Quảng Nam: Nỗi lo tái định cư từ các dự án
Điều khiến người dân quan tâm và lo lắng là cuộc sống sau khi Nhà nước thu hồi đất để làm dự án. Bên cạnh đất sản xuất, sinh kế, việc làm thì nỗi lo thường trực là đất tái định cư để sớm ổn định cuộc sống theo hướng tốt hơn tại nơi ở mới.
Dự án Làng chài Điện Dương (Điện Bàn) mắc nhiều sai phạm trong bồi thường, GPMB
Cần công khai minh bạch
Phải khẳng định, mục tiêu xây dựng và phát triển là nguyện vọng chung của nhân dân và người dân cũng là đối tượng được hưởng lợi hoặc bị ảnh hưởng trực tiếp. Do đó, việc triển khai thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đa số nhận được sự đồng thuận từ người dân từ định hướng triển khai cho đến các chủ trương, chính sách. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện thì tình trạng khiếu nại, khiếu kiện của người dân vẫn diễn ra khá phổ biến.
Nguyên nhân được Sở TN&MT Quảng Nam nhận định là, do quá trình triển khai thực hiện công tác đền bù GPMB tại một số địa phương của một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự công khai, minh bạch, chưa thực hiện thỏa đáng, đúng quy định. Trong chỉ đạo điều hành chưa quyết liệt, dứt điểm, quyền lợi của người dân chưa được giải quyết một cách hài hòa trong mối quan hệ với Nhà nước và chủ đầu tư.
Người dân cho rằng, yếu tố then chốt trong công tác bồi thường, GPMB là phải công khai ngay từ bước quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cho đến thực hiện công tác bồi thường, GPMB để người dân được trực tiếp tham gia thảo luận và giám sát ngay từ đầu. Việc công khai, minh bạch phải thực chất, đúng quy định, trong đó phải gắn trách nhiệm, quyền lợi của người dân, Nhà nước và nhà đầu tư thì mới tạo được niềm tin, sự đồng thuận cao trong nhân dân. Một số chủ đầu tư tại các dự án chia lô bán nền tại Điện Bàn qua mặt cả chính quyền địa phương tự kiểm kê, áp giá đền bù cho người dân khi chưa có quyết định thu hồi đất, không niêm yết thông báo công khai theo quy định, đang là thực tế diễn ra tại Điện Bàn hiện nay.
Nguồn nhân lực để thực hiện hiệu quả công tác bồi thường, GPMB cũng đang là vấn đề nan giải của Quảng Nam. Nhân lực tham gia trực tiếp vào các hoạt động như: tham mưu xây dựng chính sách pháp luật về bồi thường, GPMB, tham gia trực tiếp kiểm đếm, xây dựng phương án, thẩm định, giải quyết vướng mắc, công tác phổ biến, tuyên truyền vận động… Nhưng trên thực tế, việc bố trí đúng trình độ năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức, cũng như công tác đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ thực hiện công tác bồi thường, GPMB của Quảng Nam vẫn còn nhiều hạn chế dẫn đến nhiều vụ việc cán bộ lợi dụng thi hành công vụ cố ý làm trái các quy định của nhà nước, trái pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng khiến dự án bị chậm triển khai, hàng loạt cán bộ bị kỷ luât, bị khởi tố như ở Dự án Làng Chài Điện Dương (Điện Bàn); Dự án đường ĐT 607, Dự án Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đi qua địa bàn tỉnh Quảng Nam… cũng bị chậm tiến độ kéo dài do người dân phản ứng quyết liệt và khiếu kiện tập thể vì không đồng tình với giá đất bồi thường mà chính quyền đưa ra gây nhức nhối trong xã hội.
Nhiều dự án ven biển Quảng Nam chậm triển khai do vướng mắc trong công tác bồi thường, GPMB
Nhọc nhằn tái định cư
Vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ TĐC để giải phóng mặt bằng đang được xem là rào cản lớn trong thu hút đầu tư và triển khai thực hiện các dự án của Quảng Nam hiện nay.
Tại Quảng Nam, ngoài 300 dự án đầu tư khai thác quỹ đất đã và đang thực hiện, hàng chục dự án khu du lịch, vui chơi ven biển đang treo không thời hạn, thì chỉ tính riêng Vùng Đông của tỉnh này gồm các huyện Duy Xuyên và Thăng Bình tỉnh Quảng Nam đã tiếp nhận 17 dự án với nhu cầu bồi thường, GPMB là 2.258ha. Ngoài dự án Vinpeal Nam Hội An (179ha) đã đi vào hoạt động, còn lại các dự án có quy mô diện tích lớn như: Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An (985ha), Khu nghỉ dưỡng phức hợp quốc tế An Thịnh (184ha), Khu phức hợp nghỉ dưỡng Bình Dương (184ha), các dự án của Tập đoàn BRG (508ha)… đang trong giai đoạn lập thủ tục đất đai, xây dựng và triển khai công tác bồi thường, GPMB với nhu cầu quỹ đất TĐC là khá lớn.
Theo quy định của Luật đất đai, công tác tái định cư (TĐC) phải đi trước một bước trong quy trình thực hiện công tác bồi thường, GPMB. Đồng thời UBND cấp huyện có trách nhiệm căn cứ vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm để huy động nguồn lực lập dự án và đầu tư xây dựng khu TĐC, khu nghĩa trang, nghĩa địa, làng nghề. Tuy nhiên, thực tế trong thời gian qua tại Quảng Nam, công tác TĐC chưa được các địa phương của Quảng Nam quan tâm đúng mức, thậm chí tại nhiều dự án người dân đã nhận đủ tiền bồi thường, nhưng vài năm sau đó mới nhận được đất TĐC, hoặc người dân nhận tiền đền bù nhưng không đủ để mua lại đất khu TĐC vì thực tế giá đất trong khu TĐC cao hơn nhiều lần.
Ngoài ra, việc lựa chọn chủ đầu tư năng lực hạn chế, quy trình cấp vốn, trách nhiệm xây dựng khu TĐC của địa phương lúng túng kéo dài thời gian từ bước triển khai xây dựng, đến bước giao đất cấp sổ đỏ cho người dân làm nhà, khiến cuộc sống của nhiều hộ dân nằm trong vùng dự án đang gặp vô vàn khó khăn đã cho thấy hệ lụy từ việc thực hiện theo quy trình ngược, TĐC theo sau của Quảng Nam.
Ngọc Khánh (Báo Tài Nguyên Môi Trường)
Theo cafeland.vn