Phân lô, bán nền tại tỉnh Gia Lai: Sẽ chỉ rõ những cán bộ tiếp tay
Báo Lao Động có loạt bài phản ánh việc các cá nhân, tổ chức tự ý phân lô, tách thửa, bán nền trái phép tại tỉnh Gia Lai không chỉ băm nát quy hoạch thành phố mà còn đẩy rủi ro, thiệt hại cho người dân nhận chuyển nhượng.
Đất dự trữ phát triển công nghiệp tỉnh Gia Lai bị ông Nguyễn Văn Kế (Cty Bất động sản Hưng Gia Khang) tự ý phân lô, bán nền trái phép. Ảnh Đ.V
Qua điều tra cho thấy, nhiều cán bộ đã “đi tắt”, “vẽ đường” cho các cá nhân, tổ chức phân lô trái phép trục lợi. Thậm chí, có cả đường dây qua mặt UBND tỉnh để dung dưỡng cho việc phá nát quy hoạch đô thị. Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành đang cương quyết chỉ đạo xử lý hàng chục cán bộ liên quan.
Người dân thiệt hại đủ đường
Việc san lấp, tách thửa, bán nền tại Gia Lai diễn ra trái phép được “núp bóng” dưới các Cty bất động sản (BĐS), nhưng lách luật giao dịch giữa cá nhân với cá nhân.
Đây là chiêu trò mà theo đoàn liên ngành là có sự “hướng dẫn, tư vấn” đằng sau cho các Cty BĐS. Vì là khu quy hoạch ảo, không có trong quy hoạch nên người mua sẽ bị thiệt hại đủ đường.
Nếu chính quyền thiếu sự tỉnh táo sẽ tạo thành “điểm nóng” cho người dân về khiếu kiện đất đai.
Cụ thể, không phải là khu dân cư, thế nên hoàn toàn không có hội trường, đất công cộng, trường học, chợ, công viên, hệ thống thoát nước, cấp điện, thu gom rác thải...
Đặc biệt, việc giao dịch giữa cá nhân với cá nhân còn là “thủ thuật, chiêu trò” chính để tránh phải vi phạm hình sự.
Với sự móc ngoặc của các cán bộ tha hóa, những cá nhân, tổ chức thực hiện việc phân lô, bán nền trái phép nghiễm nhiên hưởng lợi hàng trăm tỉ đồng từ các khu dân cư ảo. Tất cả những hành vi vi phạm đã bị đoàn liên ngành do Thanh tra tỉnh Gia Lai chủ trì bóc gỡ.
“Qua mặt” cả UBND tỉnh
Theo điều tra của PV Báo Lao Động, kế hoạch sử dụng đất của TP.Pleiku đã bị thao túng, tạo kẽ hở. Cụ thể, TP.Pleiku lập kế hoạch sử dụng đất trình ra HĐND cùng cấp, tiếp đó trình lên UBND tỉnh phê duyệt. Tỉnh muốn phê duyệt phải thông qua một hội đồng cấp tỉnh do Sở TNMT chủ trì, thẩm định.
Hội đồng cấp tỉnh gồm rất nhiều sở, ngành, cơ quan như: Sở GTVT, Sở VHTTDL, Sở GDĐT, Công an, Quân sự... Từ tham vấn của hội đồng này, UBND tỉnh đã ban hành các quyết định phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2016, 2017, 2018. Vì là trái quy hoạch nên đoàn liên ngành đã kiến nghị cơ quan có thẩm quyền của tỉnh Gia Lai xử lý tất cả các cán bộ liên quan.
Đó là các lãnh đạo của Sở TNMT, Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh, Văn phòng Đăng ký đất đai TP.Pleiku, UBND TP.Pleiku; các Phòng TNMT, Quản lý đô thị, Đội Quy tắc đô thị, UBND các xã, phường... đã làm ngơ, dung dưỡng cho các tổ chức, cá nhân trục lợi trên việc phân lô, bán nền trái phép.
Chưa hết, các cán bộ đã bất chấp quy định, cấp hơn 1.500 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ mua đất tại khu dân cư ảo. Mà tiền đề là dám ban hành 16 quyết định mở đường trái phép, từ đó tạo thành các khu dân cư để lừa cả người dân và cả UBND tỉnh.
Vậy ai đã ký cấp các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và 16 quyết định mở đường trên? Hồ sơ sai phạm đã nằm trên bàn Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành và ông cương quyết xử lý hàng chục cán bộ sai phạm.
Việc phân lô, bán nền với các bài điều tra của báo Lao Động đã phản ánh các cá nhân, tổ chức mua 1ha đất nông nghiệp chỉ có giá 1 - 2 tỉ đồng/ha, sau đó nhờ cán bộ “vẽ đường” chuyển đổi thành đất thổ cư, rồi mở đường trái phép, kéo trụ điện lập các “khu dân cư ảo” bán ra với giá gấp 7 - 10 lần. Hậu quả băm nát thành phố, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quy hoạch đô thị TP.Pleiku năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Về lâu dài, tỉnh Gia Lai phải bỏ một nguồn ngân sách lớn để giải quyết hậu quả của các hành vi trên. Sau khi báo Lao Động phản ánh, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Gia Lai Ngô Ngọc Sinh thừa lệnh Chủ tịch UBND tỉnh ra công văn hỏa tốc đình chỉ tất cả mọi hoạt động phân lô, tách thửa tại TP.Pleiku; đồng thời yêu cầu tất cả huyện, thị tổng kiểm tra, rà soát trên phạm vi toàn tỉnh. |
Đình Văn (Lao Động)
Theo cafeland.vn