Phát triển nhà cao tầng nhưng phải hài hòa
Từ năm 1998 đến nay, đô thị Hà Nội phát triển vượt bậc. Đặc biệt trong hơn 10 năm qua, hàng loạt các khu đô thị mới, các chung cư cao tầng được mọc lên không chỉ góp phần giải quyết chỗ ở mà còn làm thay đổi bộ mặt đô thị.
Không thể phủ nhận “công” của các công trình cao tầng trong giải quyết bài toán “đất chật, người đông”, gia tăng sức hấp dẫn của đời sống đô thị. Nhưng, bên cạnh đó nhiều bất cập cũng như phức tạp nảy sinh trong phát triển nhà cao tầng. Ở khu vực nội đô, việc quá đông người cư trú ở một số địa điểm gây áp lực lớn lên hệ thống hạ tầng của thành phố, dẫn tới ùn tắc giao thông, ngập lụt…
Không khó để thống kế những tuyến phố không lớn của Thủ đô nhưng phải gánh hàng chục tòa nhà chung cư như: Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Tuân, Lê Văn Lương, Ngụy Như Kon Tum, quận Thanh Xuân; Định Công, Lĩnh Nam quận Hoàng Mai,… Cùng với đó, một số trường hợp thực hiện không theo quy hoạch, tự ý thay đổi tầng cao, mật độ, điển hình như cụm nhà chung cư HH Linh Đàm.
Những ngôi nhà cao tầng mọc lên như nấm gây áp lực lớn lên hạ tầng đô thị. (ảnh: Tuấn Dũng)
Có thể nói, câu chuyện về các chung cư cao tầng mọc lên như nấm ở Thủ đô Hà Nội đã gây áp lực cực lớn lên hạ tầng đô thị. Lấy ví dụ ở phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, có tổng cộng 78 chung cư, hơn một nửa trong số đó có độ cao trên 20 tầng. Tính đến cuối năm 2018, dân số ở đây ước tính khoảng 80.000 người, gấp vài lần so với một phường cũ ở nội đô. Hai trường tiểu học trên địa bàn phường cũng “nổi tiếng” cả nước với chương trình học luân phiên cả ngày cuối tuần.
Nhận thức rõ tình hình này, để hạn chế tình trạng phát triển “nóng” cũng như lập dần lại trật tự trong phát triển nhà cao tầng, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử của thành phố.
Theo đó, nội đô lịch sử được chia thành 7 khu vực để kiểm soát và quản lý tầng cao, chiều cao xây dựng công trình. Theo Quy chế này, Hà Nội cho phép nghiên cứu xây dựng công trình cao tầng tại 2 bên đường vành đai, tuyến phố hướng tâm, điểm nhấn đô thị; đồng thời xây dựng theo hướng giảm dần tầng cao từ đường Vành đai 2 vào trung tâm thành phố.
Bên cạnh đó, quy định các chỉ tiêu về diện tích đỗ xe (quy mô tầng hầm) đối với các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn cũng được UBND TP Hà Nội ban hành... Nhìn chung, kể từ khi có quy chế quản lý này về cơ bản vấn đề quản lý quy hoạch nhà cao tầng khu vực nội đô được thực hiện tốt, tuy nhiên vẫn còn nhiều vướng mắc chưa được giải quyết.
Về vấn đề này, theo PGS Nguyễn Văn Hùng – nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng tư vấn thêm, khi đầu tư xây dựng hạ tầng hiện nay chúng ta chưa tính đến được việc tận dụng các quỹ đất xung quanh để có thể bù đắp chi phí hoặc thu lời. Bên cạnh việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghiêm túc quy hoạch, thành phố Hà Nội cần tránh lệ thuộc các doanh nghiệp trong việc thực hiện quy hoạch cũng như công tác triển khai dự án.
Bao gồm việc lập quy hoạch các khu chung cư cũ, hay cải tạo các đô thị mới Hà Nội có thể thí điểm đặt hàng các đơn vị tư vấn trong và ngoài nước, trên tinh thần cởi mở, công khai, minh bạch. Nguồn lợi từ việc đấu giá có thể mang lại nguồn tài chính không nhỏ cho ngân sách của Thủ đô…
Tuấn Dũng (LĐTĐ)
Theo cafeland.vn