Thận trọng sau cơn sốt 7,3 tỷ USD vào Quảng Bình
Quảng Bình trở thành hiện tượng khi 66 dự án với tổng số vốn đầu tư 168.869 tỉ đồng (tương đương 7,34 tỉ USD), đã được trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và Biên bản thỏa thuận hợp tác đầu tư, tại hội nghị xúc tiến đầu tư mới đây. Cơn sốt mới này liệu có tiểm ẩn rủi ro?
Tiềm năng vùng đất mới
Theo ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, đến nay, nhiều nhà đầu tư, nhiều thương hiệu lớn đã có mặt tại Quảng Bình như: Vingroup, FLC, Pullman, SCG (Thái Lan), CP (Thái Lan), Linfox (Úc)... đầu tư trên các lĩnh vực trung tâm thương mại, khách sạn, sân golf, nuôi trồng thủy sản, logicstic, vật liệu xây dựng...
Cũng tại hội nghị xúc tiến đầu tư, Chủ tịch UBND tỉnh này khẳng định, với phương châm “Hợp tác cùng phát triển”, tỉnh Quảng Bình cam kết làm hết sức mình, đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp, xem sự thành công của doanh nghiệp cũng là sự thành công của tỉnh, doanh nghiệp có phát triển thì Quảng Bình phát triển.
Đáp lại những thông điệp hợp tác của Quảng Bình là những con số khá ấn tượng. Tổng số vốn đầu tư 168.869 tỉ đồng bao gồm: Trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 36 dự án, của 23 nhà đầu tư, với tổng vốn đầu tư 29.717 tỉ đồng và thỏa thuận hợp tác đầu tư cho 30 dự án, của 24 nhà đầu tư, với tổng vốn đầu tư 139.152 tỉ đồng.
Quảng Bình là một trong những địa phương có lợi thế phát triển du lịch.
Trong danh mục các dự án đầu tư vào Quảng Bình, bất động sản nghỉ dưỡng, dịch vụ chiếm vai trò khá quan trọng. Trong danh mục dự án kêu gọi đầu tư vào tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2018 - 2020, có 17 dự án trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ, thương mại. Trong đó, có những dự án quy mô hàng trăm ha như: Khu phức hợp du lịch, nghỉ dưỡng ven biển Quảng Trạch (370 ha); Khu phức hợp du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Bàu Sen - Lệ Thủy (280 ha)… Chưa kể tập đoàn FLC đã được giao dự án gần 2.000 ha trước đó. Điều này tận dụng lợi thế của địa phương sở hữu nhiều danh thắng đẹp.
Đi cùng với phát triển du lịch nghỉ dưỡng, Quảng Bình cũng đang từng bước chuẩn về hạ tầng để đáp ứng.. Tỉnh này đang chào mời các nhà đầu tư nhiều dự án giao thông qua mô khá lớn, với tổng vốn đầu tư hàng ngàn tỷ đồng. Trước đó, dự án cầu Nhật Lệ 2 (tổng vốn gần 1.000 tỉ đồng) thông xe nối trung tâm Đồng Hới với bán đảo Bảo Ninh và đường bay quốc tế đầu tiên Đồng Hới - Chiang Mai cũng đã khai trương.
Cảnh giác với chiêu trò
Với đặc thù là một tỉnh ít cư dân, chưa có những đô thị lớn, bất động sản Quảng Bình chỉ được biết đến nhiều trên thị trường, theo bước chân của những doanh nghiệp đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng. Khách hàng của những dự án này phần lớn đến từ Hà Nội và những địa phương khác.
Quảng Bình tiếp tục là điểm đến của các dòng sản phẩm shophouse, biệt thự nghỉ dưỡng và condotel. Đây là những dòng sản phẩm mà theo đánh giá của Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), đã phát triển quá nóng ở các địa phương như Đà Nẵng, Phú Quốc, Nha Trang… Hiện tại, những dòng sản phẩm này đang giảm nhiệt do nguồn cung quá lớn, có nguy cơ bội thực.
HoREA cũng cảnh báo thị trường đã xuất hiện những chủ đầu tư cam kết lợi nhuận quá cao và xảy ra tranh chấp khi dự án vận hành vì lợi nhuận thực tế thấp và không có tiền trả cho khách hàng. Bên cạnh đó, việc một số chủ đầu tư cam kết ra chủ quyền sở hữu lâu dài cho condotel, biệt thự biển, shophouse (dự án có mục đích sử dụng đất là thương mại dịch vụ) là trái luật đất đai hiện hành.
Ông Trần Minh Nhật, Tổng Giám đốc Công ty Nhà Thời Đại, cho rằng, không thể phủ nhận Quảng Bình là một trong những địa phương có lợi thế tự nhiên phù hợp với phát triển du lịch. Tuy nhiên, để chọn đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng, cần xem xét nhiều yếu tố như: Uy tín, năng lực chủ đầu tư; Thương hiệu quản lý nổi tiếng hay không; Dự án có lợi thế về tự nhiên so với các dự án khác trong khu vực không…
Cũng theo ông Nhật, nguồn cung sản phẩm cũng là điều đáng quan tâm. Nếu tốc độ tăng trưởng sản phẩm của khu vực lớn hơn tốc độ tăng trưởng du lịch thì nguy cơ thừa cung là điều dễ nhận thấy. Một ví dụ thực tế khác đã xảy ra là nhiều dự án đưa ra số lượng shophouse rất lớn để bán, nhưng nhu cầu mua sắm thực tế không như kỳ vọng, dẫn đến shophouse mua đắt nhưng lợi nhuận thu về không đáng kể…
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Điềm, Tổng Giám đốc Công ty Đô thị mới Thủ Thiêm, cho rằng, cơ hội và rủi ro luôn đi cùng nhau. Với những thị trường mới, một trong những rủi ro thường gặp chính là bị thổi giá. Do vậy, khách hàng cần so sánh giá sản phẩm trong dự án với khu lân cận để biết giá trị thực.
“Cần thận trọng với những sản phẩm bị thổi giá, kèm cam kết mua lại, cam kết lợi nhuận cao… Những cam kết dạng này chỉ là chiêu quảng cáo, chỉ có hợp đồng giữa 2 bên mới có giá trị pháp lý. Nếu chủ đầu tư thiếu uy tín thì họ hoàn toàn có thể “gài bẫy” trong hợp đồng để né trách nhiệm khi xảy ra tranh chấp. Nếu không phải là luật sư chuyên ngành thì khách hàng khó có thể phát hiện ra cạm bẫy này”, ông Điềm khuyến cáo.
Quốc Đại (Vietnamnet)
Theo cafeland.vn