, tỉnh Lâm Đồng cần xây dựng cơ chế chính sách, nguồn nhân lực và sử dụng nguồn lực tài chính để hiện thực hóa mục tiêu đưa Đà Lạt trở thành “thành phố trong rừng,” phát triển hiện đại, thân thiện với môi trường mà vẫn giữ những nét đặc trưng văn hóa riêng.
Quy hoạch chung hướng tới việc xây dựng phát triển thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 trở thành một vùng đô thị hiện đại, đẳng cấp quốc tế; có đặc thù về khí hậu, cảnh quan tự nhiên, văn hóa lịch sử và di sản kiến trúc tầm quốc gia, khu vực và có ý nghĩa quốc tế.
Phạm vi điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận có tổng diện tích tự nhiên là 3.359km2; trong đó thành phố Đà Lạt có tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 39.440ha.
Hiện trạng dân số năm 2011 khoảng 530.000 người. Dự báo đến năm 2030 tăng lên khoảng 700.000-750.000 ngàn người, trong đó dân số đô thị khoảng 400.000-450.000 người.