Phòng cháy, chữa cháy ở khu chung cư, tập thể: Nỗi bất an mang tên “chuồng cọp”
Nhắc đến những khu tập thể ở Hà Nội, không ai còn xa lạ với những cụm từ “lồng chim” hay “chuồng cọp”...
...Nếu trước đây đơn thuần là những tấm sắt hàn để tạo khoảng không lấn ra bên ngoài thì nay nhiều “lồng chim”, “chuồng cọp” đã biến tướng thành những không gian “cứng”, thậm chí là bê tông kiên cố, bất chấp kết cấu, tuổi thọ tòa nhà. Đáng ngại hơn, đây cũng là nguyên nhân gây ra nhiều trở ngại, khó khăn trong thoát nạn cũng như công tác triển khai các phương án cứu hộ, cứu nạn của lực lượng chức năng khi có sự cố xảy ra.
Nguy hiểm thường trực
Ghi nhận thực tế tại các khu tập thể cũ ở Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân, Hà Nội); Giảng Võ, Thành Công, Vạn Bảo (quận Ba Đình, Hà Nội); Kim Liên (quận Đống Đa, Hà Nội); Bách Khoa (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội); Nam Đồng (quận Đống Đa, Hà Nội) các “chuồng cọp” mọc lên chi chít, có gia đình còn dựng tới ba “chuồng cọp’’, chiếm dụng triệt để không gian bên ngoài.
Đáng nói, phần lớn những hộ vi phạm đều không ý thức được sự nguy hại khi biến nhà thành “lô cốt” như vậy. Họ đơn thuần chỉ coi đây là cách để chống trộm và bảo vệ sự an toàn, nhất là những gia đình có trẻ nhỏ. Hệ lụy là, chính những “chuồng cọp” trên cao như thế vô tình đã ngăn lối thoát nạn duy nhất của căn nhà, khiến công tác chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn gặp rất nhiều khó khăn. Khu tập thể Bách Khoa (quận Hai Bà Trưng) là một ví dụ. Theo khảo sát thực tế, tại đây trên 90% các căn hộ tập thể đều có phần diện tích tăng thêm. Thậm chí không ít “chuồng cọp” còn được đổ nền, xây dựng bằng gạch kiên cố.
Tương tự, tại khu tập thể Thành Công, nhiều nhà dân lấn chiếm khoảng không để làm “chuồng cọp”, làm công trình cơi nới sát với cột điện, đường dây điện, thậm chí có những hộ làm “chuồng cọp” ngay sát đường điện cực kỳ nguy hiểm.
Không chỉ là “căn bệnh” cố hữu ở các khu tập thể cũ, thói quen cơi nới đã lan ra cả những khu đô thị mới, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn công trình, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC). Ghi nhận tại khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính (quận Thanh Xuân và Cầu Giấy) tại các tòa nhà N5A, N5B, N5C… đều bắt đầu manh nha hiện tượng người dân cơi nới, dùng khung sắt bao quanh ban công.
Theo tìm hiểu, hầu hết người dân sống ở các khu chung cư cao tầng hiện nay chỉ xem cầu thang bộ là lối lên xuống khi cầu thang máy không hoạt động mà chưa xem đây là lối thoát nạn quan trọng nhất khi xảy ra cháy. Vì thế mà lối thoát nạn đang được sử dụng sai mục đích. Nhiều khu chung cư, cửa chống khói, quạt tăng áp ở lối thoát hiểm cầu thang bộ đều bị hỏng. Nếu xảy ra cháy, tính mạng hàng trăm hộ dân sẽ bị đe dọa.
Mô hình cần nhân rộng
Khách quan nhìn nhận, xu hướng làm “chuồng cọp” phòng trộm mà quên phòng cháy đang diễn ra ở nhiều khu tập thể, thậm chí chung cư mới. Do gia cố vật liệu kiên cố vào cửa sổ, ban công… nên khi cháy xảy ra, lực lượng PCCC tiếp cận cứu người rất khó khăn. Chưa kể mất thời gian để cắt “chuồng cọp”, cắt khóa cửa… nên tốc độ xử lý sự cố cháy nổ, cứu hộ cứu nạn các nạn nhân gặp nhiều khó khăn.
Trong thời điểm ý thức người dân liên quan đến công tác PCCC chưa cao, nguy cơ xảy ra cháy nổ thường trực thì công tác chủ động ứng phó với các sự cố cháy nổ là hết sức cần thiết. Mô hình tuyên truyền, mở lối thoát hiểm tại các khu vực “chuồng cọp” ở phường Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) do UBND phường phối hợp với Phòng Cảnh sát PC&CC số 3 (Cảnh sát PC&CC TP Hà Nội) là một điểm sáng cần nhân rộng.
Theo tìm hiểu, trước đây các khu nhà tập thể cũ trên địa bàn phường Nghĩa Tân thường không có hệ thống PCCC. Nguy cơ xảy ra cháy nổ cao nhưng nhiều hộ dân vẫn chủ quan đối với vấn đề này. Nhận rõ những điểm bất cập này, Phòng Cảnh sát PCCC số 3 phối hợp UBND quận Cầu Giấy, UBND phường Nghĩa Tân kiểm tra, rà soát các khu nhà tập thể cũ tại phường, thí điểm mở lối thoát hiểm tại các khu vực “chuồng cọp” tại nhà tập thể A12.
Sau quá trình vận động tuyên truyền, ý thức của người dân đối với công tác PCCC được nâng cao rõ rệt. Đến thời điểm hiện tại, gần như 100% các hộ dân sinh sống trong khu nhà tập thể A12 đã tiến hành trổ cửa tại khu vực “chuồng cọp” để làm lối thoát nạn dự phòng khi có sự cố cháy, nổ xảy ra. Theo một cán bộ UBND phường Nghĩa Tân, kích thước cửa tối thiểu là 0.6x0.8m và tùy theo điều kiện thực tế từng căn hộ có thể lớn hơn. Đặc biệt, vị trí cửa thoát hiểm luôn được khóa bằng khóa treo, đồng thời chìa khóa mở cửa cũng được để ở vị trí gần cửa, nơi mọi thành viên trong gia đình đều biết.
Qua cách làm và tuyên truyền từ mô hình trên có thể thấy mối lo PCCC từ “chuồng cọp”, “lồng chim” hoàn toàn có thể khắc phục được nếu có sự chung tay cùng với tinh thần trách nhiệm của chính quyền các cấp và cộng đồng dân cư. Hỏa hoạn sẽ được ngăn chặn ngay tại mỗi gia đình, hậu quả từ những sự cố cháy, nổ sẽ không tiếp diễn nếu có phương án phòng ngừa khoa học, hợp lý.
Sơn Bình (PLVN)
Theo cafeland.vn