“Sóng đất” Bắc Vân Phong sẽ quay trở lại?
– Giới đầu cơ đất tại Bắc Vân Phong cho rằng, một khi lệnh cấm tách thửa, chuyển quyền sử dụng đất tại đây được gỡ bỏ thì cơn sốt đất sẽ quay trở lại.
UBND huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) vừa có công văn đề nghị UBND tỉnh và Sở Tài nguyên và Môi trường Khánh Hòa cho phép huyện tiếp nhận, giải quyết các hồ sơ chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất, tách thửa theo các quy định của Luật Đất đai.
Lý do của đề xuất này là tình trạng sốt đất trên địa bàn đã lắng dịu và mở lại để tạo điều kiện cho người dân.
Sau gần 5 tháng đóng cửa, các sàn giao dịch bất động sản tại Bắc Vân Phong đang chờ ngày trở lại
Sốt đất sẽ trở lại
Trở lại huyện Vạn Ninh những ngày gần đây, các văn phòng môi giới nhà đất vẫn đóng cửa im lìm. Tình trạng này đã kéo dài từ khi lệnh cấm tách thửa, chuyển quyền sử dụng đất tại khu vực quy hoạch xây dựng Đơn vị Hành chính – Kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong được tỉnh Khánh Hòa ban hành vào đầu tháng 5/2018.
Chị Hằng, một người dân tại thị trấn Vạn Ninh, cho biết chỉ cách đây vài tháng tại thị trấn này đi đâu cũng thấy bàn chuyện nhà đất. Sàn giao dịch bất động sản được mở ra dày đặc dọc các tuyến đường. Ban đầu, chủ của những cơ sở này thường là người từ nơi khác đến. Sau đó, nhiều người địa phương thấy sốt đất kiếm lời nhanh cũng nhập cuộc làm “cò đất” và không ít người đã đổi đời chỉ sau một vài giao dịch thành công.
Tuy nhiên, từ khi có lệnh cấm tách thửa, chuyển đổi mục đích sử dụng đất trên địa bàn thì tình hình đã ngay lâp tức xoay chiều. Cơn sốt đất giảm đột ngột, giá giảm sâu, nhiều người nháo nhào bán tháo. Các cơ sở giao dịch nhà đất nhộn nhịp trước đây giờ đóng cửa, không ghi nhận giao dịch.
Là một người dân địa phương, anh Trọng Nhân cũng không bỏ lỡ cơ hội kiếm tiền khi cơn sốt đất lên cao. Anh cho biết, từ trước đến nay chưa bao giờ thấy cơn sốt đất nào như vậy. Giá đất ở nhiều tuyến đường lớn thuộc thị trấn Vạn Ninh, Tu Bông hay ven biển Đại Lãnh đều tăng chóng mặt.
Theo anh Nhân, những người tham gia và tạo nên cơn sốt đất thời điểm cách đây vài tháng là nhà đầu cơ cá nhân nhỏ lẻ, chủ yếu là lướt sóng để kiếm lời nhanh. Họ chủ yếu mua đi bán lại và tung tin để tạo cơn sốt giá ảo. Người ta ước tính có đến 80% những người về đây mua đất là người Hà Nội và các tỉnh phía bắc.
Tuy nhiên, khi có lệnh hoãn thời hạn thông qua Luật Đặc khu và chỉ thị cấm tách thửa, chuyển đổi quyền sử dụng đất thì cơn sốt này đã bị chặn đứng và ngay lập tức quay đầu. Thời điểm đó, nhiều người đầu cơ lướt sóng tìm mọi cách để thoát hàng. Nhiều người thậm chí chấp nhận bán lỗ nhưng cũng không thể giao dịch được.
Anh Nhân cho biết, tuyến đường Nguyễn Huệ ở Tu Bông lúc đỉnh cơn sốt giá đất khoảng 20 triệu đồng/m2, nhưng nay chỉ còn 10 – 12 triệu đồng/m2, khu vực ngoài đô thị còn khoảng 8 – 9 triệu đồng/m2.
Tại thị trấn Vạn Ninh, các cung đường có giá cao như Trần Hưng Đạo lúc cơn sốt đất lên đỉnh điểm khoảng 60 – 70 triệu/m2, hiện tại nhiều người đang rao bán giá 40 – 50 triệu đồng/m2 nhưng không có giao dịch.
Ngoài ra, các tuyến đường Lạc Long Quân, Lý Thường Kiệt, Tô Hiến Thành, Ngô Gia Tự trước đây có giá khoảng 20 – 30 triệu đồng/m2 nay đã giảm một nửa mà không có người mua.
“Nếu không có Đặc khu kinh tế thì giá đất thực ở khu vực này cũng chỉ dao động từ 10 – 20 triệu đồng/m2”, anh Nhân cho biết.
Nói về khả năng sốt đất quya trở lại, anh Nhân cho rằng, nếu đề xuất của huyện Vạn Ninh được thông qua thì không chừng cơn sốt sẽ quay trở lại.
“Sau sốt đất vừa rồi vẫn còn nhiều người chưa thể thoát hàng nên khi lệnh cấm được dỡ bỏ thì cơn sốt sẽ có thể lại diễn ra. Hiện nay, mọi thông tin về quy hoạch chưa rõ ràng, các doanh nghiệp lớn cũng không dại gì đầu tư thời điểm tranh sáng tranh tối như vậy. Do đó, đây sẽ lại là cuộc chơi của những người đầu cơ, lướt sóng ngắn hạn”, anh Nhân nói.
Ông Phan Việt Hoàng, Tổng thư ký hiệp hội bất động sản Khánh Hòa, cho biết đề xuất cho phép chuyển nhượng đất đai trở lại ở Vạn Ninh đang được UBND tỉnh xem xét và công bố trong thời gian tới.
Ông Hoàng cho rằng, việc cấp phép trở lại là cần thiết nhằm tạo điều kiện cho người dân. Tuy nhiên, với các nhà đầu tư, ông Hoàng khuyến cáo nên cẩn trọng đổ tiền trong thời điểm này khi các thông tin về quy hoạch về đặc khu chưa rõ ràng. Đặc biệt với những người dùng đòn bẩy tài chính ngân hàng để tham gia lướt sóng sẽ có nhiều rủi ro.
Rất nhiều điểm môi giới bất động sản dọc theo con đường ven biển tại thị trấn Vạn Ninh
Người dân mong được “cởi trói”
Bà Dung, một người dân ở thị trấn Vạn Ninh cho biết, chính quyền quy định cho phép tách thửa, chuyển quyền sử dụng đất nhưng với điều kiện 100% đất thổ cư là làm khó người dân.
“Ở đây đất thổ cư rất ít chủ yếu là đất nông nghiệp nên không thể tách thửa, chuyển đổi hay mua bán gì”, bà Dung nói.
Theo người phụ nữ này, gia đình bà có một miếng đất nông nghiệp đã được người ta hỏi mua với giá cao. Gia đình định bán để lấy một khoản tiền lo cho công việc sắp tới. Nhưng lệnh cấm vừa rồi đã khiến người mua đổi ý không mua nữa, kế hoạch của gia đình bà cũng không biết bao giờ thực hiện được.
Một người dân khác tên Trần Minh cũng cho rằng, quy định cấm tách thửa, chuyển quyền mục đích sử dụng đất thời gian của tỉnh Khánh Hòa là cần thiết để kiểm soát sốt đất. Nhưng ở phương diện nào đó, quy định này lại khiến cho người dân gặp nhiều khó khăn.
“Đất đai là tài sản của người dân, họ phải có quyền tự quyết với tài sản đó. Nhiều người muốn bán đất để chữa bệnh, cho con cái hay tách thửa, chuyển đổi cho con lập gia đình cũng không được”, ông Minh nói.
Ông Minh cho rằng, người dân ở đây bao đời khốn khó, cuộc sống mưu sinh chỉ dựa vào nghề biển bấp bênh. Đất đai trước đây cũng không có giá. Trong cơn sốt đất vừa rồi, giá đất tăng nhiều lần và họ có nhu cầu bán là quyền lợi chính đáng. Việc chính quyền cấm như vậy là không thỏa đáng, mà cần có biện pháp để khác để không ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.
Trần Phong
Theo cafeland.vn