Sẽ có nhiều nhà đầu tư Tây Âu gia nhập thị trường bất động sản Việt sau EVFTA?
- Theo bà Hoàng Nguyệt Minh, Phó Giám đốc Tư vấn Đầu tư, Savills Hà Nội kỳ vọng, sau khi hiệp định thương mại tự do Châu âu - Việt Nam (EVFTA) được ký kết, sẽ có nhiều hơn các nhà đầu tư Tây Âu như Hà Lan và Anh bày tỏ sự quan tâm đến thị trường bất động sản Việt Nam.
Hiện nay thị trường bất động sản Việt Nam chưa có nhiều gương mặt của các nhà đầu tư Tây Âu. Tuy vậy đã có một số tên tuổi của các nhà đầu tư Đông Âu như Nga, Séc, Slovakia xuất hiện.
Do vậy, bà Hoàng Nguyệt Minh kỳ vọng hiệp định EVFTA sẽ là chất xúc tác khiến các nhà đầu tư khu vực Tây Âu quan tâm nhiều hơn đến thị trường bất động sản Việt Nam.
Đối với lĩnh vực quản lý vận hành khách sạn, hiện có thể thấy các thương hiệu quản lý vận hành khách sạn của châu Á đang phát triển mạnh tại thị trường nghỉ dưỡng Việt Nam. Các thương hiệu châu Âu chủ yếu thông qua việc bán hoặc chuyển nhượng thương hiệu cho một đơn vị/nền tảng trung gian tại châu Á để gia nhập thị trường Việt Nam.
“Khó có thể dự đoán trước việc hiệp định EVFTA có thúc đẩy các đơn vị quản lý vận hành châu Âu tăng cường sự hiện diện của mình ở Việt Nam hay không, nhưng chúng tôi rất kỳ vọng vào điều này. Sự gia nhập của các thương hiệu châu Âu chắc chắn sẽ đem đến nhiều lựa chọn hơn cho khách hàng và nâng tầm chất lượng sản phẩm nghỉ dưỡng”, bà Minh đánh giá.
Ảnh minh hoạ.
Trước bối cảnh đó, theo đại diện Savills, các doanh nghiệp Việt Nam nên nhìn nhận đây là một cơ hội bởi việc các doanh nghiệp châu Âu có nhiều lợi thế và sự góp mặt của họ cũng có thể mang lại những hợp tác có giá trị cho doanh nghiệp Việt.
Cụ thể, các doanh nghiệp châu Âu có lợi thế trong việc ứng dụng công nghệ tân tiến trong bất động sản. Thêm vào đó chi phí vốn (lãi suất) ở châu Âu hiện đang thấp hơn thị trường châu Á, vì vậy đây có thể là một kênh thu hút FDI, nhất là với lợi thế và thuế như hiện nay, có thêm kênh kêu gọi vốn thay vì phụ thuộc chủ yếu vào thị trường châu Á như hiện nay.
Doanh nghiệp Việt Nam vẫn luôn có lợi thế vì dễ tiếp cận với quỹ đất hơn cả. Hơn nữa, thị trường M&A hiện là thị trường của bên bán; doanh nghiệp Việt Nam có nhiều lựa chọn về đối tác nhà đầu tư và có thể bán cổ phần vốn với giá cao hơn nhờ sự cạnh tranh của các bên mua.
So giữa các nhà đầu tư ngoại, trong ngắn hạn doanh nghiệp châu Á vẫn có lợi thế hơn trong phát triển dự án bất động sản, đặc biệt là sản phẩm nhà ở bởi hiểu biết và quen thuộc hơn với văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam.
“Doanh nghiệp châu Âu thay vì hướng đến phân khúc nhà ở nên tập trung phân khúc bất động sản thương mại trong đó có thể kể đến khách sạn”, bà Minh nhận định.
Tâm An
Theo cafeland.vn