“Sốt đất” lan đến Côn Đảo
Cơn “sốt đất” tại các tỉnh phía Nam nói chung và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng, bắt đầu từ cuối năm 2017 đang bước vào giai đoạn “sốt” cao, đã lan đến huyện Côn Đảo. Cùng với lượng khách du lịch tăng mạnh, giá đất ở Côn Đảo cũng tăng chóng mặt từng ngày...
Một khu đất trên đường Nguyễn Chí Thanh (Côn Đảo) đang được phân lô bán nền với giá hàng tỷ đồng/lô. Ảnh: Nông Ngân
Cung không đủ cầu
Vào những ngày này, câu chuyện thời sự được người dân đảo truyền tai nhau nhiều nhất chính là chuyện đất cát. Người ta kháo nhau về việc giới đầu tư đang lùng gom đất trên đảo làm giá tăng vù vù. Không ít người đã trúng đậm chỉ sau một thời gian ngắn mua đi bán lại. Trong vai một người đi mua đất, chúng tôi gặp một người môi giới đất tên Chiến.
Anh này chia sẻ, muốn mua một mảnh đất để kinh doanh ở đây thì nên chuẩn bị 8 -10 tỷ đồng rồi hãy nói chuyện. đất ở khu vực trung tâm hiện vào khoảng 30 triệu đồng/m2 trở lên. Minh chứng cụ thể cho việc giá đất tăng cao, là 1 căn nhà có diện tích hơn 150m2 tại khu 7, đường Phạm Văn Đồng, năm ngoái được trả giá hơn 6 tỷ đồng, nhưng mới đây, chủ nhà hét giá lên 10 tỷ đồng mới chịu sang tên.
Anh Thuận, một người dân từ Gia Lâm (Hà Nội) ra đảo lái taxi từ 5 năm nay, khoe cách đây 2 năm, anh mua một miếng đất 1.041m2 (có 300m2 thổ cư) nằm phía Tây đảo, hướng ra sân bay, cách trung tâm thị trấn khoảng 3km, với giá 1,2 tỷ đồng, nhưng giá bây giờ đã là 8 tỷ đồng. Anh Thuận còn cho biết, giám đốc công ty anh có miếng đất khoảng 600m2, hai mặt tiền đường Trần Phú và Phạm Hùng, mua chưa đầy 1 năm với giá 7 tỷ đồng, nhưng cách đây vài hôm có người trả 17 tỷ đồng mà ông ấy chưa chịu bán.
Chị Ngọc, ở ngay chợ Côn Đảo, cho hay, đất ở quanh chợ giờ có giá khủng và “không có ai bán”. Một căn nhà cấp 4, ngang 5m, dài 30m, nở hậu trước mặt chợ, được dân ở Hà Nội tới trả 10 tỷ đồng, nhưng chủ nhà không bán. Còn đất quanh chợ có diện tích 120 - 150m2, giờ có giá 8-10 tỷ đồng nhưng cũng không có để giao dịch. Xa hơn một chút, cách chợ 1,5 - 2km, toàn là rừng trồng, nhưng được quy hoạch đất biệt thự cũng đều đã có chủ với giá 6 tỷ đồng/lô 300m2, tăng gấp hơn 2 lần so với năm 2015.
Số liệu từ Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Côn Đảo cho thấy, trong 3 tháng đầu năm 2018, có gần 100 hồ sơ giao dịch, tăng khá mạnh so với năm trước. Theo người dân, nguyên nhân là do lượng khách du lịch gần đây tăng mạnh, nhiều người tìm mua đất khu vực giáp biển, khu trung tâm để xây dựng nhà nghỉ, nhà hàng kinh doanh du lịch và nhất là có sự tham gia của giới đầu tư đến từ Hà Nội.
Những hệ lụy
Do quỹ đất của đảo khá hạn hẹp, nên giá đất tăng cao hơn trong đất liền là điều dễ hiểu, nhưng vấn đề nằm ở chỗ, giá đất tăng quá nóng so với giá trị thực và so với chính khả năng tài chính của người dân trên đảo. Nó đã kích thích tình trạng mua bán, sang nhượng chui giữa người mua (hoặc “cò”) với người bán, hay giữa giới đầu cơ với người có đất.
Do tình trạng quản lý lỏng lẻo của địa phương, không loại trừ có yếu tố tiêu cực, nên nhiều diện tích rừng tràm trồng sau năm 1975, hay đất nằm trong khuôn viên di tích quốc gia, nhất là nhà tù Côn Đảo, đã được cấp sổ đỏ đất trồng cây lâu năm, để rồi hợp thức hóa thành đất thổ cư, phân lô bán nền, thu lợi bất chính. Trước đây, dân số đảo rất ít, chỉ khoảng 2.000 người nên người dân sống ở đảo trên dưới 20 năm đều thuộc tên những cán bộ Phòng Tài nguyên - Môi trường, hay cán bộ Huyện ủy có bao nhiêu nhà, đất và nay tha hồ làm giàu từ đất khi đất lên cơn “sốt”.
Tiếp nữa là người làm công ăn lương và người lao động đang hết sức lo lắng với đà tăng giá theo cấp số nhân kiểu này, họ không thể mua nổi 1 lô đất hay nhà để an cư lạc nghiệp trên đảo lâu dài. Giá đất tăng cao chót vót cũng kéo theo giá cả sinh hoạt trở nên đắt đỏ, khiến một bộ phận người lao động cảm thấy khó sống, bất an. Ông Trần Hùng Tâm, Chánh Văn phòng UBND huyện Côn đảo, thừa nhận lượng khách tăng đột biến cùng giá đất tăng theo, làm cho chất lượng dịch vụ không theo kịp, trong khi giá cả sinh hoạt tăng nhanh, ảnh hưởng đến chất lượng sống của một bộ phận người dân trên đảo.
Theo ông Nguyễn Minh Thủ, Trưởng đài Truyền thanh - Truyền hình huyện Côn Đảo và là người sống ở đảo tròn 20 năm: Lãnh đạo huyện đảo cần tính đến chuyện tạo quỹ đất để bố trí cho người dân hoặc cán bộ công chức chưa có đất. Tăng cường quản lý nhà nước về đất đai để tránh tài nguyên đất đai bị lợi dụng, xà xẻo thành đất cá nhân, rồi đem chuyển nhượng làm giàu bất chính, tạo ra khoảng cách lớn về giàu nghèo trên đảo.
Không ít người dân lo lắng hiện tượng “rửa tiền”, dùng tiền làm ăn phi pháp ở đâu đó để gom đất Côn Đảo, làm giá tăng chóng mặt, gây ra hiện tượng “bong bóng bất động sản”. Chẳng may bị vỡ thì hậu quả sẽ rất khó lường!
Y Văn - Nông Ngân (SGGP)
Theo cafeland.vn