Quá cần nơi ở, công nhân sập bẫy cò
Nhu cầu nhà ở tăng cao, cơn sốt đất cứ liên tục nhảy múa khiến không ít lao động ngoại tỉnh tại TP HCM sập bẫy "cò"
Đầu năm 2019, UBND TP HCM mở đợt tổng kiểm tra các đợt cao điểm xử lý nhà không phép. Kết quả, hàng loạt công trình nhà ở bị đập bỏ. Đằng sau những mảng vỡ bê-tông là những gia đình công nhân (CN) ngoại tỉnh rơi vào cảnh "tiền mất tật mang".
Nhắm mắt làm liều
Một chiều tháng 3, chúng tôi tìm đến xã Vĩnh Lộc A - điểm nóng về xây dựng nhà trái phép trên địa bàn huyện Bình Chánh, TP HCM. Đứng trước căn nhà vừa bị cưỡng chế đập bỏ trong một con hẻm nhỏ nằm trên đường Lê Thị Dung, anh Mai Văn Thới (39 tuổi, quê Quảng Ngãi) nói như khóc: "Mất hết, mất hết rồi anh ơi".
Cách đây vài tháng, qua lời giới thiệu của một đồng nghiệp cùng công ty, anh Thới tiếp xúc với "cò" N. Biết anh đang cần chỗ ở, "cò" N. nói sẽ bán đất (diện tích 28 m2) và bao luôn việc xây nhà cho anh với chi phí 500 triệu đồng. Để thuyết phục anh, "cò" N. khoe đã nhận tiền cọc của nhiều người khác. Nhắm mắt làm liều, anh Thới chồng 80% số tiền nói trên cho "cò" và chỉ 1 tuần sau thì nhận được nhà. Dọn vào nhà mới chưa được 1 tháng, anh tá hỏa khi chính quyền địa phương ra thông báo buộc tháo dỡ. Chứng kiến bao nhiêu tiền của dành dụm tan tành tất cả, anh Thới gần như chết điếng. Cùng cảnh ngộ với anh còn có 4 CN khác.
Gần nền nhà cũ của anh Thới, chúng tôi thấy một cụ bà đang nằm trên võng, bên trên được che tạm bằng bạt. Hỏi thăm thì biết cụ và con gái (là CN) cũng rơi vào hoàn cảnh như anh Thới. Vì tin lời "cò" đất, cụ và con gái đã chồng đủ 500 triệu đồng để có chỗ an cư. Dọn về ở chưa được 1 tuần thì gia đình nhận quyết định cưỡng chế. Tiếc của nên gần 1 tháng qua, con gái cụ bỏ việc công ty giày dép để xin xỏ, chạy vạy nhưng bất lực. Mái ấm của họ giờ chỉ là một đống xà bần, tôn và gạch nằm lăn lóc.
Anh Thới cho biết người dân ở đây phần lớn là lao động ngoại tỉnh từ khắp các địa phương về. Với mong muốn thoát cảnh ở trọ, nhiều người đã tìm đến khu vực có đất nông nghiệp để mua đất xây nhà và họ đã rơi vào bẫy của "cò" đất. "Muốn có nhà, đất đầy đủ pháp lý thì phải có trong tay trên 1 tỉ đồng và điều này nằm ngoài khả năng của CN. Biết những khu đất ruộng như thế này không được cấp phép xây nhà nhưng do nhu cầu an cư bức bách nên chúng tôi phải chấp nhận và giờ thì gánh hậu quả nặng nề" - anh Thới trần tình.
Căn nhà của anh Mai Văn Thới giờ chỉ còn nền đất trống và đống gạch vụn
Xem xét lại quy hoạch
Tại một khu đất nằm ở khu vực giáp ranh huyện Bình Chánh và Hóc Môn, chúng tôi chứng kiến có 30 nền đất được phân lô sẵn nhưng cỏ mọc um tùm. Một người dân địa phương cho biết 80% người mua những khu này là CN của KCN Vĩnh Lộc.
Tin lời "cò", chị Phạm Thị Thu Thảo (38 tuổi, quê Nghệ An) đã chuyển 530 triệu đồng để mua nhà. Thế nhưng, dù chồng đủ tiền, chị vẫn chưa nhận được nhà vì khu vực này đã có biển cấm xây dựng. "Tôi phải vay mượn người thân, cầm cố căn nhà ở quê mới có được bấy nhiêu tiền. Đổi lại, tôi chỉ có mảnh đất 25 m2 với cỏ mọc um tùm và không được phép xây dựng" - chị Thảo rầu rĩ.
Tìm đến khu nhà không phép trên đường Phạm Văn Sáng, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, chúng tôi tiếp xúc 2 gia đình CN bị "cò" dụ dỗ mua nhà trái phép với cùng thủ đoạn trên. Suốt hơn 2 năm qua, họ sống trong lo âu khi chính quyền thông báo sẽ cưỡng chế. Anh Thành, một trong 2 nạn nhân của "cò", bày tỏ: "Tưởng chừng mua nhà sẽ được ngủ ngon. Con cái có chỗ tá túc, đăng ký hộ khẩu thoải mái. Nhưng giờ vừa ôm cục nợ vừa ôm nỗi lo nhà có thể bị đập bất cứ lúc nào".
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch UBND xã Xuân Thới Thượng, cho biết chính quyền thường xuyên phát loa khuyến cáo người dân về hậu quả của việc xây dựng nhà không phép. Tuy nhiên, nhiều người vẫn phớt lờ. Thậm chí, xã còn phân công cán bộ theo dõi mạng xã hội, phát hiện "cò" đất rao bán dự án ở khu vực nào trên địa bàn là cắm biển cảnh báo. Thế nhưng, nhiều đối tượng lừa đảo táo tợn đến mức bẻ các biển cảnh báo hoặc xịt sơn để người dân không tiếp cận được thông tin.
Theo báo cáo từ Thanh tra Sở Xây dựng TP, hầu như năm nào tại 2 huyện Bình Chánh và Hóc Môn cũng xảy ra tình trạng xây dựng không phép. Không ít cán bộ phụ trách đô thị tại 2 địa phương này bị kỷ luật do "buông lỏng quản lý". Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM, cho biết theo quy hoạch sử dụng đất, đất nông nghiệp chiếm tỉ lệ lớn. Trong khi chỉ tiêu cho phép về mật độ xây dựng rất ít. Từ đó, sự phát triển "nóng" về quy mô dân số dẫn đến nhu cầu nhà ở tăng đột biến. "Mỗi lần cơ quan chức năng phát hiện xây dựng không phép, sai phép thì người dân liên quan chịu thiệt thòi nhất khi bao nhiêu tài sản bị đập bỏ. Từ việc này, cần xem xét lại quá trình quy hoạch để hợp lý hơn" - ông Tuấn nói.
Chọn thuê nhà 20 hoặc 49 nămÔng Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM, cho biết hiện kết quả khảo sát từ Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM cho thấy có đến 81.000 hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu nhà ở xã hội trong giai đoạn 2016-2020. Trong đó, lao động trong KCN là 17.000 người. Đa số các nhóm đối tượng đều chọn phương thức thuê mua nhà ở xã hội, chiếm tỉ lệ từ 65% đến 94%. Để ổn định lâu dài, người lao động có thể thuê những dự án nhà ở dài hạn. TP HCM đã có doanh nghiệp thực hiện mô hình cho thuê 20 năm, 49 năm và mỗi tháng người thuê chỉ trả từ 2 triệu đồng trở đi hoặc trả một khoản rồi trả góp dần. |
Lê Phong (NLĐ)
Theo cafeland.vn