Quản trị chung cư và những cuộc đấu đá khốc liệt
Quản trị chung cư đã thực sự trở thành một nghề béo bở, nhiều quyền lực và… hái ra tiền.
Ban quản trị cũ của chung cư HUD3 Tower đã từng bị bãi nhiệm do quản lý quỹ bảo trì, các khoản thu không hợp lý. Ảnh: PĐ
Đã có thời, Ban quản trị (BQT) nhà chung cư/tập thể được mặc định là nơi sinh hoạt của những người hưu trí, hoặc nếu còn trẻ, thì cũng phải rảnh rỗi, chấp nhận hao công, tốn sức cho những công việc chung được gọi vui là “vác tù và hàng tổng”. Thế nhưng ở thời hiện tại, khi Ban quản trị được phép đại diện vận hành số tiền khổng lồ từ quỹ bảo trì, thì câu chuyện lại trở nên rất rất khác.
“Nghề” quản trị chung cư
Theo quy định tại Điều 103 Luật Nhà ở 2014, đối với nhà chung cư có từ 20 căn hộ trở lên thì phải thành lập Ban quản trị (BQT) nhà chung cư. Những người trong BQT sẽ đại diện cho cư dân trong việc quản lý, điều hành các hoạt động chung của tòa nhà như thuê mướn dịch vụ bảo vệ, mua sắm, sửa chữa, cho thuê các không gian sinh hoạt chung... Họ có lương, dù khá thấp, được trích từ những khoản đóng góp chung hoặc từ quỹ bảo trì tòa nhà.
Không thể phủ nhận những thành viên BQT của rất nhiều tòa chung cư hoàn thành rất tốt nhiệm vụ khi được cư dân và chính quyền tin tưởng giao phó. Họ là những người có đóng góp rất lớn để duy trì sự ổn định và phát triển của mô hình nhà chung cư.
Tuy nhiên, thời gian qua, liên tiếp các vụ tranh chấp giữa cư dân với chính BQT do cách làm việc thiếu hiệu quả, thiếu năng lực và minh bạch… đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về thực trạng yếu kém của đội ngũ này.
Theo ghi nhận của PV, bất cập lớn nhất tại các tòa chung cư hiện nay chính là việc BQT đã chi tiêu như thế nào với khoản phí bảo trì vốn rất lớn, có thể lên tới hàng chục, hàng trăm tỉ đồng (phí bảo trì bằng 2% giá trị căn hộ, nộp trước khi bàn giao).
Tác giả viết bài này đã từng được mời tới dự cuộc họp của tại chưng cư HUD3 Tower (địa chỉ 121 - 123 Tô Hiệu, Hà Đông, Hà Nội) hòng “đấu tố” ông trưởng BQT đã có những nhập nhèm trong chi tiêu. Theo đó, trong suốt thời gian hoạt động từ tháng 6.2016 - 4.2018, BQT chung cư HUD3 Tower đã không tuân thủ việc sử dụng quỹ bảo trì của tòa nhà, việc bảo trì các thiết bị phần sở hữu chung không theo quy trình bảo trì, kế hoạch bảo trì không được thông qua hàng năm tại hội nghị cư dân.
BQT đã không bóc tách rõ các phần việc, mập mờ giữa bảo trì và bảo dưỡng để rút tiền bảo trì của cư dân. Những công việc thuộc phần bảo dưỡng thì không được phép sử dụng quỹ bảo trì để chi trả mà dùng từ tiền phí dịch vụ hàng tháng cư dân đóng cho đơn vị vận hành. Quỹ bảo trì chỉ dùng để thanh toán các khoản thuộc kinh phí bảo trì đã được hội nghị cư dân thông qua hàng năm.
Chính sự khuất tất, không rõ ràng trong các khoản chi tiêu, gây thất thoát tiền quỹ của BQT chung cư HUD3 Tower đã khiến cho cư dân tại đây vô cùng bức xúc. Vì vậy, đến giữa tháng 8.2018, một số cư dân tại đây đã tập hợp, xin chữ ký hơn 70% cư dân sinh sống tại tòa nhà, tổ chức hội nghị chung cư bất thường. Đến cuối tháng 8.2018, BQT mới của tòa nhà đã được lập ra để điều hành, duy trì các hoạt động của chung cư, thay cho BQT cũ.
Nhiều đặc quyền, đặc lợi
Gần đây hơn, trong phản ánh tới báo chí, nhiều cư dân đang sinh sống tại khu chung cư cao cấp Hapulico (số 1 Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, từ khi được thành lập (tháng 7.2017), BQT cụm nhà chung cư Hapulico hoàn toàn không tiếp dân, không công khai quỹ bảo trì, các khoản chi tiêu, các hồ sơ quy hoạch của khu chung cư này.
Cư dân đã có văn bản yêu cầu được tiếp cận các số liệu một cách minh bạch. Thế nhưng, thay vì trả lời và giải quyết các kiến nghị của cư dân, BQT lại công bố trên loa đến từng nhà dân kiện lên công an quận về việc một số cư dân làm ảnh hưởng đến việc xin ý kiến bằng văn bản và có một số chữ ký giả và tiếp tục phớt lờ những kiến nghị chính thức của cư dân.
Lùm xùm tại chung cư Hapulico càng căng thẳng hơn sau vụ việc một cư dân ở tòa nhà T2 là ông T.B.D bị hành hung tối 14.9 khi có nhiều nhân viên bảo vệ của tòa nhà gần đó. Tiếp đó, tối 16.9, nhiều cư dân Hapulico tập trung tại khu sân dãy nhà 17T3 và 17T4 nhằm làm rõ vụ việc ông T.B.D bị hành hung, thì bị lực lượng bảo vệ tại đây xô đẩy, giải tán. Được biết, Trưởng BQT chung cư là ông Hoàng Tuấn Việt, trớ trêu thay lại là nhân viên của Chủ đầu tư.
Đi sâu vào tìm hiểu được biết, hiện nay trên Facebook tồn tại không ít các nhóm, hội kín được lập ra để chia sẻ kinh nghiệm ứng cử vào vị trí BQT tòa nhà. Những người này coi đó là nghề kiếm tiền, thậm chí kiếm nhiều tiền nên đã không ngần ngại dạy nhau cách “làm kinh tế” từ các khoản tiền chung.
Thậm chí, có người còn tuyên bố cứ 5 - 7 năm sẽ chuyển chỗ ở một lần, mà lần sau phải đến những khu đông người ở hơn và cao cấp hơn. Sau khi “ăn đủ” ở khu chung cư này sẽ đến khu chung cư khác để gây dựng cơ sở mới...
Không ít trường hợp cư dân “tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa”, khi các thành viên BQT cả mới và cũ sau thời gian đầu ghi điểm bằng sự năng nổ, nhiệt tình, đã quay ra lo cho lợi ích riêng của mình nhiều hơn, trong đó có việc nhập nhèm thu chi các loại quỹ hoặc đơn giản là đứng về phía chủ đầu tư để lấp liếm các sai phạm của đơn vị này, cố tình lờ đi trách nhiệm của mình là đại diện cho toàn bộ dân cư...
Long Nguyễn - Phạm Đông (Lao động)
Theo cafeland.vn