Siêu dự án vẫn mịt mù sau 15 năm khởi công
- Dự án Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQG) tại Hoà Lạc (Thạch Thất, Hà Nội) được thiết kế là khu đô thị đại học hiện đại, tiên tiến bậc nhất khu vực Đông Nam Á, được Chính phủ thông qua báo cáo nghiên cứu tiền khả thi năm 2003 với tổng kinh phí đầu tư khoảng 7.320 tỉ đồng. Tuy nhiên, sau 15 năm khởi công với hàng nghìn tỉ đồng đã “đổ” vào dự án, khu đô thị đại học này vẫn còn chôn vùi trong cỏ, chưa biết khi nào có thể về đích.
Dự án ĐHQG Hà Nội được khởi công xây dựng từ ngày 20-12- 2003 với tổng quỹ đất lên đến 1.000ha. Theo kế hoạch ban đầu, dự án này được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, từ 2003 đến 2007 giá trị xây dựng là 3.877 tỉ đồng. Giai đoạns 2, từ 2008 đến 2015 giá trị xây dựng là 3.898 tỉ đồng.
Kế hoạch đặt ra là đến năm 2015, trên khu đất 1.000 ha này sẽ có 9 đại học thành viên, 8 viện, 13 trung tâm nghiên cứu, 4 trường THPT chuyên với quy mô hơn 41.000 sinh viên, học sinh học tập. Toàn bộ cơ sở hiện nay của ĐHQG Hà Nội ở nội thành được di dời lên Hòa Lạc.
Tuy nhiên, sau 15 năm triển khai, dự án mới làm được 6 tuyến đường, 3 khu nhà, đền bù giải phóng mặt bằng được 75% diện tích và chưa biết đến khi nào mới hoàn tất.
Năm 2013, Thủ tướng phê duyệt quy hoạch tổng thể, dự án ĐHQG Hà Nội tại Hòa Lạc được mở rộng thành 1.113 ha, thời gian thực hiện kéo dài đến năm 2025. Ngoài 1.000 ha là khu đại học và các cơ sở nghiên cứu cao cấp, diện tích còn lại là khu tái định cư. Dự án sẽ phục vụ cho khoảng 60.000 sinh viên, 3.500 học sinh chuyên và 6.550 cán bộ, nhân viên.
Tổng vốn đầu tư ước tính được nâng từ 7.320 tỉ đồng (năm 2003) lên hơn 25.800 tỉ đồng, trong đó 82,63% là vốn nhà nước. Tuy nhiên, từ năm 2003 đến nay, dự án mới được đầu tư khoảng 200 tỉ đồng, bằng 8% tổng vốn ước tính. Đây là một trong những lý do khiến dự án chậm tiến độ.
Theo quan sát, tìm hiểu của PV Cafeland, tại thời điểm hiện tại, dự án ĐHQG Hà Nội đã đưa vào sử dụng công trình khu nhà công vụ số 1. Đây là công trình đầu tiên được thi công với quy mô xây dựng 9.685m2 sàn, chiều cao 5 tầng.
Được biết, nhà công vụ số 1 là nơi ở của các chuyên gia, giáo viên thỉnh giảng trong nước và quốc tế, là tổ hợp dịch vụ, nơi tổ chức các hội nghị của ĐHQG Hà Nội với 97 phòng ngủ, hội trường 130 chỗ, khu ăn uống, giặt là, sân thể thao... đã xây dựng được hơn 10 năm với tiêu chuẩn khách sạn 3 sao. Một nhân viên kỹ thuật tại dự án cho biết, tại công trình này thi thoảng mới có vài hoạt động được tổ chức. Đối diện nhà công vụ số 1 là Ban quản lý đầu tư xây dựng ĐHQG Hà Nội - Bộ Xây dựng.
Những con đường không bóng người qua lại.
Theo quan sát, các nút giao thông tại dự án về cơ bản hoàn thiện nhưng hiệu quả sử dụng gần như bằng không, gây ra sự lãng phí lớn.
Hàng trăm héc ta đất dự án đến nay vẫn phủ kín trong cỏ.
Hiện nay, chỉ có Trung tâm giáo dục Quốc phòng - An ninh quản lý, khai thác các hạng mục công trình phục vụ công tác giáo dục quốc phòng và an ninh cho sinh viên theo mô hình tập trung tại Hòa Lạc. Hết đợt huấn luyện quân sự, khi các đoàn sinh viên rời đi cũng là lúc khung cảnh dự án bị trả lại không gian hoang vu, tĩnh mịch.
Khu ở của công nhân thi công dự án.
Trong khuôn viên dự án, nhiều hộ dân đã nhận tiền đền bù vẫn sinh sống trên mảnh đất đáng ra họ đã phải di dời do chưa bố trí được khu tái định cư để người dân đến ở. Công tác giải phóng mặt bằng do đó vẫn chưa hoàn thành.
Trao đổi với Cafeland, một nhân viên kỹ thuật cho biết, hiện trong khu vực dự án đang triển khai xây dựng tòa T1 khoa Toán – Cơ – Tin do trường Đại học Khoa học tự nhiên thuộc ĐHQG Hà Nội làm chủ đầu tư. Hiện nay dự án đang trong giai đoạn ép cọc.
Công trình Toán - Cơ - Tin đang trong giai đoạn ép cọc.
“Dự án của của khoa Toán – Cơ – Tin mới triển khai và cũng chưa biết khi nào mới hoàn thành được”, nhân viên kỹ thuật này cho biết.
Theo tìm hiểu, ngày 30-9-2008, dự án xây dựng ĐHQG Hà Nội tại Hòa Lạc được chuyển cho Bộ Xây dựng làm chủ đầu tư. Từ thời điểm đó đến năm 2017, đơn vị này tập trung làm đường sá chạy khắp khu đất 1.000 ha. Cuối năm 2017, ĐHQG Hà Nội nhận lại vai trò chủ đầu tư dự án.
Để đẩy nhanh tiến độ dự án, năm 2017, Thủ tướng Chính phủ cũng đồng ý ưu tiên cấp kinh phí và cho phép áp dụng cơ chế đặc thù đối với dự án này. Tuy nhiên, từ 2017 cho đến hạn hoàn thành chỉ còn 8 năm, vẫn là khoảng thời gian đáng nghi ngại về khả năng về đích của dự án.
Ngoài ra, dự án với mục tiêu di dời ĐHQG Hà Nội nhằm giảm tải cho nội đô (theo đề án năm 2013). Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng cho rằng khó đạt được mục tiêu này. Đề án đặt mục tiêu lấy 7,44% vốn đầu tư dự án ở Hòa Lạc từ việc xã hội hóa chuyển giao tài sản và quyền sử dụng đất các cơ sở hiện nay của trường. Tuy nhiên, với khoản kinh phí không hề nhỏ đó, các chủ đầu tư xã hội hóa khó có thể dùng nó vì mục tiêu giảm tải cho nội đô.
Tâm An
Theo cafeland.vn