Sốt đất nền: Chuyện của những người trong cuộc
Nhiều chuyên gia cho rằng, giá đất nền ở TPHCM có thể "sốt" trở lại như đã từng xảy ra vào giữa năm 2017 do "cò" đất thổi giá, do người dân thấy đầu tư cho đất vẫn sinh lời cao, do vụ cháy chung cư Carina khiến nhiều người sợ ở chung cư nên quay lại với đất nền... Quan điểm nào cũng có lý nhưng về phía người mua, những người đang góp phần tạo nên cơn sốt đó thì sao, có ý kiến nào khác không? TBKTSG Online đã gặp một số người để tìm hiểu câu chuyện của họ.
Nhiều căn nhà mới đang mọc lên tại một khu dân cư ở huyện Nhà Bè. Ảnh: Khánh Lam
Khoảng giữa năm ngoái, chị Minh quyết định mua một miếng đất 90 m2 ở huyện Nhà Bè, cách trung tâm TPHCM khoảng 13 km để xây nhà thay vì mua một căn hộ chung cư cách khu trung tâm khoảng 11 km như dự tính trước đó. Nhiều người khuyên chị Minh không nên mua đất vào lúc đó vì TPHCM đang trong cơn sốt đất và Nhà Bè là một trong những tâm điểm của cơn sốt nên giá đã tăng đến vài triệu đồng/m2. Tuy nhiên, chị Minh vẫn quyết định mua vì cho rằngsau khi hạ nhiệt thì thị trường cũng đã có một mặt bằng giá mới, ngoài ra, so với mua chung cư thì mua đất để xây nhà vẫn rẻ hơn.
Chị tính toán, với giá đất 12 triệu đồng/m2, gia đình chị chi 1,08 tỉ đồng cho miếng đất nói trên. Chi phí xây dựng là 606 triệu đồng, bao gồm ép cọc khoảng 100 triệu đồng, xây nhà gồm chi phí xây thô và hoàn thiện với vật liệu có chất lượng khá có giá 5,7 triệu đồng/m2 cho 80 m2 là 456 triệu đồng. Một số chi phí phát sinh khác vào khoảng 50 triệu đồng. Tổng cộng, để có ngôi nhà có diện tích đất 90 m2, diện tích sử dụng 80 m2cùng phần sân nhỏ để xe máy, gia đình chị Minh chi ra 1,686 tỉ đồng, trong đó có một phần vay từ ngân hàng để xây nhà.
"Tôi vay gói xây dựng 10 năm, lãi suất cố định trong vòng 3 năm đầu là 9%/năm, sau đó thả nổi. Ngân hàng có thể cho vay đến 70% giá trị của mảnh đất nhưng tôi vay ít hơn và sẽ có gắng trả sau 3 năm. So với chung cư thì xây nhà rẻ hơn dù chung cư có thêm một số tiện ích nhưng giá cao như vậy là không hợp lý", chị nói và cho biết giá nhà ở thương mại trong dự án chung cư có chất lượng tầm trung mà ban đầu chị định mua từ 21-22 triệu đồng/m2. Dự án này cũng có một số căn là nhà ở xã hội, giá khoảng 16,5 triệu đồng/m2 nhưng để mua được loại nhà này phải trải qua thủ tục hành chính rất nhiêu khê.
Khác với chị Minh, anh Thuần không có nhu cầu nhà ở vì đã có một căn nhà phố tại một khu dân cư ở huyện Nhà Bè, cách trung tâm thành phố chỉ hơn 7 km nhưng anh vẫn quyết định mua đất để dành, dù số tiền để dành chưa đủ.
Anh Thuần kể, 5 năm trước, khoảng hơn 8 giờ tối là con đường Lê Văn Lương trước khu dân cư anh ở vắng hoe, có thèm ăn vặt cũng khó tìm được chỗ bán còn mỗi sáng đi làm thì đường rộng thênh thang, người đi rất ít. Đến nay, quán xá nhộn nhịp suốt cả ngày. Mỗi ngày hai bận sáng chiều đường kín người đi, nhiều lúc còn kẹt xe. Nhiều trong trong đó là những người ngoại tỉnh, là công nhân xây dựng với chiếc áo bảo hộ lấm lem đi đến công trường đang ở nhà thuê, phòng trọ, đang ôm ấp kế hoạch dành dụm, vay mượn để tìm một chổ ở ổn định.
Vì thế, cho dù có những lời khuyên can là chưa nên đầu tư vì đất đang sốt giá, giá hiện tại không phải là giá thực nhưng anh Thuần cho rằng, thổi giá chỉ là một phần nguyên nhân của cơn sốt đất, phần còn lại là do nhu cầu tăng lên nhanh chóng bởi dòng người nhập cư vào TPHCM đang ngày một nhiều hơn.
"Không lâu trước đó, TPHCM chỉ có chừng 8 triệu dân, rồi lên 10 triệu và nay, tôi nghe đâu đã gần 15 triệu. Số lượng người nhập cư lớn và tăng nhanh cỡ đó thì nhu cầu nhà ở sẽ rất khủng khiếp", anh nói và cho biết kế hoạch mua đất để dành diễn ra khá tốt đẹp bởi vợ chồng anh được ba mẹ cho vay tiền. Đó là khoản tiền mà ba của anh gửi trong ngân hàng từ nhiều năm trước nhưng nay quyết định rút ra, cùng con đầu tư gì đó.
Những người có mong muốn mua đất nền để dành như một tài sản có giá trị ổn định và dễ tăng giá như anh Thuần không phải là số ít. Ngày 4-4 vừa qua, TBKTSG Online đã theo chân nhân viên một công ty nhà đất tại TPHCM đi làm thủ tục chuyển nhượng cho khách hàng và ghị nhận được sữ nhộn nhịp của thị trường giao dịch đất nền.
Trên thực tế, giá đất nền tăng vài chục phần trăm ở nhiều khu vực hoàn toàn không ngăn cản lượng người mua mà trái lại, đất càng tăng giá, người mua càng nhiều. Một số phòng công chứng mà TBKTSG Online có dịp ghé qua cũng cho biết lượng người đến giao dịch về nhà đất chiếm đa số trong các khách hàng của họ.
"Hồi đầu năm ngoái nghe nói đất chỗ chị được cỡ 40 triệu đồng/m2, giờ được 50 triệu không em?", một khách hàng hỏi nhân viên nhà đất sau khi hoàn tất thủ tục chuyển nhượng để chuẩn bị ra sổ đỏ cho một lô đất gần ngã tư đường Nguyễn Hữu Thọ và Nguyễn Văn Linh.
"Trời ơi, chị nói sao vậy. Hôm qua, em mới làm thủ tục cho lô R trong khu đó, giá đã là 64 triệu đồng/m2", anh nhân viên trả lời.
Anh tư vấn thêm, nếu có đất tại khu vực này, khách hàng nên suy nghĩ kỹ về quyết định rao bán trong giai đoạn này vì quỹ đất ở TPHCM ngày càng khan hiếm nên giá sẽ cao hơn chứ không giảm xuống. Với những khu đất xa hơn thì các dự án về phát triển hạ tầng giao thông cũng sẽ tạo cơ sở để giá nhích lên theo. Công ty của nhân viên tư vấn này vừa lên giá bán cho dự án khu dân cư ở gần Khu công nghiệp Long Hậu, tỉnh Long An, cách TPHCM hơn 20 km là từ 11-12 triệu đồng/m2 đất xây nhà phố, 9 triệu đồng/m2 đất xây biệt thự. Vài năm trước, giá dự kiến cho dự án này chỉ bằng gần một nửa so với hiện nay.
"Ngày trước, đi khoảng 7- 8 km, tính từ trung tâm TPHCM thì đã được cho là xa nhưng nay, nhiều tuyến đường được nâng cấp, mở rộng, tạo điều kiện cho người dân giãn ra khỏi nội thị thì việc đi hơn chục km cũng không trở thành vấn đề. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để chúng tôi bán được những dự án ở xa khu trung tâm", anh nói.
Khánh Lam (TBKTSG)
Theo cafeland.vn